MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gần 50 dự án với hơn 19.000 tỷ đồng được 'rót' vào thị xã Hoàng Mai

Khu công nghiệp Hoàng Mai I ở thị xã Hoàng Mai (Nghệ An). Ảnh: htdcorp.vn

Khu công nghiệp Hoàng Mai I ở thị xã Hoàng Mai (Nghệ An). Ảnh: htdcorp.vn

Từ năm 2014 đến nay, thị xã Hoàng Mai có 48 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng số vốn đăng ký trên 19.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2022 thị xã đã thu hút được 265 triệu USD vốn FDI.

"Đất lành... chim đậu"

Ngày 3/4/2013 Chính phủ đã ban hành NQ 47/NQ-CP thành lập thị xã Hoàng Mai trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Quỳnh Lưu, với diện tích đất tự nhiên 169,75km2, dân số 105,8 nghìn người, 10 đơn vị hành chính 5 xã, 5 phường.

Khi mới thành lập, thị xã Hoàng Mai gặp nhiều khó khăn, thách thức, với xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới thấp, 5 đơn vị hành chính cấp xã có 2 xã nghèo, một xã miền núi, năm 2013, bình quân chỉ đạt 6 tiêu chí/xã.

Hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hạn chế; cơ cấu kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp; trụ sở làm việc của cả hệ thống chính trị thị xã đều phải thuê, mượn. Mới thành lập lại gặp cơn lũ lịch sử do hoàn lưu bão số 10 gây ra năm 2013, thị xã bị nhấn chìm trong nước lũ.

"Sau gần 10 năm thành lập, thị xã có tổng cộng 48 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng số vốn đăng ký trên 19.000 tỷ đồng"

Ông Lê Trường Giang - Bí thư Thị uỷ Hoàng Mai

Kết cấu hạ tầng đô thị còn yếu và thiếu, chưa hình thành các công trình trong khu trung tâm hành chính, các tuyến giao thông kết nối Đông Tây, kết nối Đông Hồi và miền Tây Nghệ An; hệ thống cấp thoát nước, điện, điện chiếu sáng... chưa được đầu tư hoặc xuống cấp.

Phát biểu tại Hội nghị giao ban Báo chí tháng 3/2023, ông Lê Trường Giang – Bí thư Thị uỷ Hoàng Mai cho biết, sau gần 10 năm thành lập, thị xã có tổng cộng 48 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng số vốn đăng ký trên 19.000 tỷ đồng.

Theo ông Lê Trường Giang, nhiều dự án đi vào hoạt động ổn định tạo nguồn thu ngân sách cho Nhà nước và giải quyết việc làm, thu nhập cho nhân dân địa phương như: Tôn Hoa Sen, May Vinatex, May thêu Đong-A, Bánh kẹo Hải Châu II, Tổ hợp dịch vụ và khách sạn Mường Thanh, Chợ Hoàng Mai,...

Đặc biệt, trong năm 2022 thị xã đã thu hút được các dự án đầu tư FDI lớn, đã khởi công xây dựng như: Nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng với mức đầu tư giai đoạn 1 là 200 triệu USD; Dự án sản xuất gia công giày dép xuất khẩu của tập đoàn Hoa Lợi - Đài Loan, tổng đầu tư 65 triệu USD và một số dự án vệ tinh ở khu công nghiệp Hoàng Mai I,...

Vùng kinh tế trọng điểm Nam Thanh - Bắc Nghệ

Sau gần 10 năm thành lập, thị xã Hoàng Mai từng bước trở thành vùng kinh tế trọng điểm, cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh Nghệ An, đáp ứng sự kỳ vọng của Trung ương và Tỉnh khi thành lập.

Trong thời gian tới, thị xã Hoàng Mai định hướng tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Định hướng phát triển thị xã Hoàng Mai trong quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ II (nhiệm kỳ 2020 – 2025), quyết liệt thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, phấn đấu hoàn thành các tiêu chuẩn đô thị loại III vào năm 2025; xây dựng thị xã Hoàng Mai là cực tăng trưởng, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của Tỉnh.

Bí thư Thị uỷ Hoàng Mai thông tin, hiện, thị xã Hoàng Mai nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và Tỉnh để thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn. Đầu năm 2023 đã có nhiều tín hiệu vui, tích cực.

Theo công văn bản số 1738-CV/TU, ngày 28/2/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập thị xã đã được Tỉnh ủy chấp thuận. Kỷ niệm 10 năm thành lập thị xã Hoàng Mai là sự kiện đặc biệt quan trọng để đánh giá chặng đường xây dựng và phát triển. Thông qua các hoạt động kỷ niệm nhằm khơi dậy ý chí, khát vọng, động viên cán bộ, các tầng lớp Nhân dân... trên địa bàn tiếp tục phát huy truyền thống cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo và đồng thuận để xây dựng thị xã.

Thị xã Hoàng Mai có tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng nhanh, bình quân đạt trên 14%/năm; năm 2022, thị xã tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 14,51%, từng bước khẳng định là một trong ba cực tăng trưởng của tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.

Năm 2022, quy mô kinh tế theo giá trị sản xuất (giá so sánh) đạt 21.699 tỷ đồng (tăng 3,5 lần so với năm 2014), là địa phương có mức tăng quy mô giá trị sản xuất cao nhất, đồng thời tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm 3 đơn vị cấp thị xã có quy mô giá trị sản xuất lớn nhất của cả tỉnh.

Thị xã Hoàng Mai thuộc tỉnh Nghệ An được thành lập vào ngày 3/4/2013 theo Nghị quyết 47/NQ-CP của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh 16.974,88 ha diện tích và 105.105 nhân khẩu tách ra từ huyện Quỳnh Lưu.

Thị xã Hoàng Mai gồm 10 đơn vị hành chính, gồm: 5 phường Mai Hùng, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị, Quỳnh Phương, Quỳnh Xuân và 5 xã Quỳnh Vinh, Quỳnh Lộc, Quỳnh Lập, Quỳnh Liên, Quỳnh Trang.

Thị xã Hoàng Mai nằm trong vùng kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ, có cảng Đông Hồi, biển Quỳnh Phương, Khu công nghiệp Hoang Mai, có đường Quốc lộ 1A chạy qua…, đó là những điều kiện tốt để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ du lịch.

Theo Văng Dũng - Phạm Thông

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên