MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GDP được tính theo nguyên tắc “tính đúng”, “tính đủ”

Sau khi Tổng cục Thống kê tiến hành đánh giá lại theo thông lệ quốc tế, quy mô Tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2010 - 2017 bình quân mỗi năm tăng 25,4%. Số liệu này phản ánh rõ nét hơn năng lực của nền kinh tế mà chúng ta đang hướng tới, thay thế cho cách tính cũ chưa phù hợp.

Vì sao phải đánh giá lại quy mô GDP?

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KHĐT), cách tính GDP mới đưa ra số liệu toàn diện và đây là những căn cứ quan trọng để các nhà hoạch định chính sách xây dựng Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Thực hiện đánh giá lại GDP giai đoạn 2010 - 2017 theo cách mới, quy mô GDP được bổ sung rất lớn. Theo ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT), hầu hết các quốc gia có năng lực thống kê tốt đều tiến hành rà soát, đánh giá lại GDP thường xuyên và định kỳ. Mức độ và chu kỳ đánh giá lại phụ thuộc vào biến động về nguồn thông tin, phạm vi và mục đích đánh giá lại. Từ năm 2010 đến nay, nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Đức, Nga, Italia, Croatia, Indonesia, Zambia… đã tiến hành điều chỉnh và công bố lại quy mô GDP và các chỉ tiêu vĩ mô có liên quan. Trong quá trình biên soạn chỉ tiêu GDP có nhiều vấn đề phát sinh cần phải rà soát, đánh giá lại cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Lý thuyết tài khoản quốc gia của Thống kê Liên Hợp Quốc đưa ra ba vòng đánh giá lại số liệu GDP: Vòng 1 - đánh giá lại số liệu quý; vòng 2 - đánh giá lại số liệu hàng năm; vòng 3 - đánh giá lại số liệu định kỳ. Ba vòng điều chỉnh được thực hiện một phần hay toàn bộ phụ thuộc vào khả năng thực hiện của cơ quan thống kê và thực tiễn tổ chức, quản lý hoạt động kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

Theo lý luận của hệ thống tài khoản quốc gia, chỉ tiêu GDP cần được tiến hành rà soát, đánh giá lại thường xuyên hàng quý, hàng năm và đánh giá định kỳ theo giai đoạn sau khi có đầy đủ thông tin từ các cuộc tổng điều tra và nguồn thông tin bổ sung khác. Do vậy, việc cơ quan thống kê Việt Nam tiến hành đánh giá lại quy mô GDP cũng là việc cần thiết và không có gì bất thường trong nghiệp vụ thống kê.

GDP được tính theo nguyên tắc “tính đúng”, “tính đủ” - Ảnh 1.

GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng, chỉ tiêu này không chỉ phản ánh quy mô, tiềm lực của nền kinh tế mà còn là cơ sở để tính toán nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đòn bẩy quan trọng khác.

Không dễ dàng vượt qua thói quen cũ

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, thực tiễn Việt Nam khi đánh giá lại quy mô GDP có một số bất cập. Đó là nguồn thông tin thống kê ở nước ta tuy ngày càng được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về thông tin đầu vào phục vụ biên soạn đầy đủ quy mô chỉ tiêu giá trị sản xuất (GO) và giá trị tăng thêm (VA) theo ngành kinh tế và GDP của cả nước. Phạm vi tính toán chưa đầy đủ do nguồn thông tin còn hạn chế, hoạt động mới phát sinh chưa được xác định rõ và cập nhật kịp thời. Điều tra mẫu hàng năm chỉ đảm bảo phản ánh đúng xu hướng tăng trưởng mà chưa đảm bảo tính đầy đủ về quy mô của nền kinh tế. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tính toán quy mô giá trị tăng thêm của các ngành.

Bên cạnh đó, việc chia sẻ dữ liệu từ nguồn hồ sơ hành chính giữa Tổng cục Thống kê với các bộ, ngành còn bất cập. Để có nguồn dữ liệu đầy đủ, tính toán, tổng hợp thông tin thì rất cần sự vào cuộc, chia sẻ thông tin của các bộ, ngành. Ngoài ra, hệ thống tài chính kế toán cần được minh bạch hơn nữa; các công cụ quản lý, giám sát các hoạt động kinh tế cần hiệu quả hơn… có như vậy, ngành thống kê mới có thể đo lường được sát nhất tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh thách thức về chuyên môn nghiệp vụ, một thách thức khác đó là thói quen không chấp nhận sự thay đổi số liệu GDP của người sử dụng thông tin thống kê. Vì vậy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế khuyến nghị Tổng cục Thống kê nên công bố trước kế hoạch và lộ trình đánh giá lại quy mô GDP; đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông cho nhân dân và người sử dụng thông tin thống kê hiểu.

Quy mô GDP và GDP đầu người tăng

Như đã nói ở trên, cách tính GDP mới của Tổng cục Thống kê cho thấy, quy mô GDP đánh giá lại bình quân giai đoạn 2010 - 2017 tăng thêm 25,4%/năm so với số liệu đã công bố. Quy mô GDP thay đổi dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có liên quan tới chỉ tiêu GDP cũng thay đổi. Sự thay đổi của các chỉ tiêu có liên quan bao gồm: Tích lũy tài sản; tiêu dùng cuối cùng; tổng thu nhập quốc gia (GNI); tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người; tỉ lệ vốn đầu tư so với tổng sản phẩm trong nước; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR); tỉ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP; tỉ lệ thuế trừ trợ cấp sản phẩm so với GDP; tỉ lệ chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỉ lệ dư nợ công so với GDP; năng suất nhân tố tổng hợp (TFP).

Kết quả đánh giá lại quy mô GDP tác động đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế như: Tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ. Đánh giá lại quy mô GDP làm thay đổi cơ cấu GDP. Quy mô GDP và GDP bình quân đầu người tăng lên có thể làm tăng đóng góp của Việt Nam cho các tổ chức quốc tế mà hiện nay Việt Nam đang là thành viên.

THỰC HIỆN 3 NGUYÊN TẮC KHI ĐÁNH GIÁ LẠI QUY MÔ GDP

(1) Đảm bảo tính toàn diện. Đánh giá lại quy mô GDP phải đảm bảo đầy đủ phạm vi của tất cả các ngành trong nền kinh tế.

(2) Đảm bảo tính thống nhất quy trình và phương pháp tính. Việc rà soát, đánh giá lại quy mô GDP phải theo quy trình chặt chẽ, khoa học, khách quan và thống nhất, đồng thời đảm bảo phương pháp tính theo đúng thông lệ quốc tế.

(3) Đảm bảo tính lịch sử và tính so sánh. Thực hiện đánh giá lại quy mô GDP phải đảm bảo tính lịch sử, phản ánh đúng và rõ hiện trạng, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng năm, từng giai đoạn; thống nhất về lý luận và thực tiễn, đảm bảo sự nhất quán trong so sánh theo chuỗi thời gian và không gian.

* Có 5 nhóm nguyên nhân dẫn đến thay đổi của quy mô GDP, trong đó có 4 nhóm làm tăng quy mô GDP, đó là: (1) Bổ sung thông tin từ tổng điều tra; (2) Bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính; (3) Cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia 2008 và (4) Rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế. Chỉ duy nhất nhóm (5) Cập nhật cơ cấu kinh tế làm thay đổi hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá của cả nước, đã làm quy mô GDP theo giá hiện hành giảm.

(Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm)

Theo Nguyễn Phong Nam

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên