“Gã khổng lồ” Boeing lại gặp sóng gió
Thời gian qua, Hãng sản xuất máy bay khổng lồ Boeing phải vật lộn với hàng loạt vấn đề khó khăn và hiện đang phải đối mặt với nguy cơ đình công của khoảng 32.000 công nhân.
- 10-09-2024Nga phá sập sở chỉ huy, hạ sát hàng chục lính Ukraine; Kiev huy động 90 vạn quân, Kremlin nhận cấp báo
- 10-09-2024Người đàn ông bí ẩn đầu tử hàng tỷ USD vào mọi startup của Elon Musk, 'săn lùng' vị tỷ phú suốt 9 năm
- 10-09-2024Bà Harris nhận tin xấu ngay trước tranh luận với ông Trump: Kết thúc kỳ trăng mật và tháng 8 phấn khích
Ngày 8/9, thông tin từ CNN cho biết hợp đồng lao động giữa Boeing và Hiệp hội Thợ máy quốc tế (IAM) dự kiến hết hạn vào ngày 12/9. Nếu không có một thỏa thuận lao động mới, những công nhân chế tạo máy bay của Boeing tại bang Washington (Mỹ) sẽ khởi động cuộc đình công đầu tiên sau 16 năm.
Chủ tịch công đoàn IAM Jon Holden cho biết viễn cảnh cho một thỏa thuận lao động mới không mấy khả quan. "Hai bên vẫn còn bất đồng quá lớn về các vấn đề quan trọng như tiền lương, chăm sóc sức khỏe, ngày nghỉ và thời hạn nghỉ hưu. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục giải quyết các vấn đề, nhưng chắc chắn sẽ hết sức khó khăn" - theo ông Holden.
Hiện Boeing và IAM đều muốn đạt được thỏa thuận để tránh đình công. Tuy nhiên, các thành viên công đoàn ngày càng mất bình tĩnh trước những yêu cầu nhượng bộ trong 2 thỏa thuận mà các bên đạt được trước đó. Theo CNN, cả 2 bản thỏa thuận này chỉ là gia hạn hợp đồng chứ không phải đàm phán thiết lập điều khoản mới.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc của Boeing Kelly Ortberg khi đi thăm nhà máy sản xuất tại Everett (Washington) cho biết, ông đã gặp ông Holden và lãnh đạo các công đoàn khác và đã rất cố gắng để thiết lập lại mối quan hệ. "Chúng tôi tiếp tục thương lượng một cách thiện chí khi tập trung vào các chủ đề quan trọng đối với nhân viên và gia đình của họ. Chúng tôi tin tưởng rằng chúng tôi có thể đạt được một thỏa thuận cân bằng giữa nhu cầu của nhân viên và thực tế kinh doanh của công ty" - CNN dẫn ý kiến của ông Ortberg.
Đáp lại, Chủ tịch IAM Holden lại cho rằng không có bất kỳ sự khác biệt nào trong lập trường của Boeing khi tiến hành đàm phán, và cùng với những thách thức lớn mà Boeing đang trải qua khiến khả năng đi đến thỏa thuận càng trở nên khó khăn trong tương lai gần.
Thực ra, đây cũng chỉ là hệ quả kéo theo khi mà Boeing phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nghiêm trọng trong suốt thời gian qua, từ những sự cố nghiêm trọng, các vụ tai nạn chết người do lỗi thiết kế của dòng máy bay phản lực bán chạy nhất đến những cáo buộc công ty ưu tiên lợi nhuận và số lượng thay vì đảm bảo chất lượng và an toàn. Hiện Boeing đang đối mặt với khoản lỗ lên đến 33,3 tỷ USD (trong vòng 5 năm qua).
Hiện Boeing đang phải tìm cách trang trải tiền lương cho khoảng 1,6 triệu người làm việc trực tiếp và gián tiếp tại gần 9.900 nhà cung cấp, trải rộng trên tất cả 50 tiểu bang nước Mỹ, trong khi sản xuất giảm sút.
Ngày 8/9, thông tin từ Boeing cho biết, tháng 8, hãng xuất xưởng được 44 máy bay thương mại, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái khi mà nhiều thách thức về mặt pháp lý và dây chuyền sản xuất vẫn chưa được khơi thông. Cho dù doanh thu tháng 8 được cho là khá nhưng vẫn giảm 70% so với năm ngoái.
Quý I/2024, Boeing giao được 83 chiếc máy bay thương mại. Quý II là 92 chiếc. Như vậy, tình hình đã sáng dần, nhưng cho tới hết tháng 8 thì số đơn đặt hàng mới đã ở mức “cạn kiệt”: hiện chỉ còn 26 đơn do nhiều đơn hàng đã bị hủy.
Nguyên nhân chính được cho là Boeing vẫn phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra và sự giám sát chặt chẽ từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) sau sự cố hỏng nút cửa trên máy bay Boeing 737 Max 9 vào ngày 5/1 vừa qua. Sau vụ việc, Boeing giảm tốc độ sản xuất theo giới hạn của FAA về sản xuất 38 chiếc máy phản lực mỗi tháng, đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra.
Đáng nói là, trong khi Boeing chật vật với doanh số bán hàng thì hãng Airbus - đối thủ của Boeing, lại đang ghi nhận kết quả tích cực. Tính từ đầu năm tới nay, Airbus đã giao 323 chiếc so với 175 chiếc của Boeing, theo Reuters.
Theo tờ Wall Street Journal, tình trạng thiếu hụt phụ tùng và nhiều vấn đề khác đã khiến Boeing phải “bỏ kho” khoảng 200 máy bay và chịu lỗ khoảng 1 tỷ USD/tháng. Một số máy bay của Boeing còn bị bỏ bên ngoài nhà máy và thậm chí cả trong bãi đậu xe của nhân viên do thiếu nội thất hoặc động cơ. Sự chậm trễ về linh kiện là do tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng kéo dài kể từ đại dịch Covid-19. Theo đó, các nhà cung cấp ghế ngồi không thể cung ứng nhu cầu của Boeing, đặc biệt là đối với hàng hóa cao cấp. Ông Ron Epstein, nhà phân tích hàng không vũ trụ tại Bank of America (Mỹ) cho rằng triển vọng giao máy bay và giải phóng kho bãi của Boeing vẫn còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, bà Stephanie Pope - Giám đốc điều hành Boeing cho biết họ hy vọng đạt sản lượng 38 chiếc 737 MAX mỗi tháng vào cuối năm nay.
Đại Đoàn Kết