Gần 16.000 người đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19
Các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng thông thường như: sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy.
Sáng 16-3, Bộ Y tế đã tiếp nhận lô vắc-xin Sputnik V là quà tặng của Liên bang Nga, được ông Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga, mang đến Việt Nam vào sáng cùng ngày trong chuyến công tác tại Hà Nội.
Nga tặng Việt Nam 1.000 liều vắc-xin Sputnik V
Ông Đặng Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Y tế, cho biết lô vắc-xin Sputnik V gồm 1.000 liều ngừa Covid-19 đã được chuyển tới kho lạnh của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để bảo quản. Thời gian tới, việc điều phối lô vắc-xin này sẽ do Chính phủ quyết định.
Tháng 2 vừa qua, Hội đồng Tư vấn cấp giấy phép lưu hành thuốc và sinh phẩm y tế của Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Y tế phê duyệt nhập khẩu thêm 2 vắc-xin ngừa Covid-19 gồm Spunik V và vắc-xin của Moderna, Mỹ. Việt Nam cũng đang đàm phán mua vắc-xin Sputnik V, số lượng dự kiến khoảng 60 triệu liều. Sputnik V là vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới được phê duyệt. Từ ngày 11-8-2020, Bộ Y tế Nga đã cho triển khai tiêm quy mô toàn quốc vắc-xin Sputnik V khi vắc-xin này chưa thực hiện xong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Đến nay, vắc-xin Sputnik V đã được hơn 50 quốc gia phê duyệt sử dụng.
Thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết có thêm 4.260 người được tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trong ngày 15-3. Như vậy, sau đúng một tuần triển khai tiêm chủng, đã có 15.865 người đã được tiêm ở 12 tỉnh/thành phố: Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, TP HCM, Gia Lai, Long An, Đà Nẵng, Hòa Bình và Khánh Hòa. Theo báo cáo nhanh từ các điểm tiêm chủng, trong ngày 15-3, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng thông thường với các dấu hiệu như: sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy… tương tự như thông báo của nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca.
Ông Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang, cho biết đợt này tỉnh Bắc Giang được phân bổ 3.100 liều vắc-xin Covid-19. Đến chiều 15-3, sau 5 ngày triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, tỉnh Bắc Giang đã tiêm được 1.700 người, trong đó ghi nhận 424 trường hợp có phản ứng sau tiêm như hồi hộp, sốt nhẹ, lâng lâng, đau chỗ tiêm… Trong đó có 2 trường hợp có phản ứng nặng hơn nhưng đến nay 2 trường hợp này đều đã ổn định sức khỏe.
Tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho cán bộ y tế tại Bắc Giang
Sức khỏe 6 người tiêm vắc-xin ổn định
Liên quan đến sức khỏe của 6 trường hợp tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 Covivac do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế nghiên cứu và sản xuất, PGS-TS Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng - Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết cả 6 tình nguyện viên được tiêm mũi đầu tiên vắc-xin Covivac đã trở về nhà sau 24 giờ theo dõi sức khỏe tại đơn vị nghiên cứu. Đến nay, chưa ghi nhận các biến cố bất lợi, sức khỏe người tiêm ổn định.
Trước đó, sáng 15-3, Trường ĐH Y Hà Nội và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc-xin Covivac trên 6 tình nguyện viên đầu tiên. Theo kế hoạch, 120 tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 được chia thành 5 nhóm để tiêm với các mức liều khác nhau. Với 114 người tình nguyện còn lại sẽ lần lượt tiêm theo các đợt, mỗi đợt cách nhau 8 ngày cho đến ngày 20-4.
Hải Dương giãn cách xã hội đến hết tháng 3
Ngày 16-3, nước ta ghi nhận thêm 3 ca mắc Covid-19 ở tỉnh Hải Dương. Đây là các ca bệnh được cách ly trước đó. Tại cuộc họp cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương quyết định Hải Dương sẽ nới lỏng các biện pháp chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 19 của Thủ tướng cho đến hết ngày 31-3 để phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, một số ít xã, khu dân cư, điểm dân cư đang phong tỏa thì tiếp tục thực hiện cho tới khi có quyết định kết thúc phong tỏa. Đối với các trường hợp F0 đã chữa khỏi và F1 đã hết thời gian cách ly tập trung, cần tiếp tục quản lý chặt chẽ và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm theo chỉ định của cơ quan y tế.
Tr.Đức
Người lao động