MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GĐ Ngân hàng Tế bào gốc: 7 bước của liệu pháp chữa ung thư 1 lần duy nhất - cực kỳ đắt đỏ

22-12-2018 - 14:21 PM | Sống

Liệu pháp tế bào miễn dịch CAR-T đang được coi là bước đột phá trong điều trị ung thư máu, do sử dụng chính tế bào miễn dịch của bệnh nhân để diệt trừ ung thư một lần điều trị duy nhất.

Chỉ là liệu pháp hỗ trợ

Theo TS.BS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Ngân hàng tế bào gốc, Viện huyết học Truyền máu Trung ương, ung thư máu có rất nhiều loại khác nhau.

Các phương pháp điều trị ung thư máu hiện nay đang được sử dụng và phát huy hiệu quả có thể kể tới như: hóa chất, tia xạ, điều trị đích (thuốc và miễn dịch), ghép tế bào gốc.

Tùy vào loại bệnh ung thư, giai đoạn bệnh, loại mô bệnh học, vị trí, kích thước u, các xét nghiệm gen… mà bác sĩ sẽ sử dụng một hoặc phối hợp nhiều phương pháp điều trị bệnh ung thư.

Trong đó, điều trị miễn dịch là sử dụng một trong các thành phần của hệ thống miễn dịch trên bệnh nhân để chống lại bệnh tật trong đó có bệnh ung thư.

Phương pháp này được thực hiện theo hai cách chính: Kích thích hệ thống miễn dịch làm việc "nhiều hơn" và "thông minh hơn" để tấn công lại các tế bào ung thư và bổ sung cho bệnh nhân thành phần trong hệ miễn dịch: như tế bào miễn dịch, kháng thể.

TS. BS Quế cho biết: "CAR-T là một trong những phương pháp điều trị điều trị miễn dịch mới, hiện vẫn chưa được áp dụng tại Việt Nam. Trong tương lai gần chuyển giao công nghệ y học có thể người bệnh ung thư máu có thể sử dụng phương pháp này".

Lý giải về liệu pháp CAR-T chưa được áp dụng tại Việt Nam TS.BS Quế biết thêm hiện nay chi phí điều trị liệu pháp CAR-T cho bệnh ung thư máu không hề rẻ.

Tại Mỹ một bệnh nhân điều trị bằng CAR-T chi phí khoảng 480.000 USD/ đợt, tương đương khoảng 10 tỷ đồng Việt Nam.

 GĐ Ngân hàng Tế bào gốc: 7 bước của liệu pháp chữa ung thư 1 lần duy nhất - cực kỳ đắt đỏ - Ảnh 1.

Liệu pháp CAR-T điều trị ung thư một lần hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư máu.

Cũng theo TS.BS Quế, liệu pháp CAR-T chỉ hỗ trợ điều trị ung thư chứ không thay thế hoàn toàn được các phương điều trị ung thư truyền thống.

Liệu pháp CAR-T đã được nghiên cứu và có kết quả điều trị ung thư máu sau một lần duy nhất. Tuy nhiên, sẽ có một số bệnh nhân phải dùng đến lần điều trị thứ hai hoặc ba.

Vì sao CAR-T lại đắt đỏ?

PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay để làm ra tạo CAR-T điều trị ung thư một lần duy nhất phải trải qua rất nhiều bước khác nhau.

Quá trình để tạo ra CAR-T cần mất rất nhiều thời gian và đầu tư kỹ thuật sinh học phân tử, nghiên cứu gen…

Một CAR-T được tạo ra phải trải qua 7 bước:

Bước 1: Tế bào lympho T được lấy từ bệnh nhân bằng phương pháp apheresis. Máu được truyền từ bệnh nhân qua một thiết bị phân tách, chỉ để tách riêng 1 thành phần nhất định và những thành phần khác được truyền lại vào bệnh nhân.

Bước 2: Những tế bào đó được gửi đến một phòng thí nghiệm hoặc một cơ sở sản xuất thuốc. Gen nhận biết tế bào ung thư được chèn vào tế bào lympho T bằng các kỹ thuật sinh học phân tử.

Bước 3: Gen này tái lập trình tế bào lympho T để sản xuất thụ thể, kháng nguyên, dạng khảm (CAR) trên bề mặt. Từ đó, những tế bào này có tên là tế bào lympho T chứa thụ thể, kháng nguyên, dạng khảm, hay CAR-T.

Bước 4: CAR-T sau đó được nhân lên cho đạt đến con số hàng triệu trong phòng thí nghiệm, rồi được đông lạnh và gửi trả lại cho bệnh viện hay cơ sở điều trị của bệnh nhân.

Bước 5: Người bệnh được sử dụng hóa trị nhằm diệt trừ một số bạch cầu và giúp cơ thể tiếp nhận CAR-T.

Bước 6: Tại bệnh viện, tế bào CAR-T được truyền vào máu của bệnh nhân.

Bước 7: Sau khi vào cơ thể, số lượng CAR-T càng được nhân lên nhiều hơn nữa. Những tế bào này đã được lập trình để nhận biết, tấn công và tiêu diệt những tế bào ung thư có kháng nguyên tương ứng trên bề mặt.

Tế bào CAR-T có thể tồn tại trong cơ thể một thời gian dài sau thời điểm được truyền vào máu, nên chúng có thể bảo vệ cơ thể khỏi tái phát ung thư.

Vì vậy, mà phương pháp này có thể điều trị ổn định bệnh ung thư trong một thời gian.

PGS.TS Cẩm Phương cho biết thêm: "Khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, người bệnh và gia đình cần hết sức bình tĩnh và lạc quan.

Hiện nay, tại Việt Nam đã cập nhật được nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị nên Người bệnh cần tin tưởng, tuân thủ vào các phác đồ mà bác sỹ đã tư vấn, điều trị.

Người bệnh cần có chế độ ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ, tập thể dục đều đặn, tránh làm việc quá sức để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu nhất".

Theo Ngọc Minh

Trí thức trẻ

Trở lên trên