Gần 18.000 ha lúa và cây ăn trái thiệt hại do hạn mặn
Từ đầu năm đến nay do nắng nóng kéo dài, nước mặn xâm nhập làm ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Vĩnh Long.
- 28-03-2020Người nuôi cá lóc điêu đứng vì hạn mặn
- 08-02-2020Hàng nghìn hécta lúa nguy cơ mất trắng vì hạn mặn
- 01-02-2017Khô hạn, xâm nhập mặn khiến sản lượng đường sụt giảm
Đến nay đã có khoảng 18.000 ha lúa và cây ăn trái của bà con nông dân ở địa phương bị thiệt hại.
Từ nhiều ngày qua, anh Nguyễn Đạt Ân, ở ấp Tân Mỹ B, xã Chánh An, huyện Mang Thít đã thực hiện nhiều cách để cứu vườn cây sầu riêng gần 10 năm tuổi đang khô lá và có khả năng chết cây.
Cống Mười Miên, ấp Bình Hòa 2, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ đang khô nước
Anh Ân cho biết, đây là năm đầu tiên nắng nóng kéo dài, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, vườn sầu riêng đang hứa hẹn một mùa bội thu nhưng nay đã rụng hết trái. Anh cố gắng cắt bỏ bớt cành với mong muốn cứu được cây sầu riêng nhưng rất khó vì nhiều cành đã chết khô.
"Nước mặn làm cho rụng lá và cháy lá, rớt trái, 1 cây khoảng 40 -50 trái rớt hết, không còn nữa" - anh Ân chia sẻ.
Tại các xã cù lao An Bình, thuộc huyện Long Hồ nơi có rất nhiều sông rạch nên công tác phòng chống hạn mặn gặp rất nhiều khó khăn. Tại đây khi mùa khô đến, nước mặn xâm nhập, người dân địa phương chỉ biết đóng các cống lại chờ nước mưa về.
Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài như hiện nay, hầu hết vườn cây ăn trái của người dân địa phương đều bị thiếu nước tưới. Tại xã Bình Hòa Phước, thuộc cù lao An Bình hiện có khoảng 30 ha cây chôm chôm bị ảnh hưởng.
Vườn sầu riêng của anh Nguyễn Đạt Ân, ở ấp Tân Mỹ B, xã Chánh An nhiều cây đã chết. |
Ông Nguyễn Ngọc Nhân, Giám đốc HTX chôm chôm Bình Hòa Phước có khoảng 18 ha chôm chôm cho biết: "Một năm bà con chỉ có một mùa trái cây. Vườn thì chuyên canh cây ăn trái ở xứ cù lao. Hiệu quả kinh tế rất cao, nếu ảnh hưởng hạn mặn thì ảnh hưởng đến kinh tế bà con rất lớn".
Theo thống kê của ngành nông nghiệp địa phương, hiện toàn tỉnh có khoảng 17.600 ha lúa và vườn cây ăn trái bị thiệt hại do ảnh hưởng hạn mặn, trong đó hơn 1.000 ha vườn cây ăn trái tập trung tại các huyện Vũng Liêm, Mang Thít và Long Hồ và Trà Ôn.
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, năm nay tình hình hạn mặn diễn biến rất phức tạp, nước trên các sông rạch xuống thấp đáng kể.
Để chủ động ứng phó với mặn xâm nhập , ngay từ đầu mùa khô Vĩnh Long đã vận động nhân dân kiểm tra, gia cố các công trình thủy lợi trên địa bàn, thực hiện nạo vét các mương để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất; thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình xâm nhập mặn để thông báo kịp thời đến người dân chủ động ứng phó.
Điều đáng mừng là ý thức người dân trong công tác ứng phó mặn xâm nhập đã được nâng cao, tất cả các xã đều được trang bị máy đo độ mặn. Chính quyền địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm; đồng thời tận dụng các dụng cụ trữ nước để tưới tiêu trong mùa khô. Tuy nhiên vẫn không tránh khỏi thiệt hại.
Vườn chôm chôm của người dân ở các xã Cù Lao An Bình đang thiếu nước nghiêm trọng. |
Ông Nguyễn Văn Liêm cho biết thêm: "Tới giờ phút này chúng ta cũng đã có một số thiệt hại trên vườn cây ăn trái và trên lúa. Giải pháp chúng ta chỉ mới là khắc phục tạm thời, do đó cần nhất là tuyên truyền. Đồng thời, chúng tôi phân công các đơn vị trực thuộc như trồng trọt, bảo vệ thực vật, trung tâm khuyến nông sẽ tiến hành những cuộc tập huấn hướng dẫn bà con nông dân về các giải pháp khắc phục".
Việc ứng phó với hạn mặn ở Vĩnh Long những tháng qua cũng chỉ là biện pháp tình thế. Về lâu dài, theo ông Nguyễn Văn Liêm, địa phương cần có đề án phát triển hệ thống cống đập đồng bộ, có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh và thường xuyên nạo vét kênh mương mới có thể đối phó được với hạn mặn trong những năm tới. Để thực hiện được điều này cần có vốn đầu tư lớn, trong khi kinh phí dùng để phát triển hệ thống thủy lợi của địa phương còn hạn chế./.
VOV