MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gạt bỏ dư luận, Yên Bái tái khẳng định 'đường nứt do ao'

04-09-2016 - 09:16 AM | Bất động sản

Liên quan đến những 'lùm xùm' quanh việc đường QL32C bất ngờ nứt một khe rất lớn rồi sau đó sụt hẳn xuống, mới đây, Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái - đơn vị chịu trách nhiệm - đã tiếp tục khẳng định: Nguyên nhân chính dẫn đến sự cố trên là do ao nước cạnh đường.

Như chúng tôi đã đưa tin, khoảng 6h sáng 25.8, một vết nứt rất lớn đã xuất hiện tại Km79+540 trên QL32C đoạn qua địa phận xã Minh Quân, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) và có xu hướng lan rộng. Đến trưa cùng ngày, quá trình sụt lún về cơ bản dừng lại. Kết quả đo đạc cho thấy, vết nứt dài 32m, rộng 3m, sâu hơn 1,5m và chiếm khoảng 1/3 diện tích mặt đường.

Phát biểu trên báo chí, ông Đỗ Văn Dự - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Yên Bái cho biết, nguyên nhân của việc nứt gãy nghiêm trọng này là do vừa qua trên địa bàn tỉnh Yên Bái xuất hiện mưa lũ trong nhiều ngày. Ngoài ra, theo ông Dự, do dân đào ao cạnh mái ta luy đường cộng với chỗ ao đất yếu nên dẫn đến sự cố ngoài mong đợi.

Nhận định này của ông Giám đốc sở GTVT đã lập tức khiến dư luận địa phương 'dậy sóng'. Cùng với đó, nhiều chuyên gia xây dựng cũng vào cuộc và đưa ra các ý kiến phản biện gay gắt. Bởi, không ít người tin rằng, một ao nước có sẵn từ cách đây hơn 30 năm, lại là tác nhân chính của một vụ sạt lở đường nghiêm trọng.


Hiện trạng khu vực sạt lún chụp chiều 29.8, ao nước có diện tích khá khiêm tốn và nằm xa đườn

Hiện trạng khu vực sạt lún chụp chiều 29.8, ao nước có diện tích khá khiêm tốn và nằm xa đườn

Ông Lê Văn Vấn (55 tuổi) – Chủ ao cá sát đoạn đường bị nứt, cho biết: “Tôi đào ao nước từ năm 1983, trước khi thi công con đường này, khi chuyển về đây tôi đã làm hết. Trong hơn 20 năm qua tôi cũng chưa cải thiện lại ao nên việc ảnh hưởng đến con đường sụt lún là không có. Sao lại tại tôi?"

Còn các chuyên gia về xây dựng thì khẳng định: Để xảy tình trạng trên có 2 nguyên nhân: một là do thi công lu lèn không đạt chất lượng dẫn đến việc sụt lún; Hai là khi thiết kế, đơn vị phụ trách khảo sát mặt bằng và đánh giá địa chất không phù hợp với thực tế dẫn đến sai phương án thi công.

Cả 2 nguyên nhân này, theo các chuyên gia, thì đơn vị phải chịu trách nhiệm chính là Chủ đầu tư; Đơn vị thi công; Tư vấn thiết kế; Tư vấn giám sát... chứ không không thể đổ tại ao nước của người dân.

Trước những quan điểm gần như đối nghịch này, mới đây, trả lời PV, ông Đỗ Việt Bách - Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Yên Bái cho biết, đơn vị ông vừa có báo cáo đến UBND tỉnh Yên Bái và Tổng Cục đường bộ Việt Nam, nói rõ về nguyên nhân xảy ra vụ sụt lún.

Theo ông Bách, nguyên sự cố một phần nhỏ là do ảnh hưởng của mưa bão, nước mưa ngấm vào gây sụt lún. Nhưng chủ yếu là do cái ao ở bên cạnh đường, nước ao có thường xuyên nên đã ngấm vào lề đường gây sự trương nở của đất làm cho bị mất chân.

"Ngay sau khi tìm ra nguyên nhân chúng tôi đã làm việc với gia đình chủ ao, và đã lập biên bản để gia đình chủ ao ký xác nhận", ông Bách nói.


Văn bản báo cáo của Sở GTVT tỉnh Yên Bái gửi UBND tỉnh và Tổng cục Đường Bộ Vn

Văn bản báo cáo của Sở GTVT tỉnh Yên Bái gửi UBND tỉnh và Tổng cục Đường Bộ Vn

Cũng theo lời vị Phó giám đốc Sở GTVT, thông tin người dân đào ao làm sụt đường chỉ là hiểu lầm. Ông giải thích: "Trong quá trình làm đường, đơn vị thi công có làm rơi đất xuống chiếc ao đó, chúng tôi đã thương lượng với chủ ao để chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất vườn hoặc đền bù tiền, nhưng chủ ao đã không đồng ý và yêu cầu chúng tôi phải vét chiếc ao lên và để đúng nguyên trạng như cũ".

"Hiện tại chúng tôi đã làm việc với chính quyền địa phương, qua đó trao đổi với gia đình chủ ao và gia đình này cũng đã nhất trí với chính quyền địa phương để chuyển đổi mục đích sử đất sang đất nông nghiệp.

Sau đó chúng tôi sẽ có những biện pháp để khắc phục đoạn đường bị hỏng theo đúng kỹ thuật. Trong quá trình thi công chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát để con đường được thi công đúng, nhà thầu cũng khẳng định làm đúng quy trình chứ không bình luận về nguyên nhân".

Dự án nâng cấp QL32C do Sở GTVT Yên Bái làm Chủ đầu tư, khởi công tháng 12.2012 và chính thức đi vào sử dụng vào cuối năm 2014. Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi. Đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty CP Tư vấn Xây dựng giao thông Yên Bái; Nhà thầu thi công gồm Liên doanh Công ty CP Xây dựng TASCO và Công ty CP Hùng Đức.

Đoạn đường bị sạt lở, theo nhiều nguồn tin, mới chỉ được bàn giao cho đơn vị quản lý hồi đầu năm 2016.

Theo Long Nguyên

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên