Giá bán điện: Không thể mua cao - bán thấp
Chuyên gia cho rằng, trước vấn đề về tính toán giá điện như hiện nay, chúng ta cần vươn ra nguyên tắc thị trường cũng như tính đúng, tính đủ, không thể đầu vào cao mà vẫn để giá điện thấp.
- 01-11-2023Nhiều tỉnh thành đề nghị 'nới room' với năng lượng tái tạo
- 31-10-2023Giá điện 2023 đã tăng, vì sao giá sản xuất vẫn cao hơn giá bán lẻ bình quân?
- 16-10-2023Bộ Công Thương báo cáo gì với Thủ tướng về giá điện?
Đây là một trong những nội dung được nhiều chuyên gia bàn luận tại Toạ đàm "Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức.
P hải vươn ra nguyên tắc thị trường để tính toán giá điện
Đánh giá về cách tính giá điện như hiện nay, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết, việc tính toán giá điện đã có những nguyên tắc nhất quán mà Chính phủ đã đề ra, điều chỉnh 6 tháng 1 lần nếu như các chi phí đầu vào qua kiểm toán, kiểm soát mà tăng thì buộc chúng ta phải điều chỉnh.
Tuy nhiên, từ Quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, cho đến nay là 6 năm, chúng ta mới có 3 lần điều chỉnh. Về thời gian là không bảo đảm theo quy định.
Còn về nội hàm của giá điện, các lần điều chỉnh vừa qua đều không bảo đảm được nguyên tắc bù đắp cho chi phí sản xuất và có lợi nhuận cho sản xuất kinh doanh điện. Có nghĩa là tất cả những chi phí sản xuất đầu vào từ phát điện đến truyền tải, phân phối đến quản lý ngành, dịch vụ phụ trợ... tất cả những khâu đó tạo nên giá thành điện.
Nhưng khi quyết định giá, vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hay có những năm hỗ trợ dịch bệnh, thiên tai... chúng ta không tính đủ giá thành của điện vào trong giá.
Đơn cử như năm 2022, giá thành tăng 9,27% nhưng chúng ta chỉ điều chỉnh có 3%. Tất cả điều đó đều gây khó khăn về nhiều mặt, dẫn đến dòng tiền để tiếp tục đầu tư kinh doanh, chưa nói đến tái sản xuất gặp khó khăn. Hai là, giá điện càng thấp thì nhà đầu tư không mặn mà đầu tư xây dựng hệ thống phát, truyền tải.
Giá điện thấp, nói là tốt cho sản xuất, kinh doanh, tốt cho đời sống nhưng vấn đề là khi đầu vào không thực, sản phẩm đầu ra không phản ánh đúng giá trị thị trường.
“Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải vươn ra nguyên tắc thị trường để hạch toán, tính toán giá điện làm sao bảo đảm được nguyên tắc mà chúng ta đã đề ra”, vị Chủ tịch Hội Thẩm định giá nói.
Thế giới nhiều mô hình định giá điện
Nói về cách tính giá điện đang được các nước trên thế giới áp dụng, ông Hà Đăng Sơn - chuyên gia năng lượng cho rằng, trên thế giới có nhiều mô hình định giá cho giá điện. Một số quốc gia có lợi thế về cung ứng năng lượng họ luôn luôn là các nước xuất siêu về mặt năng lượng, thông thường họ rất dễ dàng để đưa ra các cơ chế giá mang tính chất để ổn định kinh tế xã hội, đáp ứng các mục tiêu trong câu chuyện dân sinh xã hội, ví dụ như Brunei hay các nước Trung Đông, hầu như giá năng lượng của họ rất thấp.
Một mặt khác, các nước phát triển, tiệm cận với các mô hình kinh tế phát triển thì họ sử dụng công cụ giá là công cụ để điều tiết kinh tế cũng như thay đổi hành vi người tiêu dùng. Như nước Đức họ đã duy trì 1 thời gian dài cơ chế giá điện bán cho các hộ gia đình ở mức độ trung bình thì phần mua điện đầu vào chỉ chiếm 1/4 chi phí người dân phải chi trả.
Singapore lại sử dụng cơ chế là Ban đại diện cạnh tranh. Họ cho các công ty tư nhân thoải mái chào các gói giá điện khác nhau. Còn Hàn Quốc cũng tương đối giống Việt Nam là các giá điện trong công nghiệp họ áp dụng các hợp đồng khác. Đối với hộ gia đình, Hàn Quốc cũng đang áp dụng giá điện bậc thang, điều này khá tương đồng với Việt Nam, tuy nhiên mức giá cao hơn rất nhiều.
Không thể đầu vào cao mà vẫn để giá điện thấp
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, giá điện của Việt Nam hiện nay không thấp mà đang cân bằng với thu nhập. Thu nhập của người dân Việt Nam hiện nay đang ở mức thấp và giá điện hiện nay đang ở mức chấp nhận được.
Tuy nhiên, nếu giá điện thấp thì lại khiến tiêu dùng điện nhiều, lãng phí, đồng thời không khuyến khích đầu tư sản xuất điện. Và khi đó, quy luật của thị trường sẽ phát huy tác dụng đó là muốn tiêu dùng theo giá điện thấp, sẽ không có điện dùng.
“Nên việc chúng ta đang xử lý, Nhà nước hỗ trợ một phần cho giá điện là cách để bù vào giá thấp này nhưng tôi cho rằng cách hỗ trợ như hiện nay đang có vấn đề làm ảnh hưởng trực tiếp đến giá điện thực tế”, ông Thiên cho hay.
Ông Thiên nói rằng, chúng ta vẫn phải để mức độ giá điện cân bằng, cạnh tranh với thế giới, không thể đầu vào cao mà vẫn để giá điện thấp. Phần bao cấp của Nhà nước cần tách riêng ra mới bảo đảm được giá điện tính đúng, tính đủ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, như giai đoạn thủy điện xuống mực nước thấp chúng ta phải huy động nguồn giá cao để đảm bảo nhu cầu của cả nền kinh tế. Còn nếu tính đúng thì khi sử dụng dầu sản xuất điện thì giá thành điện sẽ lên đến 5.800 đ/kWh, than khoảng 2.500 - 2.800 đ/kWh.
“Chúng ta không thể mua cao - bán thấp do sự phụ thuộc nguyên liệu đầu vào nhưng với sự nỗ lực của Nhà nước, của ngành điện bù đắp về giá từ trước đến nay chúng ta vẫn phấn đấu đủ điện cho nền kinh tế với mức giá chưa đúng, chưa đủ với giá thành”, ông Thoả nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội Thẩm định giá còn cho rằng, không thể duy trì một mức giá bao cấp được, nguyên lý thị trường phải là nguyên lý chi phối. Thực tế cho thấy, giá điện chưa hợp lý đã khiến ngành điện không có nguồn để đầu tư, phát triển, nhằm giảm giá thành sản xuất, truyền tải, phân phối, không thu hút được được nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào ngành điện...
Nhịp sống thị trường