Gạo xuất khẩu được giá
Không chỉ tăng cả về lượng và trị giá, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng dần qua các tháng và duy trì ở mức cao từ tháng 6 cho đến nay.
- 07-09-2017Những điều kiện ‘trói buộc’ doanh nghiệp - Bài 1: Xuất khẩu gạo
- 03-09-2017Thái Lan giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu gạo
- 31-08-2017Xuất khẩu gạo tăng mạnh cả lượng và giá trị
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, xuất khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 4 triệu tấn, tăng 22,7% so với cùng kỳ 2016, trị giá đạt 1,78 tỷ USD, tăng 20,3%.
Xuất khẩu gạo tăng so với cùng kỳ năm 2016 cả về số lượng và trị giá nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Bangladesh, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại và cả sự tăng trưởng ở các khu vực thị trường mới, còn nhiều tiềm năng.
Tại thị trường Malaysia, đã ký được các hợp đồng tập trung với tổng khối lượng 150.000 tấn; tại thị trường Bangladesh ký được các hợp đồng tập trung với tổng khối lượng là 250.000 tấn; tại thị trường Philippines, 4 thương nhân Việt Nam đã trúng thầu cung cấp 175.000 tấn gạo.
Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu tăng trong tháng 6 và duy trì ở mức cao trong các tháng tiếp theo đã góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa với mức giá cao, có lợi cho người nông dân sản xuất lúa.
Thời điểm ngày 1/6, giá gạo 5% tấm là 370-380 USD/tấn và gạo 25% tấm là 340-350 USD/tấn. Có thời điểm trong tháng 7, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã đạt mức 405-415 USD/tấn và gạo 25% là 380-390 USD/tấn. Đến ngày 25/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu là 380-390 USD/tấn và và gạo 25% tấm là 360-370 USD/tấn, dù có giảm nhưng vẫn cao hơn thời điểm đầu tháng 6 từ 10-20 USD/tấn.
Không chỉ được giá, cơ cấu gạo xuất khẩu tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực. Xuất khẩu giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp; tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, các loại gạo chất lượng cao, giá trị cao (gạo nếp, japonica, gạo lứt). Điều này phù hợp với định hướng phát triển thị trường xuất khẩu.
Trong Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có đề ra mục tiêu phấn đấu điều chỉnh giảm dần lượng gạo hàng hóa xuất khẩu nhưng giữ ổn định và tăng trị giá xuất khẩu gạo; chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu; tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp và mang thương hiệu gạo Việt Nam.
Cơ cấu thị trường điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu và xu thế diễn biến thị trường gạo thế giới.
Cụ thể, phấn đấu vào năm 2030 lượng gạo xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn; tỷ trọng gạo trắng thường chỉ chiếm khoảng 25%, trong đó gạo phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 10% tổng lượng gạo xuất khẩu; gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm khoảng 40%, gạo nếp chiếm khoảng 25%; tăng dần tỷ trọng các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo (khoảng trên 10%).
Báo hải quan