Gemadept: 2018 kế hoạch lãi trước thuế 2.130 tỷ đồng, hơn 73% đến từ chuyển nhượng
Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 2.130 tỷ đồng, tăng 227%; bao gồm phần chuyển nhượng vốn 2 công ty con và Hoa Sen Gemadept đạt 1.560 tỷ đồng. Nếu tính phần lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh thông thường, Gemadept ước lãi trước thuế 570 tỷ đồng, chỉ tăng 6% so với năm trước.
- 02-05-2018Ghi nhận lợi nhuận từ việc "bán con", LNST quý 1/2018 của Gemadept bất ngờ đạt gần 1.300 tỷ đồng
Tại buổi họp mặt nhà đầu tư và giới phân tích chiều 15/5, ông Đỗ Văn Minh, Tổng Giám đốc CTCP Gemadept (HOSE: GMD) cho biết kế hoạch năm 2018 với doanh thu 2.405 tỷ đồng, giảm 40% so với năm trước. Trong đó, doanh thu khai thác cảng chiếm tỷ trọng 91% và tăng 19% so với năm trước; doanh thu logistics giảm 90%. Nguyên nhân doanh thu cả năm giảm do chỉ hợp nhất 2 công ty con Gemadept Shipping và Gemadept Logistics trong tháng 1, từ tháng 2 trở đi, các công ty này trở thành công ty liên kết.
Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 2.130 tỷ đồng, tăng 227%; bao gồm phần chuyển nhượng vốn 2 công ty con và Hoa Sen Gemadept đạt 1.560 tỷ đồng. Nếu tính phần lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh thông thường, Gemadept ước lãi trước thuế 570 tỷ đồng, chỉ tăng 6% so với năm trước.
Giá cổ phiếu đang bị định giá thấp?
Riêng quý 1/2018, Công ty đạt doanh thu 689 tỷ đồng (giảm 20%) và lợi nhuận trước thuế 1.507 tỷ đồng do ghi nhận bất thường từ việc bán vốn công ty con. Nếu tính riêng phần sản xuất kinh doanh thông thường, Gemadept chỉ đạt lợi nhuận trước thuế 130 tỷ đồng, tăng nhẹ 10% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng của hoạt động khai thác cảng và các công ty logistics còn lại. Như vậy, 3 tháng đầu năm Công ty đã lần lượt thực hiện được 29% kế hoạch doanh thu, con số tại chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế tương ứng đạt 71%. Nếu không tính lãi chuyển nhượng, quý đầu năm Gemadept thực hiện được 23% kế hoạch cả năm.
Mặc dù ghi nhận lãi đột biến, song trên thị trường cổ phiếu GMD của Công ty cứ giảm liên tục, hiện chỉ còn loanh quanh tại mức 28.100 đồng/cp, giảm hơn 16% so với đầu năm 2018.
Tất cả các cảng đang vượt công suất
Là một trong những công ty khai thác cảng lớn trong nước, hiện các cảng của Gemadept đang vượt công suất, thực tế còn vượt nhiều năm qua theo ban lãnh đạo chia sẻ.
Cụ thể, cảng Nam Hải mặc dù bị ảnh hưởng bởi xu hướng dịch chuyển nguồn hàng từ thượng nguồn về hạ nguồn cũng như cản trở từ cầu Bạch Đằng, song nguồn hàng tại đây vẫn được duy trì khá tốt so với các cảng khác cùng khu vực, sản lượng năm 2017 vượt 12% so với công suất thiết kế, đạt 168.000 Teus. Kế hoạch cho năm 2018, cùng với việc duy trì các hãng tàu có cỡ tàu đến 20.000 DWT giảm tải vào làm hàng, Gemadept dự kiến sẽ đưa tàu trước đây đang cập vào những cảng khác do cảng Nam Hải phải hoạt động vượt công suất thiết kế để quay trở về làm hàng tại cảng Nam Hải, nhằm đảm bảo duy trì sản lượng tại cảng này năm 2018 tương đương với thực hiện năm vừa qua.
Còn tại cảng Nam Hải Đình Vũ, sản lượng 2017 đã vượt 30% công suất thiết kế với 654.000 Teus, kế hoạch năm 2018 dự kiến sẽ duy trì tại mức này nhằm tối ưu hóa hoạt động khai thác của cảng. Hay cảng Gemadept Dung Quất cũng không ngoài tình trạng vượt công suất… Theo đó bên cạnh việc tái khởi động dự án Gemalink, Gemadept cũng đã đẩy nhanh tiến độ đầu tư cảng mới Cảng Nam Đình Vũ nhằm đáp ứng nhu cầu quá tải hiện nay tại các cảng.
Tháng 2 vừa qua, Gemadept đã đưa vào khai thác giai đoạn 1 cảng Nam Đình Vũ (Hải Phòng) với tổng đầu tư 75 triệu USD và công suất 500.000 Teus. Đây là cảng thứ 3 của Gemadept tại khu vực miền Bắc với tổng vốn đầu tư cho cả 3 giai đoạn là 265 triệu USD. Giai đoạn 2 của Cảng Nam Đình Vũ dự kiến sẽ được khởi động ngay vào tháng 6/2018 để kịp thời đưa cảng vào khai thác đầu năm 2020 với công suất tương đương giai đoạn 1.
Đặc biệt, trao đổi thẳng thắn về tình hình cạnh tranh tại khu vực phía Bắc, liệu Gemadept có giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh hay không? Phía Công ty khẳng định, hiện Bộ GTVT đang quản lý mức giá trần và sàn vận tải theo Luật Hàng hải Việt Nam, hiện mức giá xếp dỡ bình quân cho 1 container 20 feet tại miền Bắc là 30 USD và tại miền Nam là 40 USD. Nếu so sánh với khu vực thì con số trên hiện rất thấp, khi mà giá xếp dỡ cho một container 20 feet tại Indonexia đâu đó đạt đến 95 USD, thậm chí ngay cả Campuchia cũng ghi nhận 65 USD. Như vậy, xu hướng giá cước sàn của Việt Nam trong tương lai sẽ tăng để ngang bằng với thị trường chung trong khu vực và đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các nhà khai thác cảng, tránh tình trạng các cảng cạnh tranh về giá như hiện nay.
Mục tiêu đến năm 2020, khai thác cảng Gemadept sẽ tăng trưởng 30%/năm về doanh thu và tăng 19%/năm về lợi nhuận. Về thị phần, tính đến cuối năm ngoái Công ty chiếm 12% thị phần khai thác cảng trên cả nước, bao gồm 19% tại miền bắc và miền nam là 7%. Theo lộ trình, đến năm 2022 con số thị phần tại miền Bắc sẽ đạt 28%, tại miền Nam đạt 22% và tính chung thị phần trên cả nước ước tính sẽ tăng gấp 2 lần so với hiện tại.
Hoãn chuyển nhượng 25% vốn góp tại Gemalink
Tại miền Nam, Gemadept cho biết đang tái khởi động siêu dự án Gemalink, được đánh giá là cảng nước sâu trung chuyển lớn nhất cả nước tại khu vực Cái Mép - Thị Vải (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong dự án này, GMD góp 75% vốn, 25% còn lại là của đối tác Pháp - hãng tàu lớn thứ 3 thế giới là CMA-CGM. Giai đoạn 1 của dự án Gemalink có số vốn đầu tư khoảng 325 triệu USD trên diện tích 33 ha với khả năng xếp dỡ ước tính đạt 1,5 triệu Teus. Khi hoàn tất cả hai giai đoạn, cảng Gemalink sẽ có quy mô 72 ha, với khả năng xếp dỡ lên đến 2,4 triệu Teus.
Trước đây, Gemadept định bán 25% cổ phần Gemalink cho một hãng tàu để gia tăng thêm nguồn hàng cho cảng Gemalink, hiện nay đối tác CMA đã mua lại hãng tàu APL, CNC và hãng tàu này tham gia liên minh Ocean Alliance (OA) (bao gồm CMA CGM, Evergreen, OOCL và COSCO Shipping). Do đó, khi cảng Gemalink đi vào hoạt động, nguồn hàng của các hãng tàu trong liên minh của CMA đã đủ 80% sản lượng của công suất giai đoạn 1 dự án.
Theo Gemadept, cảng Gemalink sở hữu vị trí thuận lợi, nằm ngay cửa sông Cái Mép với mớn sâu, thuận tiện cho việc quay trở tàu. Gemalink cũng có cầu bến chính dài nhất tại khu vực Cái Mép (chiều dài bến chính là 1,15 km, năng lực tiếp nhận cùng lúc 2 tàu mẹ trong giai đoạn 1 và cùng lúc 3 tàu mẹ trong giai đoạn 2). Đây cũng là cảng nước sâu duy nhất khu vực Cái Mép - Thị Vải được thiết kế có bến chuyên dụng làm hàng song song cho tàu feeder và sà lan kết nối khu vực Tp.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long; có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 200.000 DWT (thuộc loại mega vessel lớn nhất trên thế giới hiện nay).
Trí Thức Trẻ