MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Game” mới lại đẩy sóng nổi dậy ở cổ phiếu của Gỗ Trường Thành

Trước mắt sóng nổi lên tại TTF dựa trên kỳ vọng của nhà đầu tư vào một “game” mới tại Gỗ Trường Thành khi cuộc cơ cấu các khoản đầu tư của các ông lớn được thực hiện. Tuy nhiên, có lẽ cuộc chơi này chỉ dành cho những người mạo hiểm

Trong 3 ngày qua, thị trường chứng kiến sự nổi dậy ở cổ phiếu “tai tiếng” TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành. Ngay ngày đầu tuần 03/04, TTF đã có sự lật ngược tình thế khi đang giảm hơn 4% bỗng hồi phục về tham chiếu, tăng giá rồi đúng 2 giờ chiều thì vọt lên giá trần. Cuối phiên hôm đó, TTF tạm lùi khỏi sắc tím và đóng cửa tăng 2,74%.

Thế nhưng trong 2 phiên sau, dù chỉ được giao dịch buổi chiều vì đang ở diện kiểm soát đặc biệt thì TTF đã được săn đón ngay khi bắt đầu có thể mua bán. Với lệnh mua áp đảo, TTF tăng trần 2 phiên và đặc biệt dư mua tại giá trần đều lên đến hơn 1 triệu đơn vị.

Trước đó, từ đầu tháng 2/2017, TTF đã có một đợt tăng mạnh mẽ từ giá dưới 5.000 đồng lên đến 9.000 đồng, tương ứng mức tăng 80%, được cho rằng có sự hỗ trợ từ việc công ty này giảm lỗ sau kiểm toán tới 350 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả này là do chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 87% tương đương 353 tỷ đồng so với trước kiểm toán và chỉ còn 53 tỷ đồng. Thuyết minh BCTC cho thấy, dự phòng phải thu khách hàng khó đòi đã giảm mạnh. Nếu như trước kiểm toán, phải thu khách hàng ngắn hạn của TTF là 745,5 tỷ đồng và trích lập dự phòng tới 420 tỷ đồng thì sau kiểm toán, khoản dự phòng chỉ còn 151 tỷ đồng trên tổng 791 tỷ đồng phải thu ngắn hạn, tức giảm đi gần 270 tỷ đồng.

Nhưng hóa ra “game” Gỗ Trường Thành chưa hết. Cú nổ 3 phiên qua của TTF bắt nguồn từ cuộc thoái vốn của CTCP Đầu tư và Xây dựng Tân Liên Phát – một công ty con của Vingroup. Sau một thời gian gắn bó, cuối cùng Tân Liên Phát đã quyết định tạm biệt Gỗ Trường Thành, bán đi 36,2 triệu cổ phiếu, giảm số lượng sở hữu xuống còn 7 triệu cổ phiếu – chiếm 4,84% vốn điều lệ. Như vậy, Tân Liên Phát không còn là cổ đông lớn của Gỗ Trường Thành. Và ngày không còn là cổ đông lớn là ngày 31/03/2017.

Thay vào đó, CTCP Xây dựng U&I (U&I Construction) đã mua 29 triệu cổ phiếu TTF và trở thành cổ đông lớn nắm giữ 20,054% vốn điều lệ. Còn hơn 7 triệu cổ phiếu, tương đương 5,06% vốn, chưa lộ diện người mua.

U&I Construction là công ty thành viên của CTCP Đầu tư U&I (U&I Investment Corporation) do ông Ông Mai Hữu Tín là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Ông Tín hiện cũng giữ chức vụ thành viên HĐQT độc lập Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank).

Trở lại với sự kiện Gỗ Trường Thành đột nhiên giảm lỗ tới 350 tỷ đồng sau kiểm toán, Báo cáo tài chính sau kiểm toán cho biết, vào ngày 26/12/2016, công ty và một nhà đầu tư tổ chức (gọi tắt là Nhà đầu tư) đã thống nhất thông qua thỏa thuận nguyên tắc về việc Nhà đầu tư đồng ý hỗ trợ và sẵn sàng đảm bảo khả năng thu hồi các khoản phải thu từ một số khách hàng của Nhóm công ty với tổng số tiền dự kiến là 400 tỷ đồng. Đổi lại, Nhà đầu tư sẽ được quyền mua cổ phiếu trong tương lai khi nhóm công ty phát hành.

Vào ngày 04/02/2017, công ty, Nhà đầu tư và một cá nhân là cổ đông của Nhóm công ty đã ký kết thỏa thuận thu hồi nợ với nội dung và điều khoản tương tự như trên. Cá nhân đồng ý dùng số tiền đã cho Nhóm công ty vay trong năm 2016 với số dư tại ngày 31/12/2016 là 300 tỷ đồng để bảo đảm cho số tiền phải thu được quy định cụ thể theo thỏa thuận là 350,2 tỷ đồng trong trường hợp Nhà đầu tư thực hiện không đúng thời hạn cam kết thanh toán cho Nhóm công ty.

Như vậy, trước mắt sóng nổi lên tại TTF dựa trên kỳ vọng của nhà đầu tư vào một “game” mới tại Gỗ Trường Thành khi cuộc cơ cấu các khoản đầu tư của các ông lớn được thực hiện. Tuy nhiên, có lẽ cuộc chơi này chỉ dành cho những người mạo hiểm bởi tương lai của Gỗ Trường Thành không phải là câu chuyện giản đơn và ai cũng biết.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên