Gần 200 công ty da giày ở Mỹ viết thư xin ông Trump không áp thuế quan
Nike, Adidas, và nhiều công ty da giày lớn khác kêu gọi ông Trump xem lại kế hoạch áp thuế quan lên giày dép sản xuất tại Trung Quốc...
- 18-05-2019Thu hơn 400 triệu USD một năm, ông Trump vẫn vay thế chấp nhà
- 16-05-2019Huawei mỉa mai ông Trump: Lệnh cấm sẽ khiến Mỹ "tụt lại phía sau" trong làn sóng 5G
- 16-05-2019Dow Jones tăng hơn 100 điểm, bù đắp cho đà giảm 190 điểm của phiên trước sau khi ông Trump hoãn áp thuế đối với ô tô của châu Âu
Nike, Adidas, và nhiều công ty da giày lớn khác kêu gọi Tổng thống Donald Trump xem xét lại kế hoạch áp thuế quan lên giày dép sản xuất tại Trung Quốc, nói rằng chính sách này sẽ là "thảm họa đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế Mỹ".
Theo hãng tin Bloomberg, có tổng cộng 173 công ty ký vào lá thư ngỏ gửi ông Trump vào ngày thứ Hai. Lá thư được đăng trên trang web của Hiệp hội Các nhà phân phối và bán lẻ da giày Mỹ (FDRA), đồng thời cũng được gửi tới Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Bộ Thương mại Wilbur Ross, và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow.
"Thay mặt cho hàng trăm triệu người tiêu dùng và hàng trăm nghìn người lao động của ngành da giày, chúng tôi đề nghị các ngài ngay lập tức dừng hành động gia tăng gánh nặng thuế má", lá thư có đoạn viết. "Đề xuất của các ngài về tăng thuế quan đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải gánh chịu thiệt hại. Đã đến lúc phải chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại này".
Trong cuộc chiến thương mại leo thang với Trung Quốc, ông Trump đã dọa áp thuế quan lên tới 25% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ. Tuần trước, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) công bố một bản danh sách các mặt hàng có tổng trị giá 300 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ mỗi năm mà ông Trump dự kiến sẽ áp thuế bổ sung 25%, trong đó có nhiều mặt hàng giày dép, từ giày thể thao cho tới dép xăng-đan.
Theo dự kiến, kế hoạch áp thuế này sẽ là một chủ đề bàn thảo giữa ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp bên lề thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào tháng tới.
Ông Trump luôn nói rằng Trung Quốc là bên phải gánh chịu thuế quan mà ông áp lên hàng hóa Trung Quốc, nhưng giới phân tích cho rằng đánh giá đó là sai. Đầu tháng này, ông Kudlow nói "cả hai bên" đều phải chịu thuế quan.
"Với tư cách là một ngành vốn đã phải đối mặt với hóa đơn thuế nhập khẩu 3 tỷ USD mỗi năm, chúng tôi có thể đảm bảo với ngài rằng bất kỳ sự tăng thuế nào đối với giày nhập khẩu cũng ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ", lá thư của hiệp hội da giày Mỹ viết.
"Chúng tôi không thể hấp thụ số thuế đó được", ông Michael Jeppesen, Giám đốc phụ trách kinh doanh toàn cầu của Wolverine World Wide, một trong những công ty ký vào lá thư trên, phát biểu. "Cách duy nhất là chuyển chi phí gia tăng sang người tiêu dùng".
FDRA ước tính rằng thuế quan mà ông Trump dự kiến áp sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả thêm khoảng 7 tỷ USD mỗi năm, gây ảnh hưởng đặc biệt lớn lên những người thuộc tầng lớp lao động.
Thuế quan là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm trong ngành da giày, vì các công ty thuộc ngành này đã phải trả thuế quan vào hàng cao nhất ở Mỹ. Một số loại thuế quan lâu năm áp lên giày dép nhập khẩu vào Mỹ có thuế suất lên tới hơn 30%.
Nhiều công ty da giày Mỹ đã sản xuất sang Việt Nam vì kỳ vọng vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng rồi cuối cùng ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận.
Các công ty da giày ký vào lá thư gửi ông Trump có mức độ phụ thuộc rất đa dạng vào Trung Quốc. Chẳng hạn, hãng Nike sản xuất 26% sản phẩm quần áo và 26% sản phẩm giày dép ở Trung Quốc trong tài khóa 2018. Skechers USA sản xuất khoảng 65% sản phẩm ở Trung Quốc, nhưng chỉ một phần số sản phẩm đó được nhập khẩu vào Mỹ.
Under Armour hiện sản xuất 18% sản phẩm ở Trung Quốc, so với tỷ lệ 46% vào năm 2013. Mục tiêu của công ty là giảm con số này về 7% vào năm 2023.
VnEconomy