MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gần 3 năm 'siết' biên giới, Việt Nam - Trung Quốc giao thương thế nào?

07-01-2023 - 10:07 AM | Thị trường

Từ ngày 8/1, Trung Quốc sẽ gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 tại các cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này, kể cả hàng hóa nhập khẩu đông lạnh. Với hành khách, chỉ cần khai báo y tế là có thể nhập cảnh. Việc giao thương quay trở lại bình thường như thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19. Mở cửa trở lại sau gần 3 năm siết chặt biên giới, người dân và doanh nghiệp cần chú ý gì?

Gần 3 năm chật vật, đối diện ùn tắc

Ngay từ đầu năm 2020, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, nước này ngay lập tức đóng hết các cửa khẩu phụ, lối mở, chỉ cho hàng hóa xuất khẩu thông quan qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính ngạch. Song song với đó, Trung Quốc tăng cường các hoạt động kiểm soát, phòng chống dịch trên cả hàng hóa và người đã khiến hoạt động giao thương hai nước qua biên giới rơi vào cảnh chật vật.

Gần 3 năm siết biên giới, Việt Nam - Trung Quốc giao thương thế nào? - Ảnh 1.

Hàng hóa bị kiểm tra xét nghiệm chặt khi thông quan

Hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ bị lấy mẫu hàng hóa nhập khẩu trên container để kiểm tra, xét nghiệm; khử trùng công đoạn bốc dỡ hàng hóa trên container nhập khẩu; phun khử trùng phòng dịch đối với container rỗng trong lúc lau dọn, bốc xếp hàng hóa…

Với các mặt hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu nếu không có 4 loại giấy tờ như chứng nhận kiểm nghiệm, kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu; chứng nhận khử trùng; chứng nhận thông tin truy xuất nguồn gốc hợp pháp; chứng nhận xét nghiệm axit nucleic âm tính với COVID-19 sẽ không được xuất sang nước này.

Với tài xế, Trung Quốc yêu cầu phải cách ly, ăn ở trong khu tập trung riêng, không nhiễm COVID-19 và không được đưa hàng sang bên kia bên giới. Thay vào đó, nước này sẽ có một đội giao vận đặc trách được xét nghiệm an toàn, sẽ sang khu vực giao hàng để chở các container hàng hóa đảm được đưa lên địa điểm trung chuyển.

Gần 3 năm siết biên giới, Việt Nam - Trung Quốc giao thương thế nào? - Ảnh 2.

Việc siết chặt biên giới, khiến nhiều thời điểm hàng xuất khẩu của Việt Nam ùn tắc, thiệt hại nghiêm trọng

Việc siết chặt kiểm tra phòng chống dịch COVID-19 khiến cho thời gian thông quan hàng hóa giữa hai nước kéo dài. Có những cửa khẩu chỉ đáp ứng 20-25% lưu lượng thông quan hàng hóa so với bình thường. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối năm 2021 đến Tết Nguyên đán 2022 và trong những tháng đầu năm 2022, thời điểm Lệnh 248 và 249 về siết chặt quy định xuất xứ nguồn gốc sản phẩm và an toàn thực phẩm bắt đầu có hiệu lực, tình trạng ùn tắc xảy ra nghiêm trọng.

Gần 3 năm siết biên giới, Việt Nam - Trung Quốc giao thương thế nào? - Ảnh 3.

Cảnh hàng hóa ùn tắc cuối năm 2021

Trong giai đoạn này, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc là rau quả đã giảm rất mạnh . Cụ thể, năm 2018, xuất khẩu rau quả từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 2,8 tỷ USD (chiếm khoảng 73% thị phần rau quả của Việt Nam). Đến năm 2019, con số này giảm còn 2,4 tỷ USD (giảm 14%), năm 2020 đạt 1,84 tỷ USD (giảm 30,4%), năm 2021 đạt 1,9 tỷ USD (tăng 3,2%) và năm 2022 đạt 1,5 tỷ USD (giảm 25%).

Không chỉ sụt giảm về kim ngạch, việc Trung Quốc siết biên giới còn khiến hàng loạt nông sản của Việt Nam trên thị trường nội địa rớt giá mạnh, phải giải cứu. Đặc biệt, theo thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đầu năm 2022 việc ùn tắc đã khiến doanh nghiệp và người dân thiệt hại hàng triệu USD do hàng hóa hư hỏng phải đổ bỏ.

Gần 3 năm siết biên giới, Việt Nam - Trung Quốc giao thương thế nào? - Ảnh 4.

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc "ngấm đòn" của việc siết chặt kiểm dịch khi giảm mạnh liên tục từ 2019-2022

Trước tình hình đó, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã không ít lần làm việc với phía Trung Quốc để giải quyết tình trạng ùn tắc như đề xuất khôi phục hoạt động thông quan hàng hóa đang tạm dừng, tăng thời gian làm việc của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, thống nhất thủ tục kiểm dịch đối với hàng hóa nông lâm, thủy sản, hoa quả tươi trong giai đoạn 2 nước đẩy mạnh phòng dịch COVID-19…

Nhờ vậy, từ năm 2019 - 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn tăng đều qua các năm. Cụ thể, năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 116,8 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 41,4 tỷ USD, nhập khẩu đạt 75,4 tỷ USD. Đến năm 2022, con số này tăng lên 177,7 tỷ USD trong đó xuất khẩu đạt 58,4 tỷ USD, nhập khẩu đạt 119,3 tỷ USD.

Doanh nghiệp, người dân cần chú ý gì khi mở cửa khẩu?

Theo thông báo mới của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, từ 8/1 tới đây, Trung Quốc sẽ gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm axit nucleic phòng chống Covid-19 tại các cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này. Quy định này cũng áp dụng với hàng hóa nhập khẩu đông lạnh.

Hải quan Trung Quốc cũng yêu cầu các tỉnh (khu tự trị) có liên quan triển khai nối lại hoạt động thông quan hàng hóa và vận tải hành khách tại các cửa khẩu biên giới một cách trật tự và ổn định theo phân loại và trình tự.

Gần 3 năm siết biên giới, Việt Nam - Trung Quốc giao thương thế nào? - Ảnh 5.

Từ 8/1, Trung Quốc sẽ gỡ bỏ các biện pháp xét nghiệm COVID-19 trên người và hàng hóa vào nước này, trở lại các hoạt động bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh

Trao đổi với Tiền Phong ngày 6/1, ông Hà Đức Thuận - Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai - cho biết, Trung Quốc sẽ khôi phục lại toàn bộ hoạt động qua các cửa khẩu từ ngày 8/1, trở lại hoạt động như bình thường như trước thời điểm xảy ra dịch COVID-19. Phía bạn không yêu cầu xét nghiệm COVID-19 trên hàng hóa và người.

Với việc bãi bỏ các quy định xét nghiệm, theo ông Thuận, hàng hóa bên nào sẽ có tài xế nước đó vận chuyển, tự do lưu thông. Thời gian thông quan cho phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và lái xe qua Cửa khẩu Kim Thành từ 7h-19h hàng ngày. Người và các phương tiện đi cùng sẽ xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Gần 3 năm siết biên giới, Việt Nam - Trung Quốc giao thương thế nào? - Ảnh 6.

Việc bỏ xét nghiệm giúp thời gian thông quan nhanh hơn và giúp doanh nghiệp cắt giảm được hàng loạt chi phí.

Để chuẩn bị cho công tác khôi phục lại hoạt động xuất nhập khẩu, đơn vị đã đưa vào hoạt động bãi đỗ xe mới với diện tích hơn 2ha. Ban Quản lý cũng yêu cầu các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng các phương án để đảm bảo thông quan hàng hóa và đi lại giữa người dân hai nước.

Tại Lạng Sơn, đại diện Cục Hải quan địa phương này cho rằng, việc Trung Quốc gỡ bỏ các biện pháp chống dịch sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cả hai nước trong xuất nhập khẩu, giúp hoạt động trở lại sôi động hơn, cắt giảm được chi phí kiểm dịch, thuê tài xế chuyên trách ở khu vực cách ly để chở hàng…đặc biệt là thời gian thông quan.

Thời gian qua, ước tính mỗi chủ xe hàng phải chi thêm gần 10.000 Nhân dân tệ (tương đương 30 triệu đồng) để thuê tài xế chuyên trách. Chưa kể, thời gian ăn ở, xét nghiệm COVID-19 cho tài xế của doanh nghiệp. Hiện trung bình mỗi ngày có từ 900 - 1.100 xe chở hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu của tỉnh. Năng lực thông quan đang dần đã trở lại thời điểm đầu năm 2020.

Tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái , dù nới lỏng biện pháp phòng dịch COVID-19 trong khu vực cửa khẩu, song chính quyền TP. Móng Cái vẫn yêu cầu người ra vào duy trì việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, không tập trung đông người. Lái xe trung chuyển vẫn phải mặc áo bảo hộ, đeo khẩu trang, găng tay, bao giầy, kính phòng chống dịch trong quá trình làm việc.

Gần 3 năm siết biên giới, Việt Nam - Trung Quốc giao thương thế nào? - Ảnh 7.

Hàng hóa, người qua cửa khẩu Móng Cái được khuyến cáo tiếp tục đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Còn lái xe trung chuyển vẫn phải mặc áo bảo hộ

TP. Móng Cái vẫn duy trì đội lái xe trung chuyển thông qua danh sách đã được phía Trung Quốc chấp thuận và cấp mã vạch, cấp thẻ lái xe trung chuyển đủ điều kiện vào khu vực cửa khẩu làm việc.

Trung Quốc mở cửa làm thủ tục thông quan xuyên Tết

Văn phòng Cửa khẩu Khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây thông báo sẽ duy trì thông quan trong dịp Tết Nguyên đán 2023 tạo thuận lợi cho hàng hoá xuất nhập khẩu của hai bên.

Từ ngày 21/1-27/1/2023 (tức ngày 30 Tết đến mùng 6 Tết Nguyên đán năm 2023), Cửa khẩu Hữu Nghị Quan (bao gồm lối mở Pò Chài, Lũng Vài), Cửa khẩu Ái Điểm và Khu thương mại cư dân biên giới Đông Hưng triển khai bình thường các nghiệp vụ kiểm tra kiểm nghiệm hàng hoá thông quan, các cửa khẩu biên giới khác sẽ thông quan theo nhu cầu thực tế, song doanh nghiệp phải hẹn trước.

Theo Dương Hưng

Tiền phong

Trở lên trên