MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gần hơn với sử Việt thông qua cải biên điện ảnh

07-12-2022 - 10:00 AM | Sống

Gần hơn với sử Việt thông qua cải biên điện ảnh

Bước tiến triển trong điện ảnh, phim Việt Nam mang yếu tố lịch sử, văn hóa sáng tạo.

Trong thời gian qua, những tác phẩm nghệ thuật cải biên từ đề tài lịch sử đang ngày càng được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, có sự phân tách rõ rệt trong hoạt động nghiên cứu lịch sử với các ngành nghệ thuật. Nghiên cứu quá trình cải biên lịch sử-văn hoá thường được coi là trách nhiệm đặc hữu của các nhà nghiên cứu, không phải của các nhà làm phim hay các đơn vị làm nghệ thuật. Việc này đã tạo ra một khoảng trống cần được khỏa lấp.

Hội thảo quốc tế Di sản lịch sử văn hoá và cải biên nghệ thuật (ICHCHAA) được tổ chức nhằm thu hẹp khoảng trống này; với sự cộng tác của Trung tâm ICISE, Hội gặp gỡ Việt Nam, TNA Entertainment, UNESCO, ĐH Văn Lang, và nằm trong khuôn khổ dự án She-Kings - dự án phim huyền sử do TNA Entertainment thực hiện.

Trong không gian hội thảo, đông đảo các chuyên gia khoa học, nhà làm phim trong và ngoài nước đã trao đổi về cải biên chất liệu lịch sử-văn hoá. Nhiều tham luận xoay quanh những câu chuyện (vi) lịch sử đã hoặc sẽ trở thành chất liệu điện ảnh - truyền hình từ xưa tới nay như thế nào.

Gần hơn với sử Việt thông qua cải biên điện ảnh - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vinh (Columbia University, USA) trình bày tham luận tại Hội thảo

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các tự sự vi lịch sử luôn có sức sống đa dạng và đa giá trị, trong sử sách và trong cả dân gian. Tuy nhiên, tư liệu về lịch sử Việt Nam cổ trung đại nhìn chung là chưa có hệ thống và không được phong phú. Hơn nữa, những cách bức về ngôn ngữ và tư tưởng thời đại cũng khiến cho việc khai thác sử liệu của số đông người Việt gặp nhiều khó khăn. Khai thác sử liệu quá khứ luôn cần tiếp cận từ các nguồn tư liệu khác nhau, nhưng tính "tam sao thất bản" của thư tịch học phương Đông cũng lại là một rào cản trong việc chọn lựa, xác định tính chân nguỵ của sử liệu. Không phải nguồn tư liệu nào cũng tương đồng với nhau, chọn nguồn nào và chọn như thế nào luôn là một câu hỏi lớn trong quá trình cải biên các chất liệu truyền thống và thẩm mỹ dân gian vào điện ảnh.

Gần hơn với sử Việt thông qua cải biên điện ảnh - Ảnh 2.

TS. Phạm Văn Ánh (Viện Văn học) chia sẻ tại Hội thảo

TS. Phạm Văn Ánh (Viện Văn học) đã chỉ ra những ghi chép xung quanh cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong các trang sử cũ cũng tồn tại nhiều khác biệt nhất định. Nguyên nhân có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như quan điểm sử học của các sử gia và tác giả văn học, sự chi phối của yếu tố chính trị, xã hội, tâm lý tiếp nhận của từng cá nhân…

Khó khăn trong lựa chọn tư liệu lịch sử cũng mở ra những cánh cửa mới trong sáng tạo điện ảnh và thực hành nghệ thuật. Tính "dị bản" của các diễn ngôn lịch sử cũng mang đến những cách nhìn khác nhau và sự thể hiện khác nhau trong công cuộc cải biên. Đúng/sai trong phê bình phim lịch sử rất khó tách bạch và phân giải, chúng tuỳ thuộc vào điểm nhìn, nhận thức, độ nhạy cảm và quan điểm chính trị-xã hội của mỗi người. Phim lịch sử, phim cổ trang không phải là một quyển sách chép sử với các sự kiện biên niên và nhân vật khuôn mẫu. Lịch sử là chất kết nối quan trọng để người nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm, kết nối hiện tại với quá khứ, dự phóng tương lai, kiến tạo những diễn ngôn mới đậm tính nghệ thuật tiến bộ và giàu chất nhân sinh.

Gần hơn với sử Việt thông qua cải biên điện ảnh - Ảnh 3.

TS. Hoàng Cẩm Giang (ĐH Quốc gia Hà Nội), phát biểu tại Hội thảo.

Các dự án nghệ thuật có chất liệu văn hoá – lịch sử, bởi vậy, đều ẩn chứa khát vọng lưu giữ không gian văn hoá truyền thống và hệ giá trị dân tộc. Dù là chính sử hay huyền sử, thì việc cố gắng truyền tải các sự kiện và chân dung nhân vật lịch sử vào các sản phẩm giải trí đã giúp cho lịch sử đến gần hơn với công chúng đương đại. She-Kings, dự án điện ảnh do TNA Entertainment thực hiện, đã thể hiện nỗ lực và trách nhiệm của NSX đối với tiền nhân qua việc sử dụng chất liệu lịch sử về Hai Bà Trưng, để chuyển tải tinh thần nhân văn và ngợi ca vai trò của người nữ trong công cuộc kiến tạo lịch sử đất nước.

Gần hơn với sử Việt thông qua cải biên điện ảnh - Ảnh 4.

NSX Janet Ngo, Giám đốc Hội thảo, GĐ Điều hành TNA Entertainment

Việc cải biên một cách thích hợp cũng là phương pháp hữu hiệu để các nhà làm phim có cơ hội tái kiến tạo nhân vật từ những chuyện kể lịch sử và chất liệu thẩm mỹ truyền thống. Đề tài lịch sử, một mặt gợi nên những định dạng sẵn có trong tâm thế tiếp nhận của độc giả/khán giả, giúp cho phim lịch sử, phim cổ trang sớm được xã hội quan tâm. Song mặt khác, "viết lại" lịch sử cũng đồng thời là thách thức đặc biệt của các nhà sản xuất. Hội thảo khuyến nghị sự hợp tác của nhà sản xuất với giới khoa học, phát huy tinh thần sáng tạo trong cải biên điện ảnh dựa trên tài nguyên văn hóa - lịch sử của đất nước.

Ánh Dương

Tổ quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên