Cần sửa đổi chính sách thuế để góp phần thúc tăng trưởng
Nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn khi nguồn thu ngân sách có dấu hiệu giảm, bất lợi từ điều kiện bên ngoài. Trước thực tế này, các chuyên gia khuyến nghị, cần sửa đổi chính sách thuế theo hướng mở rộng nguồn thu và hướng tới nguồn thu bền vững để góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
- 09-12-2023Thủ tướng: Kéo dài tuyến cao tốc Bắc-Nam thông tuyến tới tận mũi Cà Mau
- 09-12-2023Quy hoạch Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp
- 09-12-2023Kế hoạch trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp, logistics của tỉnh có tăng trưởng kinh tế hàng đầu VN
Ngày 9/12, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) tổ chức buổi chia sẻ với chủ đề "Kinh tế vĩ mô 2023 và những thay đổi về chính sách thuế để cải thiện chất lượng tăng trưởng".
Ông Phạm Văn Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đánh giá, Kinh tế Việt Nam năm 2023 đang đối mặt với rất nhiều thách thức, từ những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới cho đến những bất ổn nội tại của kinh tế trong nước.
Để cải thiện chất lượng tăng trưởng, cơ quan chức năng cần hướng tới việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách thuế nhằm ổn định thị trường, cải thiện nguồn thu và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; trong đó, đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số sản phẩm như rượu, bia, thuốc lá được kỳ vọng sẽ góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, đồng thời thể hiện cam kết của Chính phủ đối với phát triển bền vững và an sinh xã hội.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Chuyên gia Tài chính công, Học viện Tài chính đề xuất nhiều nhóm giải pháp cần triển khai để cải cách hệ thống thuế để phù hợp với thông lệ Quốc tế. Cụ thể như về thuế giá trị gia tăng cần tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất; xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với một số mặt hàng như rượu, bia, thuốc lá; tăng mức thu điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà, bổ sung đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường...
Trong 11 tháng năm 2023, thu ngân sách lũy kế 11 tháng đầu năm 2023 do cơ quan Thuế quản lý đạt 1.336.002 tỷ đồng, bằng 96,7% so với cùng kỳ.
Đối với chặng ‘nước rút’ cuối năm 2023, toàn ngành Thuế tập trung, nỗ lực trong công tác quản lý thu, phấn đấu thu đạt cao nhất theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính. Tổng cục Thuế đã thành lập các Đoàn công tác chỉ đạo thu tại Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, trong tháng 11 và 12/2023, toàn Ngành tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra; công tác quản lý, đôn đốc thu hồi nợ; công tác hoàn thuế; triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện công tác kỷ luật, kỷ cương trong toàn Ngành.
PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VESS phân tích, sự chậm lại các dòng thương mại và đầu tư quốc tế khiến kinh tế Việt Nam gặp khó khăn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những tháng qua, dù cải thiện nhẹ qua các quý, nhưng ở dưới xa mức trung bình trước đại dịch.
Các kênh tiếp cận vốn của doanh nghiệp đều gặp khó. Lạm phát tổng thể giảm trong nửa đầu năm nhưng lại có xu hướng quay đầu tăng trở lại trong Quý III/2023. Đồng thời, lạm phát cơ bản khá dai dẳng trong khi những rủi ro tăng giá mới lại xuất hiện.
Tiền Phong