MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gần 240 tỷ USD đầu tư nước ngoài đã được rót vào Việt Nam

Tính đến nay, cả nước có hơn 11,2 nghìn dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đạt gần 240 tỷ USD, với khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vào đầu tư.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế các tỉnh, thành phố phía Bắc năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024 diễn ra vào sáng ngày 9/12/2023 tại Bắc Giang.

Trên 11,2 nghìn dự án FDI đầu tư vào Việt Nam

Hội nghị do Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) các Ban Quản lý Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) các tỉnh, TP phía Bắc tổ chức với sự tham gia của Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang; đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư , Công Thương ; Ban Chủ nhiệm CLB Ban Quản lý KCN, KKT, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao các tỉnh, TP phía Nam; Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban Quản lý KCN, Khu kinh tế các tỉnh, thành phố phía Bắc cùng lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp , khu kinh tế đến từ 30 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Gần 240 tỷ USD đầu tư nước ngoài đã được rót vào Việt Nam - Ảnh 1.

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình hoạt động và trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động. Đồng thời, trao đổi những vấn đề liên quan đến việc triển khai xây dựng Luật Khu công nghiệp - Khu kinh tế.

Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến cuối năm 2023, cả nước có hơn 410 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 120 nghìn ha, trong đó, diện tích đất công nghiệp chiếm khoảng 70%. Hiện đã có 295 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 92 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63 nghìn ha.

Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51,8 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,8%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,9%.

Từ năm 2022 đến đầu năm 2023, Việt Nam đã thu hút được 27,72 tỷ USD; số dự án đầu tư mới, vốn đầu tư điều chỉnh và vốn FDI thực hiện đều tăng so với năm trước. Trong đó, các KCN, KKT vẫn là khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước.

Lũy kế đến nay, các KCN, KKT trên cả nước thu hút được trên 11,2 nghìn dự án FDI và 10,4 nghìn dự án đầu tư trực tiếp trong nước (dự án DDI) với tổng vốn đầu tư đạt lần lượt 238,6 tỷ USD và 2,54 triệu tỷ đồng; vốn đầu tư thực hiện tương ứng đạt khoảng 69% và 46,5%.

Các KCN, KKT trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 4,11 triệu lao động trực tiếp, trong đó tập trung chủ yếu tại các vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Đến nay, các KCN, KKT Việt Nam đã thu hút khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vào đầu tư. Dòng vốn ngoại đã có mặt ở hầu hết các địa phương trong cả nước, với những dự án được đầu tư quy mô lớn đến từ những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, có hàm lượng công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao như: Samsung, Panasonic, Microsoft, Foxconn, Sanyo, Sony, Fujitsu, Toshiba, Intel, LEGO, LG, Kyocera, Doosan, Bosch Pengatron, Nokia, Canon …

Nâng cao công tác quản lý nhà nước đối với KCN, KKT

Phát biểu khai mạc hội nghị ông Lê Quang Long - Trưởng ban Quản lý các KCN và Chế xuất Hà Nội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc (Ban chủ nhiệm) cho biết: Thời gian qua, Ban Chủ nhiệm đã có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các Ban Quản lý thành viên, là đầu mối nắm bắt, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của các Ban Quản lý để phản ánh và đóng góp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành. Từ đó, tháo gỡ khó khăn, giúp các Ban Quản lý hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Gần 240 tỷ USD đầu tư nước ngoài đã được rót vào Việt Nam - Ảnh 2.

Đặc biệt, trong năm 2023, lần đầu tiên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã kết nối với Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, Khu chế xuất, KKT, Khu công nghệ cao các tỉnh, thành phố phía Nam để tổ chức hội nghị gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước tại TP. Hà Nội.

Theo báo cáo của Ban Chủ nhiệm, thời gian qua, các dự án trong KCN, KKT duy trì hoạt động ổn định, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, tạo ra nhiều ngành nghề mới, chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp cũng như kim ngạch xuất khẩu của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế của nền kinh tế.

Đồng thời, tạo ra nhiều việc làm với mức thu nhập trung bình khá, từng bước nâng cao trình độ quản lý, tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Ông Châu Thành Hưng - Phó Trưởng ban Quản lý KKT Quảng Ninh - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: Đến nay, nhiều đơn vị đã được ủy quyền thực hiện, giải quyết các thủ tục hành chính về các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, tài nguyên môi trường, lao động như: Tổ chức thực hiện phê duyệt quy hoạch chi tiết KCN, cấp phép xây dựng, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp tỉnh trong KCN, KKT.

Bên cạnh đó, thực hiện theo phân cấp ủy quyền việc cấp, cấp lại, thu hồi Giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài, cấp các loại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng hóa xuất khẩu tại KCN, KKT trên cơ sở ủy quyền của Bộ Công Thương ” - ông Hưng cho hay.

Gần 240 tỷ USD đầu tư nước ngoài đã được rót vào Việt Nam - Ảnh 3.

Tại hội nghị, các Ban Quản lý đã trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý lao động tại các KCN, KKT, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền xây dựng Luật khu công nghiệp, khu kinh tế; giới thiệu, đề xuất, bầu Ban Chủ nhiệm CLB nhiệm kỳ 2024 - 2025.

Hội nghị cũng đã đón nhận ý kiến đóng góp, chỉ đạo từ đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Ban Quản lý các KCN, KKT. Qua đó, các thành viên trong CLB Ban Quản lý các KCN, KKT đã bàn bạc, thảo luận, trao đổi thông tin về việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực hoạt động quản lý và phát triển KCN, KKT.

Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển, tạo sự gắn kết giữa các Ban Quản lý KCN, KKT của các tỉnh, thành phía Bắc. Qua đó, tập hợp những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, bảo đảm thống nhất trong xử lý, kiến nghị những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi và báo cáo, kiến nghị đến các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ.

Theo Thu Hường

Công Thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên