Gánh nặng 'giấy phép con' sẽ chuyển sang ai?
Điều kiện kinh doanh là tiền kiểm, tạo gánh nặng thực thi cho doanh nghiệp. Khi bãi bỏ điều kiện kinh doanh, gánh nặng đó được chuyển sang cho các cơ quan quản lý.
- 25-06-2016Bỏ 3.500 giấy phép con, thước đo cam kết của Chính phủ mới
- 23-06-2016Đừng để “giấy phép con” làm khó doanh nghiệp
- 19-06-2016Giấy phép con “hạ gục” doanh nghiệp
-
Người dân, DN đóng góp nguồn tài chính cho các quỹ ngoài ngân sách gần như không biết chi tiết việc sử dụng, chi tiêu các quỹ ra sao
Trong quá trình rà soát các điều kiện kinh doanh, thông điệp nhất quán của Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là kiên quyết cắt giảm các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, loại bỏ các giấy phép con bất hợp lý; quy định về điều kiện đầu tư phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện; đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho phát triển.
Quan điểm nói trên về tiền kiểm và hậu kiểm, theo TS Nguyễn Đình Cung, chính là điểm căn bản, mang tính bản chất và được kỳ vọng sẽ giúp xoay chuyển cách thức quản lý nhà nước.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chính là người đại diện cho tiếng nói phản biện độc lập của giới chuyên gia trong quá trình các bộ ngành xây dựng dự thảo các nghị định về điều kiện kinh doanh trình Chính phủ.
Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong trường hợp này được hiểu là thay vì đặt ra các điều kiện kinh doanh – tức là đặt ra rào cản với doanh nghiệp ngay từ khi gia nhập thị trường, thì cần quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng với hàng hóa sau khi doanh nghiệp đã đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, ông Cung cho biết đến nay, các nội dung có sự giao thoa giữa điều kiện kinh doanh và quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa thể tách ra được thật rõ ràng.
“Phải nói rõ, điều kiện kinh doanh là tiền kiểm, gánh nặng thực thi đè nặng lên vai doanh nghiệp. Tiêu chuẩn, quy chuẩn là hậu kiểm, trách nhiệm kiểm tra sẽ là các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Như vậy, với các dự thảo đã được dựng theo quy trình tiền kiểm, đặt ra các điều kiện kinh doanh thì việc góp ý chỉ là gạt sạn, lọc bớt đá tảng, chứ chưa thể có được sự thay đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm được”, ông Cung chia sẻ quan điểm khi trả lời phỏng vấn báo chí.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cách làm việc vừa qua đã cho thấy nếu có thời gian, tập trung nhiều hơn các chuyên gia, doanh nghiệp thì sẽ có sự thay đổi thực sự. Không thể chấp nhận vì quản lý yếu kém của các cơ quan nhà nước mà đặt thêm điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp. Với quyết tâm của Chính phủ trong việc chuyển sang hậu kiểm thì các công chức sẽ không thể ngồi phòng lạnh để ra các điều kiện kinh doanh như lâu nay, mà phải sát với doanh nghiệp để đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Tại các cuộc làm việc mới đây với các bộ ngành, TS Nguyễn Đình Cung đã thẳng thắn chỉ ra hàng loạt nội dung mà ông cho rằng cần xem lại trong các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh.
Cụ thể, ông kiến nghị bãi bỏ điều kiện kinh doanh đối với hoạt động tạm nhập tái xuất và hoạt động nhượng quyền thương mại, với lý do đây không phải là những ngành nghề kinh doanh, mà chỉ là phương thức kinh doanh.
Đồng thời ông cũng cho rằng không cần ban hành điều kiện kinh doanh đối với nhiều ngành nghề, như kinh doanh mũ bảo hiểm hay kinh doanh dịch vụ đào tạo bồi dưỡng kiến thức môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản, quản lý, vận hành nhà chung cư, hay kinh doanh sàn giao dịch bất động sản.
Ngoài ra ông cũng đề nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh quy định về quy mô kinh doanh tối thiểu, ví dụ như chẳng hạn muốn xuất khẩu gạo phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, muốn kinh doanh gas phải có ít nhất 100.000 vỏ bình gas hay muốn kinh doanh taxi phải có ít nhất 50 ô tô… Những quy định này được cho là hạn chế cạnh tranh, cản trở các doanh nghiệp nhỏ tham gia thị trường, tạo độc quyền cho các doanh nghiệp lớn.
Đặc biệt ông cũng đề nghị loai bỏ các điều kiện kinh doanh mang tính can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp mà không rõ mục tiêu quản lý, chẳng hạn như “phải có dây chuyền sản xuất phù hợp với quy mô sản xuất và bảo đảm chất lượng sản phẩm”.
Theo ông, những quy định như vậy mang tính chất của một “cẩm nang hướng dẫn” hơn là một quy phạm pháp luật. Hơn nữa, những yêu cầu như vậy sẽ do thị trường quyết định và nên để thị trường quyết định, thay vì yêu cầu hành chính từ cơ quan quản lý-vốn có khả năng tạo điều kiện cho nhũng nhiễu, tiêu cực khi thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
Vị Viện trưởng khẳng định trong quá trình rà soát các điều kiện kinh doanh, các bộ ngành, đặc biệt là VPCP, Bộ KHĐT, Bộ Tư pháp đã làm việc rất trách nhiệm. Cuộc làm việc giữa các bộ, ngành với VCCI, CIEM do Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì trước cuộc họp Chính phủ về chuyên đề xây dựng pháp luật là một ví dụ.
"Chưa bao giờ các bộ, ngành và doanh nghiệp, chuyên gia độc lập được tập hợp để xem xét từng điểm một như vậy. Chúng tôi rất mừng vì các kiến nghị đã được tiếp thu đáng kể", ông nói và cho biết quá trình rà soát sẽ được tiếp tục sau thời điểm 1/7, sau khi các nghị định đã được ký ban hành, theo yêu cầu của Thủ tướng.
Chinhphu.vn