MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"GDP nhiều khả năng đạt được mục tiêu đề ra mà không nhất thiết phải đẩy quá mạnh tín dụng"

10-10-2017 - 11:45 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo TS. Cấn Văn Lực, có sự liên quan giữa tăng trưởng tín dụng và GDP, tuy nhiên, mối liên hệ này không cao.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
288 bài viết

Theo mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước, năm 2017 tăng trưởng tín dụng đạt 21 - 22%. Tuy nhiên, tính đến ngày 20/9, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế mới chỉ đạt 11,02%. Vậy kế hoạch đề ra có khả thi và có tái diễn tình trạng tín dụng tăng trưởng "dồn toa" vào cuối năm?

Để đạt được mục tiêu từ nay đến cuối năm, các ngân hàng phải tăng trưởng tín dụng thêm 10 - 11%, tương đương bơm vốn ra thị trường thêm khoảng khoảng 600.000 tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín cho biết các năm trước, để tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng còn lại, thông thường các ngân hàng phải tăng trưởng tín dụng thêm 6%. Nếu áp dụng như vậy, các ngân hàng chỉ có thể tăng trưởng đến 17 - 18% đến cuối năm.

Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định nếu cả ngân hàng và doanh nghiệp cùng cố gắng cũng sẽ hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng 21-22% nhưng nếu không đạt thì GDP vẫn đạt được như mục tiêu 6,7% đề ra.

Theo ông, số liệu thống kê cho thấy, mối quan hệ giữa tăng trưởng GDP và tăng trưởng tín dụng không quá chặt chẽ.

"Mô hình nghiên cứu của chúng tôi chạy số liệu của 52 nước cho thấy, nếu tăng trưởng tín dụng đạt 10% thì GDP sẽ chỉ tăng thêm 0,5%. Như vậy là có sự liên quan giữa tăng trưởng tín dụng và GDP, tuy nhiên, mối liên hệ này không cao”, chuyên gia Cân Văn Lực cho hay.

Trong khi đó, vốn tín dụng chỉ chiếm khoảng 60% tổng vốn đầu tư toàn nền kinh tế, còn lại còn có vốn từ đầu tư công, vốn đầu tư tư nhân, FDI. Theo đó, giả sử vốn tín dụng có hiệu quả nhưng nếu các nguồn vốn khác không hiệu quả thì cũng sẽ khó đáp ứng được tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, yếu tố vốn trong tăng trưởng kinh tế chiếm khoảng 53% trong khi 47% còn lại là từ các yếu tố lao động và năng suất.

Vị chuyên gia cũng chỉ ra kết thúc quý III vừa qua, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng ấn tượng - 7,5% so với năm ngoái trong khi quý trước chỉ đạt 6,4%. Tính từ đầu năm đến nay, tăng trưởng đã đạt 6,4% so với mức 5,7% trong nửa đầu năm 2017, đưa kinh tế cả nước đến gần với mức tăng trưởng mục tiêu 6,7% do Chính phủ đề ra cho năm 2017.

Điều đáng chú ý, động lực tăng trưởng trong quý vừa qua đến từ hầu như tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp, tiêu dùng, du lịch,… Theo đó, tiến sĩ Lực cho rằng, trong năm nay, GDP có nhiều khả năng đạt được mục tiêu đề ra mà không nhất thiết phải đẩy quá mạnh tín dụng.

Chuyên gia cũng cho rằng, nếu tín dụng cả năm được đưa lên mức quá cao, sẽ có 4 hệ luỵ cần phải được phân tích, đánh giá.

Thứ nhất, việc tăng trưởng tín dụng mạnh sẽ tạo áp lực lạm phát trong cuối năm và đầu năm tới, với độ trễ từ 3 đến 6 tháng.

Thứ hai, nếu dòng vốn không được kiểm soát chặt chẽ, có thể sẽ đi vào các lĩnh vực kém hiệu quả, gây rủi ro tăng nợ xấu cho hệ thống ngân hàng.

Thứ ba, hiện nay các ngân hàng đang đẩy mạnh việc huy động vốn, một mặt để đáp ứng mức tăng trưởng tín dụng đã đề ra, mặt khác là để đáp ứng thông tư 06. Theo đó, vô hình chung điều này đang đẩy lãi suất đầu vào cao hơn, như thế rất khó giảm lãi suất đầu ra, trong bối cảnh nợ xấu của ngân hàng vẫn lớn trong khi NIM lại ở mức tương đối thấp.

“Do mối quan hệ giữa tín dụng và tăng trưởng GDP không quá chặt chẽ và có lẽ chúng ta nên cần tập trung vào các yếu tố khác, bao gồm đẩy mạnh hơn, hiệu quả hơn giải ngân vốn đầu tư công”, ông Lực cho biết.

Cuối cùng, nếu tăng trưởng tín dụng 21-22% trong khi đó vốn chủ sở hữu tăng trưởng thấp (8-9% trong năm nay) thì hệ số an toàn vốn (CAR) sẽ càng ngày càng bé đi, khó đáp ứng được chuẩn quốc tế Basel II.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên