MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gặp người đàn ông chốt cả chục lô đất "siêu rẻ" giá 300 triệu đồng chỉ trong 1 buổi livestream: Các bạn GenZ rất nhiều tiền để đầu tư!

22-03-2023 - 15:35 PM | Bất động sản

Đầu năm nay, mạng xã hội lan truyền thông tin một người tự xưng là Giám đốc một sàn bất động sản tại Hà Nội livestream chào bán các thửa đất ở phân lô đã có sổ đỏ tại xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) với giá “siêu rẻ” gần 300 triệu đồng/lô có diện tích 150m2. Kết thúc buổi livestream đã có cả chục hàng xuống tiền đặt cọc mua đất.

Livestream bán hàng là hình thức kinh doanh quen thuộc của các shop, cửa hàng online nhằm giới thiệu sản phẩm một cách trực quan nhất tới người mua. Hình thức này được sử dụng ban đầu chủ yếu với những mặt hàng như quần áo, đồ gia dụng,... nhằm cung cấp cái nhìn trực quan nhất và xua tan được nỗi lo “không thấy sản phẩm” của người dùng khi mua hàng online.

Bán hàng livestream có thể đem lại lượt chốt đơn rất cao, nhất là khi người bán có kịch bản bán hàng tốt, mà nôm na hay gọi là "có duyên".

Tuy nhiên, ngày nay, không chỉ bán những sản phẩm như đồ thời trang, gia dụng,... những sản phẩm giá trị cao và đặc thù hơn cũng đang được bán theo cách thức này.

Mạng xã hội từng lan truyền thông tin vào ngày vía Thần Tài (31/1/2023), một người tự xưng là Giám đốc một sàn bất động sản có địa chỉ tại Hà Nội, livestream chào bán các thửa đất ở phân lô đã có sổ đỏ tại xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) với giá “siêu rẻ” gần 300 triệu đồng/lô có diện tích 150m2. Kèm theo đó, khách hàng "chốt" mua sẽ được tặng kèm thêm 5 con mèo vàng. Kết thúc buổi livestream đã có cả chục khách hàng xuống tiền đặt cọc mua đất.

Chúng tôi đã có buổi chia sẻ với người đàn ông trong buổi livestream, anh Nguyễn Đạt Thực, Giám đốc Công ty CP Trung Thực Land có địa chỉ tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Khi được hỏi về buổi livestream bán đất đặc biệt hồi cuối tháng 1, anh Thực giải thích, mọi người thường đang bị định nghĩa sai về livestream. Giới thiệu sản phẩm livestream và bán hàng livestream là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

" Mình livestream đơn giản là giới thiệu sản phẩm, tạo nhu cầu. Bên mình đã livestream và bán những sản phẩm ô tô từ hơn 1 năm trước rồi. 90% doanh số của Trung Thực Auto (doanh nghiệp chuyên doanh xe ô tô gầm cao thuộc hệ sinh thái của Trung Thực Group - PV) bây giờ đang liên quan tới livestream. Ngày nào cũng giới thiệu là chúng tôi đang có những sản phẩm này, còn khách hàng đến mua sẽ phải đến trực tiếp ", anh Thực chia sẻ.

Vị Giám đốc này cho rằng mọi người đang bị đóng khung suy nghĩ rằng cứ livestream là phải chốt được đơn hàng ngay lập tức. Bán sản phẩm cao cấp 1-2 tỷ đồng qua livestream khác với bán những món đồ gia dụng, thời trang có giá vài chục hay vài trăm nghìn đồng.

Gặp người đàn ông chốt cả chục lô đất siêu rẻ giá 300 triệu đồng chỉ trong 1 buổi livestream: Các bạn GenZ rất nhiều tiền để đầu tư! - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Đạt Thực livestream bán đất và có cả chục khách hàng chốt cọc giữa lúc thị trường "đóng băng" gây xôn xao.

Tuy nhiên, để có thể bán hàng không phải chuyện ngẫu nhiên hay may mắn. Anh Thực chia sẻ từ kinh nghiệm cá nhân những yếu tố cần có để buổi livestream bán bất động sản thành công:

Thứ nhất , cần có sự chuẩn bị. Để khách hàng biết tới và có lòng tin, anh Thực đã có sự chuẩn bị nửa năm làm truyền thông cũng như xây dựng nhân hiệu cho bản thân và thương hiệu Trung Thực Land trước buổi livestream đầu tiên. Đích thân anh Thực có rất nhiều video chia sẻ về kiến thức liên quan đến đầu tư bất động sản trên mạng xã hội.

Thứ hai , yếu tố "cần câu" về lợi ích được "nêm nếm" để giúp khách hàng đưa ra quyết định tại buổi livestream. Chẳng hạn: nếu đặt cọc sẽ có giảm giá, chiết khấu,...

Thứ ba, chọn sản phẩm phù hợp để bán rất quan trọng. Bất động sản có nhiều phân khúc nhưng anh Thực quyết định chọn ra những sản phẩm chất lượng trong phân khúc thấp nhất. Các tiêu chí lựa chọn như: 100% đất ở lâu dài (không có đất trồng cây lâu năm), đã ra sổ đỏ, có yếu tố tiềm năng về quy hoạch và giá ở vùng trũng, chưa từng bị "thổi" hay "đẩy" giá. Theo anh Thực, đây là điều kiện cần để khi thị trường "ấm" lên, tài sản có thể tăng giá 3 - 5 lần trong tương lai.

Thứ tư , mức giá của bất động sản là yếu tố quyết định việc livestream có bán được hàng không.

"Trước đây, bạn có 500 triệu đồng, bạn có thể vay ngân hàng mua đất 1 tỷ đồng, nhưng giờ vẫn 500 triệu đồng đó, bạn sẽ chỉ mua đất 300 triệu đồng thôi ", anh Thực nhận định về sự thay đổi trong hành vi của khách hàng trong giai đoạn này.

Thứ năm , có tập khách hàng riêng. Với kinh nghiệm làm việc và khởi nghiệp trong lĩnh vực marketing 10 năm, đang là quản lý cộng đồng SMO về bán hàng online và dịch vụ quảng cáo online, anh Thực đã có được một tập khách hàng riêng biệt. Đó là các bạn trẻ kinh doanh online.

" Dòng tiền của họ vẫn rất tốt, dù kinh tế khó khăn hơn so với mọi năm. Họ có 3 đặc điểm là trẻ, giỏi, quyết đoán. Các bạn mặc dù tuổi đời trẻ, chỉ sinh năm 1999 - 2000 nhưng đưa ra quyết định mua mảnh đất 300 - 400 triệu đồng rất nhanh. Các bạn GenZ rất nhiều tiền để đầu tư ", anh Thực chia sẻ.

Được biết, Trung Thực Land không phải là đơn vị chuyên kinh doanh đất thổ cư, hai phân khúc chính của công ty là bất động sản nghỉ dưỡng (Hòa Bình, Yên Bái) và bất động sản khu công nghiệp. Nhưng trong giai đoạn khó khăn, toàn thị trường đóng băng, buộc doanh nghiệp phải linh hoạt, nghĩ ra cách để tồn tại và có dòng tiền hoạt động.

Anh Thực cho rằng tình hình khó khăn sẽ mất khoảng 2 năm và bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc cuối cùng hồi phục sau đất nền, nhà lô nhà phố, BĐS khu công nghiệp,.. trước tình hình đó doanh nghiệp và người quản lý phải linh hoạt và thích ứng, chứ không thể chờ đóng cửa, giải thể công ty?

Trên thực tế, cái khó ló cái khôn. Trong hoàn cảnh khó khăn, những người đứng đầu quản lý doanh nghiệp sẽ phải tìm cách để đưa doanh nghiệp vượt sóng. Một doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú PNJ, trong giai đoạn 2020-2021 với các đợt giãn cách xã hội dài hơi vì Covid-19, “không ai ra đường để phải đeo trang sức”, họ cũng đã lần đầu tiên bán vàng, trang sức qua livestream. Cách làm này giúp PNJ đưa sản phẩm đến tay khách hàng bất chấp giãn cách xã hội.

Khi đó, toàn bộ thị trường trang sức rớt 36%. Tuy nhiên, PNJ vẫn tăng trưởng 11%, bởi chúng tôi tìm ra những khe hở của thị trường để đi lên . Đó là câu chuyện mà chúng tôi gọi là tái tạo doanh nghiệp ”, Tổng Giám đốc PNJ Lê Trí Thông chia sẻ tại Tọa đàm “Kinh tế 2023: Nhận diện và hành động của doanh nhân trẻ” do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA) tổ chức.

Theo Trọng Nghĩa

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên