GDP bình quân đầu người Việt Nam đạt khoảng 2.540 USD
Theo Bộ KH&ĐT, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.540 USD, tăng 155 USD so với 2017 và 325 USD so với 2016. Nếu so với năm 2015, chỉ tiêu này của Việt Nam đã tăng 1,21 lần.
- 08-10-2018Lạc quan tăng trưởng GDP: Đạt được, thậm chí vượt mục tiêu tăng trưởng, lên đến 7%
- 04-10-2018Ngân hàng Thế giới: Tăng trưởng GDP Việt Nam đạt khoảng 6,8% trong năm 2018, trước khi chững lại ở mức 6,6% năm 2019
- 01-10-2018Nên bỏ chỉ tiêu GDP bình quân đầu người?
Mục tiêu một triệu doanh nghiệp khó hoàn thành
Ngày 15/10, tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể cao hơn con số 6,7%. Nếu GDP tăng 6,7% so với năm 2017 thì quy mô GDP theo giá hiện hành ước đạt hơn 5,55 triệu tỷ đồng (khoảng 240,5 tỷ USD).
Từ kết quả đó, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.540 USD, tăng 155 USD so với 2017 và 325 USD so với 2016. Nếu so với năm 2015, chỉ tiêu này của Việt Nam đã tăng 1,21 lần. Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu 3.200-3.500 USD vào năm 2020 thì vẫn còn khoảng cách xa.
Về phát triển doanh nghiệp, 9 tháng đầu năm có hơn 96.610 công ty lập mới, nhưng cũng có 73.100 đơn vị ngừng hoạt động (tăng 48%) so với cùng kỳ. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh lo ngại, mục tiêu có một triệu doanh nghiệp vào năm 2020 khó hoàn thành khi việc phát triển doanh nghiệp tiềm ẩn khó khăn, số chờ giải thể, phá sản tăng cao.
Với lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ giải thể cao gấp 1,5 lần cùng kỳ, cơ quan thẩm tra, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ diễn biến ngược chiều giữa quy mô vốn bình quân và quy mô bình quân lao động của doanh nghiệp ngoài Nhà nước đăng ký thành lập mới.
Theo Uỷ ban Kinh tế, điều hành kinh tế vĩ mô cần lưu ý sức ép từ tăng giá dầu, lãi suất đồng USD và căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các cân đối lớn của nền kinh tế phải đảm bảo, kiểm soát lạm phát và lựa chọn thời điểm tăng giá, mức độ tăng phù hợp đối với các mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý.
Tránh lãng phí, tạo độc quyền trong in, phát hành SGK
Uỷ ban Kinh tế thống nhất với tờ trình của Chính phủ về tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế.
Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị nâng cao chất lượng các kỳ thi, đặc biệt khâu giám sát và thanh tra, xử lý vi phạm để các kỳ thi thực hiện nghiêm túc, an toàn, chất lượng. Cùng với đó là rà soát thống nhất về chương trình giáo dục các cấp, bảo đảm tính ổn định, thống nhất và đồng bộ, tránh lãng phí, tránh tạo độc quyền trong in, phát hành sách giáo khoa.
Uỷ ban thẩm tra đề nghị quan tâm đến việc bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, lựa chọn thời điểm tăng giá và mức độ tăng giá phù hợp đối với các mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý.
Đồng thời tập trung cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, chi đầu tư và giảm tỷ trọng chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ thu, chi, giảm bội chi NSNN. Kiên quyết không để thất thu từ khu vực ngoài quốc doanh, trong khai thác tài nguyên, khoáng sản. Cùng với đó là công khai, minh bạch trong quá trình thoái vốn, cổ phần hoá DNNN. Phát huy vai trò và tính hiệu quả của UB Quản lý vốn nhà nước tại DN.
Tiền phong