Ghi nhận trường hợp tử vong do cúm gia cầm H3N2 và H10N5 ở Trung Quốc
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, nước này đã ghi nhận một trường hợp tử vong do nhiễm các chủng cúm gia cầm H3N2 và H10N5 cùng lúc.
- 12-12-2023Singapore tạm dừng nhập khẩu gia cầm từ Nhật Bản, Mỹ vì lo ngại cúm gia cầm
- 11-10-2023Công nghệ chỉnh sửa gene khiến gà kháng được cúm gia cầm
- 23-05-2023Cúm gia cầm độc lực cao lây lan, Brazil tuyên bố tình trạng khẩn cấp
Cục Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quốc gia của Trung Quốc ngày 30/1 thông tin về một trường hợp nhiễm hỗn hợp H3N2 và H10N5 đã được phát hiện ở tỉnh Chiết Giang. Bệnh nhân là một phụ nữ 63 tuổi ở Tuyên Thành, tỉnh An Huy, trước đây có nhiều bệnh lý nền.
Theo báo cáo ban đầu, ngày 30/11/2023, bệnh nhân đã xuất hiện các triệu chứng như ho, đau họng và sốt cao; đến ngày 2/12, người này được đưa đến trung tâm y tế địa phương để điều trị do tình trạng yếu; đến ngày 7/12 bệnh nhân được chuyển đến cơ sở y tế ở tỉnh Chiết Giang và qua đời vào ngày 16/12 cùng năm.
Ngày 22/1/2024, tỉnh Chiết Giang đã phân lập được virus cúm mùa H3N2 và cúm gia cầm H10N5 từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này. Ngày 26/1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc đã tiến hành tái kiểm tra và cho kết quả phù hợp với kết luận trước đó.
Các tỉnh Chiết Giang và An Huy đã tiến hành giám sát y tế đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, tất cả đều cho kết quả xét nghiệm âm tính.
Cục Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quốc gia ngay sau đó đã hướng dẫn các tỉnh Chiết Giang và An Huy thực hiện công tác phòng chống theo kế hoạch liên quan, đồng thời tổ chức tiến hành đánh giá rủi ro.
Phân tích gen hoàn chỉnh của virus, các chuyên gia đánh giá, virus H10N5 có nguồn gốc từ gia cầm và không có khả năng lây nhiễm hiệu quả sang người. Họ giải thích, trường hợp nhiễm bệnh trên là do "sự lây truyền chéo loài từ gia cầm sang người", đồng thời lưu ý "nguy cơ virus lây nhiễm sang người là thấp và chưa có sự lây truyền từ người sang người."
Trong khi đó, H3N2 là một chủng virus phân nhóm cúm A của virus Influenza gây bệnh cúm và biến chứng nguy hiểm phổ biến ở người. Virus H3N2 có thể lây nhiễm cho chim, lợn và người. Khi lây nhiễm, virus đã biến đổi thành nhiều chủng khác nhau.
Theo CCTV
Tiền phong