Gạo Việt chật vật cạnh tranh ở phân khúc chất lượng cao
Ngay vào thời điểm Việt Nam chuẩn bị vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân 2016-2017, Chính phủ Thái Lan công bố thông tin dự kiến sẽ bán hết toàn bộ số gạo tồn kho trên 8 triệu tấn trong nửa đầu năm 2017.
- 30-01-2017Xuất khẩu gạo nếp tăng mạnh
- 26-01-2017Thị trường xuất khẩu gạo vẫn trầm lắng
- 23-01-2017VFA dự báo xuất khẩu gạo năm 2017 sẽ đạt trên 5 triệu tấn
Theo dự báo của các doanh nghiệp, vấn đề này sẽ là một trong những nguyên nhân chính khiến tình hình tiêu thụ gạo của Việt Nam trong năm 2017 gặp nhiều khó khăn, nhất là trong vụ Đông Xuân tới đây.
Không cạnh tranh được giá bán
Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng (Tiền Giang), ngay thời điểm trước Tết âm lịch, tình hình tiêu thụ gạo của doanh nghiệp cũng tương đối khả quan. Thậm chí, vài ngày đầu năm doanh nghiệp đã có nhiều khách hàng giao dịch và ký được một số hợp đồng xuất khẩu gạo quan trọng.
Tuy nhiên từ đầu tuần đến nay, tình hình buôn bán lại bắt đầu chậm lại, bản thân doanh nghiệp cũng không ký thêm được hợp đồng nào.
Ông Đôn cho rằng, sở dĩ có tình trạng này là do giá nội địa và giá xuất khẩu của Việt Nam hiện đang tăng nhẹ so với thời điểm trước Tết.
Cùng với đó là thông tin Thái Lan có kế hoạch giải quyết toàn bộ hơn 8 triệu tấn gạo tồn kho trong 6 tháng đầu năm 2017 đã tác động đến tình hình thị trường gạo thế giới; trong đó có Việt Nam.
Điều này khiến cho nhu cầu gạo trên thị trường không có tính cấp bách, ảnh hưởng đến tình hình giá cả nói chung.
Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lương thực-Thực phẩm Long An cũng cho biết, hiện giá gạo 5% tấm và 15% tấm của Việt Nam đang được chào bán cao hơn so với gạo cùng chủng loại của Thái Lan khoảng 5-10 USD/tấn.
Để cạnh tranh với gạo Thái Lan, doanh nghiệp Việt buộc phải hạ giá bán thấp hơn, tuy nhiên do giá nội địa đang tăng, thậm chí cao hơn so với giá xuất khẩu nên điều này là bất khả thi.
Do vậy, với vũ khí “giá rẻ” khi giải quyết tồn kho, gạo Việt khó có thể cạnh tranh được so với gạo Thái trên thị trường thế giới, nhất là ở các thị trường ưa giá rẻ như châu Phi, Trung Quốc…
Thực tế cho thấy, vài năm gần đây việc Thái Lan xả kho gạo dự trữ là một trong những yếu tố chính khiến giá gạo của Việt Nam liên tục sụt giảm trong thời gian qua, nhất là năm 2016.
Không những vậy, theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Việt Nam cũng phải nhường lại thị phần cho Thái Lan ở một số thị trường có nhu cầu về gạo trắng, do không cạnh tranh được về giá bán.
Đơn cử như tại thị trường châu Phi, các doanh nghiệp Việt hiện chỉ có thể gia tăng sản lượng xuất khẩu gạo thơm, còn phân khúc gạo trắng đã bị doanh nghiệp Thái lấn át hoàn toàn.
“Việc Thái Lan quyết định bán hết toàn bộ số gạo tồn kho trong nửa đầu năm nay sẽ tiếp tục tác động xấu đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam . Theo đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm nay, đồng thời tiêu thụ lúa gạo vụ Đông Xuân sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Chỉ khi nào tồn kho Thái Lan được giải quyết hoàn toàn thì thị trường xuất khẩu mới có khả năng phục hồi,” ông Huỳnh Thế Năng cho biết.
Có nên thu mua tạm trữ?
Một số doanh nghiệp bày tỏ thắc mắc rằng, liệu có phải ngẫu nhiên khi Thái Lan lại thông báo “đẩy” toàn bộ hơn 8 triệu tấn gạo dự trữ trong 6 tháng đầu năm vào đúng thời điểm Việt Nam chuẩn bị vào vụ thu hoạch chính.
Theo VFA, ngoài yếu tố tồn kho của Thái Lan, gạo Việt đang chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác.
Hiện nay, tồn kho gạo toàn cầu tăng cao, các nước nhập khẩu lại đẩy mạnh chính sách tự túc an ninh lương thực. Kèm theo đó là xu hướng tự do hóa trong thương mại gạo và hàng rào kỹ thuật ở các nước nhập khẩu ngày càng cao, sẽ khiến tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình này, VFA đã chuẩn bị phương án đề xuất Chính phủ và Bộ ngành liên quan thực hiện chính sách thu mua tạm trữ trong trường hợp giá lúa gạo trên thị trường giảm dưới giá của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, cần theo dõi diễn biến thị trường và sản lượng thu hoạch trước khi đưa đến quyết định thực hiện chính sách này.
Theo ông Võ Trường Giang, Giám đốc Trung tâm Phát triển vùng nguyên liệu thuộc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), do tình hình thời tiết trong thời gian vừa qua có nhiều bất ổn đã ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, sản lượng lúa thu hoạch vụ Đông Xuân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là trà lúa đầu mới thu hoạch gần đây.
Cụ thể, những năm trước, 1 công lúa (1.000m2) có thể thu về khoảng 0,7-0,8 tấn lúa, nhưng năm nay sản lượng khá thấp, giảm tới 30% so với trước đó.
Nếu như toàn vụ Đông Xuân có năng suất, sản lượng lúa thu hoạch vẫn giảm thấp như hiện nay thì giá lúa gạo khó có thể giảm sâu như trước đây.
“Hiện nay, chúng ta đang lo ngại những tác động tiêu cực từ việc xả kho gạo của Thái Lan đến tình hình tiêu thụ gạo vụ Đông Xuân. Tuy nhiên, trước khi quyết định thực hiện chính sách thu mua tạm trữ, Nhà nước cần theo dõi chặt sản lượng thu hoạch vụ Đông Xuân.
Với tình hình năng suất, chất lượng lúa thu hoạch vụ Đông Xuân khá thấp như hiện nay thì tôi nghĩ chưa cần thiết để thực hiện chính sách này,” ông Võ Trường Giang cho biết.
Ông Nguyễn Văn Đôn cũng cho rằng, với giá lúa cao như hiện nay thì không cần nhất thiết phải tính đến chuyện mua tạm trữ. Vào chính vụ Đông Xuân, giá lúa có thể giảm nhẹ, nhưng đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Trong bối cảnh tiêu thụ có nhiều khó khăn, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh được ở phân khúc gạo chất lượng cao vào các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, EU…
Các thị trường này đang có nhu cầu tiêu thụ gạo rất lớn, tuy nhiên điều quan trọng vẫn là doanh nghiệp phải đảm bảo được vấn đề chất lượng an toàn thực phẩm./.
Vietnam+