MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FT: Đã đến lúc Trung Quốc cần sử dụng ngay các công cụ có sẵn để vực dậy nền kinh tế

02-03-2024 - 07:10 AM | Tài chính quốc tế

FT: Đã đến lúc Trung Quốc cần sử dụng ngay các công cụ có sẵn để vực dậy nền kinh tế

Chính sách vĩ mô ngắn hạn và thay đổi cơ cấu trung hạn là rất cần thiết để khôi phục niềm tin, chuyên gia kinh tế nhận đinh.

Bài viết thể hiện quan điểm của Tao Wang – nhà kinh tế trưởng nghiên cứu về Trung Quốc tại UBS Investment Research và là tác giả của cuốn sách ‘Making Sense of China’s Economy’ (tạm dịch: Hiểu đúng về kinh tế Trung Quốc).

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 5,2% trong năm 2023, nhưng chỉ số Shanghai Composite đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm. Thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục suy giảm và chi tiêu tiêu dùng vẫn mờ nhạt. Niềm tin kinh doanh vẫn ở mức thấp và đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giảm mạnh.

Trung Quốc có thể làm gì để thúc đẩy niềm tin? Mặc dù sử dụng quỹ quốc gia để mua cổ phiếu blue-chip để hỗ trợ thị trường chứng khoán trong ngắn hạn, nhưng điều thực sự cần thiết là các biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế, tăng thu nhập doanh nghiệp và khôi phục chi tiêu kinh doanh và hộ gia đình. Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào tuần tới sẽ là thời điểm tốt để công bố những biện pháp như vậy.

Tuy nhiên, vẫn còn thiếu sự đồng thuận ở Bắc Kinh về các yếu tố chính đằng sau sự yếu kém hiện nay. Hầu hết đều cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi, chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa nhiều vào bất động sản và đầu tư của chính quyền địa phương sang đổi mới và tiêu dùng nội địa. Quá trình này được cho là sẽ khó khăn và chậm do sức nặng của lĩnh vực bất động sản, nợ chính quyền địa phương cao, dân số giảm và các lệnh hạn chế công nghệ do Mỹ và các đồng minh áp đặt. Ngoài ra còn có những nguyên nhân sâu xa hơn mà nhiều nhà đầu tư cho rằng có ảnh hưởng đến niềm tin kinh doanh, đó là quy định bị thắt chặt và môi trường chính sách không chắc chắn.

Các nhà kinh tế thị trường cho rằng nguyên nhân là do các yếu tố ngắn hạn và thiếu kích thích vĩ mô. Việc thắt chặt chính sách bất động sản trong năm 2020-2021 và Covid-19 đã góp phần gây ra suy thoái tới thị trường bất động sản. Chính sách tài khóa bị thắt chặt trong hầu hết năm 2023 do chính quyền địa phương cắt giảm chi tiêu chung và không thể tăng vay để đầu tư. Nhu cầu yếu làm trầm trọng thêm vấn đề dư thừa công suất. Điều này dẫn đến giá và thu nhập giảm, từ đó làm suy yếu hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.

Hiện nay, cả hỗ trợ chính sách vĩ mô ngắn hạn và chính sách cơ cấu trung hạn đều cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế và niềm tin. Ổn định thị trường bất động sản là chìa khóa để khôi phục niềm tin và ngăn chặn tác động nặng nề hơn lên nền kinh tế và hệ thống tài chính. Hỗ trợ tín dụng cho các nhà phát triển bất động sản sẽ cải thiện niềm tin của người mua, cũng như giảm bớt tình trạng vỡ nợ.

Ngoài ra, nỗ lực tái cơ cấu nợ bất động sản do chính phủ chỉ đạo cũng có thể giúp hạn chế thiệt hại do suy thoái. Để thúc đẩy nhu cầu nhà ở, Trung Quốc cần nới lỏng hơn nữa điều kiện mua nhà tại các thành phố lớn, cắt giảm thêm lãi suất thế chấp và các khoản trả trước, đồng thời nới lỏng hơn nữa hệ thống hộ khẩu ở các thành phố có hơn 3 triệu dân.

Để khuyến khích chi tiêu trong nước, chính phủ có thể triển khai gói kích thích tài chính khoảng 2% GDP trở lên để trợ cấp tiêu dùng hộ gia đình, tăng chi tiêu xã hội và đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Việc cắt giảm lãi suất hơn nữa và bơm thanh khoản sẽ giúp giảm bớt gánh nặng thế chấp và nợ doanh nghiệp. Thêm vào đó, các chính sách tín dụng thuận lợi hơn cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng.

Trung Quốc đang lưỡng lự trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ do lãi suất của Mỹ tăng và áp lực giảm giá đối với đồng nhân dân tệ. Nhưng việc hạ lãi suất cùng với gói hỗ trợ kinh tế hợp lý sẽ thúc đẩy niềm tin về tiền tệ. Lợi ích của cắt giảm lãi suất có thể lớn hơn nhiều so với tác động tiêu cực của việc nới rộng khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Trung Quốc.

Vì Trung Quốc đang chuyển đổi khỏi mô hình tăng trưởng cũ, thị trường bất động sản khó có thể phục hồi như trước đây và chỉ riêng kích thích vĩ mô sẽ không tạo ra tăng trưởng bền vững. Quá trình chuyển đổi thành công sang mô hình tăng trưởng mới sẽ đòi hỏi phải cải cách cơ cấu.

Ngay cả khi Trung Quốc do dự trong việc trợ cấp trực tiếp cho tiêu dùng, nước này vẫn có thể tăng chi tiêu chăm sóc sức khỏe để thúc đẩy niềm tin lâu dài và tiêu dùng hộ gia đình. Cải cách hộ khẩu sâu rộng hơn sẽ làm tăng dịch chuyển lao động và khả năng tiếp cận các dịch vụ công của lao động di cư, từ đó tăng khả năng chi tiêu và nhu cầu nhà ở của họ.

Về phía chính quyền địa phương, việc khai thác giá trị kinh tế của tài sản công và tìm kiếm nguồn tài chính bền vững cho chi tiêu dài hạn cần được thực hiện song song với tái cơ cấu nợ. Để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, yếu tố cần có là một môi trường pháp lý ổn định và minh bạch hơn, ít rào cản thị trường và biện pháp bảo vệ pháp lý tốt hơn cho các nhà đầu tư.

Chính phủ Trung Quốc có sẵn các công cụ để lật ngược tình trạng suy giảm hiện tại. Tuy nhiên, thành quả sẽ phụ thuộc nhiều vào cách thức triển khai của nước này.

Theo FT

Yến Nguyễn

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên