Gần 110 nghìn tỷ đồng, rủi ro tín dụng BOT và BT giao thông đã được cảnh báo trước
Đến thời điểm những rủi ro mà Ngân hàng Nhà nước cảnh báo ròng rã nhiều năm qua bắt đầu lộ rõ.
Ngày 16/11/2017, lần đầu tiên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng “lên ghế nóng”, trả lời chất vấn trực tiếp đại biểu Quốc hội tại hội trường.
Trong lần đầu tiên đó, một quan điểm “rắn” của vị tư lệnh ngành ngân hàng thể hiện.
“Nhu cầu vốn cho đường cao tốc rất lớn và quan trọng, nhưng rủi ro của hệ thống ngân hàng cũng quan trọng không kém”, Thống đốc Lê Minh Hưng khi đó nêu lập trường, về nội dung chất vấn tín dụng đối với lĩnh vực BOT, BT giao thông, cũng như trước đề nghị xem xét hỗ trợ nguồn.
Cũng như các dự án và hoạt động cho vay thông thường, rủi ro tín dụng khó loại trừ. Bên cạnh đó, cho vay các dự án BOT, BT giao thông còn có đặc thù rủi ro trong cân đối kỳ hạn. Vốn huy động của hệ thống ngân hàng chủ yếu ngắn hạn dưới 12 tháng, nhưng vốn vay ở lĩnh vực này thường có thời hạn rất dài, từ 10-20 năm.
Và không phải đến phiên chất vấn trên quan điểm thận trọng của Ngân hàng Nhà nước mới khẳng định. Trước đó và cho đến nay, nhà quản lý hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam thường xuyên đặt các dự án BOT, BT giao thông bên cạnh bất động sản và chứng khoán trong các văn bản, khuyến nghị về thận trọng khi phát triển tín dụng.
Tại thời điểm Thống đốc nêu quan điểm nói trên, dư nợ cho vay các dự án BOT, BT toàn hệ thống vào khoảng 85.000 - 90.000 tỷ đồng, với gần 20 ngân hàng thương mại tham gia nhưng tập trung chủ yếu tại 4 thành viên (chiếm trên 90% dư nợ)…
Cập nhật mới nhất, ước tính đến tháng 9/2019, dư nợ các dự án BOT, BT giao thông tăng nhẹ 1,85% so với cuối năm 2018, chiếm 1,4% tổng dư nợ của nền kinh tế. Quy mô theo đó vào khoảng gần 110.000 tỷ đồng, cũng không tăng nhiều so với thời điểm Thống đốc trả lời chất vấn nói trên.
Quy mô không quá lớn, nhưng lại có mức độ tập trung tại số ít thành viên, nên nếu có bộc lộ rủi ro hoặc phát sinh rủi ro thì ảnh hưởng cục bộ sẽ lớn.
Và tình hình gần đây cho thấy, những rủi ro từ tín dụng BOT, BT giao thông đã bắt đầu xuất hiện.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi đến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa khai mạc đầu tuần này cho biết, hiện nay có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.
Như vậy, so với quy mô khoảng 110.000 tỷ đồng dư nợ thì tỷ trọng có nguy cơ đó đã chiếm gần phân nửa.
Trước thực tế trên, để tạo điều kiện triển khai có hiệu quả hoạt động cho vay đối với các dự án giao thông theo hình thức BOT, phục vụ phát triển kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực với ngành ngân hàng ở ba điểm.
Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông.
Hai là, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn có tính chất dài hạn phù hợp với nhu cầu vốn dài hạn của các dự án.
Ba là, tập trung xử lý các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng.
BizLive