Gần 9.200 tỷ đồng xây dựng tuyến đường hành lang ven biển Trà Vinh
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định phê duyệt Đề xuất Dự án "Xây dựng tuyến đường hành lang ven biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh". Dự án do UBND tỉnh Trà Vinh làm cơ quan chủ quản, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 9.187 tỷ đồng; trong đó, vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hơn 6.716 tỷ đồng, tỉnh Trà Vinh đối ứng trên 2.470 tỷ đồng.
- 24-02-2024Hàng hóa thông qua cảng biển tăng mạnh
- 24-02-2024Cao tốc Vân Phong - Nha Trang đang gặp vướng mắc gì?
- 24-02-2024Kinh nghiệm mở những con đường lớn từ Bình Dương
Mục tiêu của dự án là xây dựng hoàn thiện tuyến đường hành lang ven biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đạt quy mô đường cấp III đồng bằng 2 làn xe kết nối với tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre qua hướng cầu vượt cửa Cung Hầu và cầu Cổ Chiên 2, đồng thời kết nối với tỉnh Sóc Trăng thông qua cầu Đại Ngãi với tổng chiều dài khoảng 60,7 km; trong đó, có 56,1 km đường ô tô cấp III đồng bằng, 33 cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu trên tuyến và cầu vượt cửa Cung Hầu, đường dẫn kết nối với cầu Cổ Chiên 2 tổng chiều dài 4,6 km.
Bên cạnh đó, Dự án cũng nâng cao năng lực quản lý dự án, quy hoạch, quản lý hành lang kinh tế dọc theo các tuyến đường trong dự án nhằm dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế xanh thích ứng biến đổi khí hậu phù hợp với cam kết Paris; nâng cao nhận thức về biển đổi khí hậu, an toàn giao thông và công tác bảo trì cho cộng đồng dân cư.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm theo thẩm quyền trước Thủ tướng về nội dung báo cáo, đề xuất và kiến nghị bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành; đồng thời thông báo với ADB về đề xuất Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
UBND tỉnh Trà Vinh tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan, phối hợp với ADB lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án làm căn cứ triển khai các bước tiếp theo theo quy định. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về hiệu quả của Dự án; tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, nội dung đề xuất Dự án; chịu trách nhiệm thực hiện Dự án công khai, minh bạch, tránh thất thoát, lãng phí và theo đúng các quy định pháp luật hiện hành; bố trí đầy đủ, kịp thời vốn đối ứng và hoàn thành Dự án theo tiến độ được phê duyệt.
Trà Vinh có hơn 65km chiều dài đường bờ biển; có 5/9 đơn vị hành chính cấp huyện nằm ven biển với tổng diện tích hơn 1.500 km2. Tỉnh có Khu Kinh tế Định An với diện tích quy hoạch 39.020 ha, là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước được Trung ương đầu tư nhằm khai thác tiềm năng kinh tế biển. Địa phương còn có Luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu, bến cảng tổng hợp Định An là tiền để thúc đẩy phát triển kinh tế biển, trở thành trung tâm giao thương của Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có Trung tâm Điện lực Duyên Hai với tổng công suất 4.490 MW và nhiều công trình điện gió, điện mặt trời... rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, giai đoạn 2022-2030, tỉnh Trà Vinh thực hiện Đề án Phát triển kinh tế biển bền vững, với mục tiêu trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2030; phấn đấu đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất các huyện, thị xã ven biển đóng góp khoảng 70-75% giá trị sản xuất của toàn tỉnh; thu nhập bình quân đầu người ở các địa phương này gấp 1,2 lần so với thu nhập bình quân chung của tỉnh; du lịch biển tăng trưởng bình quân hàng năm 15%, đến năm 2025 chiếm 10% tỷ trọng toàn ngành.
Năm 2025, tỉnh cơ bản hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ các khu chức năng, hoàn thành điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Định An; giá trị sản xuất công nghiệp trong Khu Kinh tế Định An chiếm khoảng 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tổng công suất của các nguồn điện (điện than, gió, mặt trời, sinh khối...) đạt khoảng 9GW; đến năm 2045 đạt khoảng 12GW...
Báo tin tức