MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gạo xuất khẩu bị trả về không độc hại

27-11-2016 - 22:39 PM | Thị trường

Mỹ là một trong những thị trường chấp nhận mua gạo giá cao nhưng kèm theo là những tiêu chuẩn hết sức ngặt nghèo, cao hơn nhiều so với các thị trường khó tính khác.

Các cơ quan chức năng khẳng định một số lô gạo của doanh nghiệp (DN) Việt xuất khẩu sang Mỹ bị trả về là không độc hại, không mất an toàn thực phẩm như nhiều người lo ngại. Dù vậy, với xu thế hội nhập, xóa bỏ hàng rào thuế quan thì các nước nhập khẩu càng nâng cao hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nên chuỗi sản xuất lúa gạo của Việt Nam phải tìm cách khắc phục để đáp ứng yêu cầu ngày càng khó. Vả lại, người tiêu dùng trong nước cũng ngày càng khó tính hơn.

Cần đàm phán để phía Mỹ bổ sung quy định

PGS-TS Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng việc một số lô gạo xuất khẩu của Việt Nam bị Mỹ trả lại là do DN đã không tìm hiểu kỹ quy định của thị trường này nên không đạt một số chỉ tiêu. Tuy vậy, không có nghĩa là gạo của Việt Nam “bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật đến mức độc hại” như một số người lầm tưởng.

Đầu năm 2016, một số lô gạo xuất khẩu của Việt Nam bị Mỹ trả về nhiều nhất là do không đạt chỉ tiêu Isoprothiolane theo quy định của nước này. Isoprothiolane là một hoạt chất có trong hơn 60 loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam để phòng trị bệnh đạo ôn trên lúa. Hoạt chất này phía Mỹ chưa đưa ra mức giới hạn cho phép (MRLs) nên gạo nhập khẩu phải “tạm” chấp hành ngưỡng 0 ppm (không được phép có), hễ vi phạm là bị trả về.


Gạo Việt cần có những thay đổi để thích ứng với thị trường

Gạo Việt cần có những thay đổi để thích ứng với thị trường

Đại diện một DN ở ĐBSCL cho biết vừa có lô gạo xuất sang Mỹ bị trả về do mẫu kiểm tra có Isoprothiolane ở mức 0,014 ppm. Nếu so sánh với quy định của nhiều thị trường gạo khó tính khác, hàm lượng Isoprothiolane 0,014ppm là không vi phạm. Cụ thể, với chỉ tiêu Isoprothiolane, Nhật Bản quy định MRLs là 2ppm, châu Âu (EU) 0,5ppm và Đài Loan (Trung Quốc) 0,2ppm.

Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong các hoạt chất bị Mỹ cảnh báo có 4 loại mà nước này chưa đưa ra MRLs gồm: Isoprothiolane, Hexaconazole, Fenitrothion, Flusicolazole nên hễ mẫu gạo kiểm tra phát hiện chất này là vi phạm, bất cứ hàm lượng bao nhiêu. Trong trường hợp này, nước xuất khẩu phải xác định MRLs để đăng ký bổ sung quy định cho cơ quan kiểm soát nhập khẩu nông sản của Mỹ. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn chưa có MRLs cho những hoạt chất này nên không có cơ sở để đàm phán với Mỹ.

Thay đổi để thích ứng

Để nâng giá trị hạt gạo Việt nhằm cạnh tranh trên thị trường cả trong và ngoài nước, bắt buộc phải có sự thay đổi trong quy trình sản xuất, chế biến. Theo ông Huỳnh Thế Năng, những hoạt chất mà thị trường nhập khẩu cảnh báo hiện có trong khoảng 3.000 sản phẩm trừ sâu, trị bệnh, diệt cỏ… lưu hành trong nước. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, cần rà soát lại danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật và đưa ra lộ trình thay thế những loại thuốc khác an toàn và hiệu quả hơn. Đối với các hoạt chất không thể thay thế, cần nghiên cứu quy trình sản xuất mới để không gây tồn dư trong gạo.

Giám đốc một DN đang xuất khẩu gạo cho biết so với các thị trường khác, nhà nhập khẩu Mỹ chấp nhận mua giá cao hơn 1,5-2 lần (cùng chủng loại) nhưng quy định thì rất khắt khe và không phải DN xuất khẩu nào cũng biết. Do vậy, chỉ những DN kiểm soát được vùng nguyên liệu thì mới dám bán gạo sang Mỹ. Trước khi xuất khẩu, để tránh bị thiệt hại do bị trả lại hàng, DN phải lấy mẫu kiểm nghiệm, nếu đạt mới dám đưa hàng xuống cảng.

Cập nhật quy định thị trường

Để tạo thuận lợi trong xuất khẩu gạo sang các thị trường khó tính, nhiều DN cho biết rất cần đầu mối cập nhật thông tin về quy định của các thị trường này để tránh bị vi phạm, bị trả lại hàng, gây mất uy tín gạo Việt.

Trước đây, từng có trường hợp gạo Việt xuất khẩu sang Mexico bị mọt, giảm chất lượng. Đến khi truy tìm nguyên nhân thì mới phát hiện container vận chuyển bị thủng gây ra tình trạng này. Vì thế, các DN xuất khẩu cần quan tâm đến chất lượng dịch vụ vận chuyển.

Theo Ngọc Ánh

Người lao động

Trở lên trên