MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Gạch tên” dự án sân bay An Giang: Liều thuốc cho căn bệnh thích hoành tráng

Dù An Giang xin và đưa dự án xây sân bay Châu Thành vào quy hoạch giao thông của địa phương nhưng đã bị loại bỏ khỏi quy hoạch giao thông 13 tỉnh Tây Nam Bộ Nam từ nay tới năm 2030 vì không khả thi. Động thái này của cơ quan chức năng có thể được coi là liều thuốc cần thiết để ngăn chặn căn bệnh thích hoành tráng của nhiều địa phương.

Xây sân bay: Tỉnh nào chả muốn xin nhưng tiền đâu mà làm?

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết dự án xây sân bay An Giang được tỉnh đề xuất và đưa vào quy hoạch giao thông của địa phương. Tuy nhiên, do dự án này không khả thi nên không được đưa vào quy hoạch giao thông chính thức của 13 tỉnh Tây Nam Bộ.

Trước đó, theo đề xuất của tỉnh An Giang, dự án có tổng vốn đầu tư 3.417 tỉ đồng được đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP giai đoạn 2016-2020 và nằm trong dự thảo kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng GTVT và hệ thống logistics vùng ĐBSCL.

Sân bay An Giang được đề nghị nằm trong quy hoạch mạng cảng hàng không nội địa dùng cho mục đích bay taxi, bay hàng không chung, bay phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, phát triển bay khai thác thường lệ khi có thị trường và là sân bay dùng chung trong lĩnh vực dân dụng và quân sự.


 Infographic: Cuộc đua xây sân bay ở nhiều địa phương

Infographic: Cuộc đua xây sân bay ở nhiều địa phương

Trong đó, phân kỳ đầu tư đến năm 2020 là 1.481 tỷ đồng, định hướng đến năm 2030 là 1.936 tỷ đồng. Sân bay được xây dựng trên nền đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 235 ha thuộc khu vực xã Cần Đăng (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang).

Nhận định về dự án này, ông Mười cho rằng đề xuất đó là không khả thi dù tỉnh dự kiến kêu gọi DN đầu tư dưới hình thức PPP nhưng “tiền đâu ra mà làm và chẳng có DN nào đủ lực”.

Hiện, quy hoạch giao thông 13 tỉnh Tây Nam Bộ từ nay tới 2030 vẫn chỉ có 4 sân bay gồm Rạch Giá, Cà Mau, Phú Quốc và Cần Thơ và sẽ không có sân bay mới vì khu vực đó đã quá dầy đặc về sân bay.

Rà soát lại quy hoạch sân bay

Trả lời phỏng vấn chúng tôi, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết sân bay An Giang không nằm trong quy hoạch của Bộ còn với đề xuất tương tự của Quảng Trị và Bình Thuận, Bộ đang tiến hành rà soát tổng thể toàn quốc, lấy ý kiến địa phương, bộ ngành tổng hợp lại rồi mới trình đề xuất lên chính phủ.

Theo quy hoạch năm 2009 được Thủ tướng phê duyệt của Cục hàng không Việt Nam, đến năm 2020 Việt Nam sẽ phát triển đưa vào khai thác 26 Cảng hàng không trong đó có 10 sân bay quốc tế và 16 sân bay nội địa với công suất phục vụ dự kiến đạt 70 triệu hành khách/năm và hiện con số này đang là 21 với 7 cảng quốc tế và 14 cảng nội địa. Tuy nhiên, bên cạnh 26 sân bay đã có tên trong quy hoạch, còn có một số địa phương như An Giang, Quảng Trị hay Bình Thuận đã và đang xin xây sân bay.

Dù các tỉnh đua nhau xin xây sân bay nhưng đơn vị đang chịu trách nhiệm khai thác hệ thống cảng hàng không là Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) lại không ít lần than lỗ vì các sân bay địa phương. Trên thực tế, ACV đã hơn 1 lần khẳng định chỉ có hoạt động kinh doanh tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất là có lãi và hai cảng này đang phải bù lỗ cho 18 cảng hàng không còn lại trên cả nước. Hai sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng vừa đạt đến điểm hoàn vốn. Các nghiên cứu về hiệu suất khai thác tại các sân bay cũng cho thấy điều này. Trừ 4 sân bay hoà vốn hoặc có lãi, các sân bay ở các địa phương đều chỉ khai thác được hiệu suất từ 8 đến gần 80% trong đó các sân bay như Chu Lai, Tuy Hoà, Rạch Giá, Cà Mau chỉ khai thác dưới 20% công suất dự kiến.

Chuyên gia Phạm Sanh cho rằng "Xu hướng hiện nay là địa phương nào cũng muốn có một sân bay, ai mà đang làm ở địa phương nói thẳng ra đều có tư duy nhiệm kỳ và trong nhiệm kỳ của mình cũng phải có một cái gì đó để mang ra trình bày trước hội đồng nhân dân. Như vậy, việc An Giang xin một sân bay, tôi không có gì ngạc nhiên. Địa phương nào cũng đều làm dự án theo kiểu thành tích, dự án càng lớn càng tốt đặc biệt là dự án hạ tầng và sân bay là dự án mà địa phương nào cũng có một cái."

Về góc độ khoa học, như trên thế giới sân bay đặt dầy quá đâu có hiệu quả vì không thể nào mà cứ cách nhau từ 100-200 km và đặc biệt sân bay Việt Nam khi làm thủ tục là rất lâu, rất chậm thành ra hành khách sẽ thấy không hiệu quả hơn là đi bằng các phương tiện khác như đi bằng ôtô hay tàu hoả. Theo chuyên gia này, bây giờ không phải là lúc đưa ra các dự án phi thực tế như vậy bởi hiện nay sân bay Long Thành đang không có vốn làm, và tại sao không tập trung cho sân bay Long Thành.

Theo Khánh Hòa - Minh Bằng

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên