Giá bất động sản trên thị trường thứ cấp đang giảm như thế nào?
Nếu thị trường sơ cấp giá vẫn “neo” cao thì thị trường BĐS thứ cấp có dấu hiệu “hạ nhiệt” trong mùa dịch.
Theo các đơn vị nghiên cứu, trong các quý vừa qua, ở thị trường sơ cấp (CĐT bán ra) chưa có chủ đầu tư nào công bố giảm giá, trong khi đó, ở thị trường thứ cấp có phần "hạ nhiệt" về giá so với thời điểm dịch chưa xảy ra. Đó là những sản phẩm, phân khúc mà nhà đầu tư (NĐT) chịu áp lực dòng tiền đã chấp nhận cắt lãi, thậm chí cắt lỗ để thu lại dòng tiền. Dù không đại diện cho toàn thị trường, nhưng trong tháng 8 dương lịch (khi đợt dịch Covid-19 lần 2 bùng lại) thì làn sóng giảm giá trên thị trường thứ cấp thể hiện rõ nét hơn.
Theo báo cáo quý 3 của DKRA Vietnam, giá nhà ở có dấu hiệu sụt giảm nhẹ trên thị trường thứ cấp, tính thanh khoản ở mức khá thấp so với quý 2/2020. Cụ thể, mặt bằng giá thứ cấp ở phân khúc đất nền có sự sụt giảm ở nhiều khu vực, mức giảm dao động khoảng 3 - 5% so với quý trước. Tương tự, tính thanh khoản trên thị trường thứ cấp ở phân khúc căn hộ khá thấp, mặt bằng giá thứ cấp có sự sụt giảm, mức giảm dao động trung bình từ 2 - 3% so với quý 2.
Còn ở phân khúc nhà phố, biệt thự bên cạnh nguồn cung, giao dịch giảm thì giá thứ cấp cũng giảm đáng kể so với các quý trước đó, mức giảm dao động trung bình từ 1.5 - 2%, cục bộ một vài dự án giảm đến 4- 5%.
Ảnh: Hạ Vy
Trả lời trước đó tại một hội thảo, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam cho hay, thị trường BĐS thứ cấp có dấu hiệu giảm giá cục bộ từ 3-5% ở căn hộ, đối với những NĐT áp lực tài chính nên bán ra, thu lại dòng tiền. Trong thời gian tới cũng khó dự đoán được mức độ giảm giá thứ cấp, vì còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, và tâm lý của NĐT. Tuy nhiên, chắc chắn việc giảm giá thứ cấp chỉ diễn ra cục bộ, không đại diện cho toàn bộ thị trường. Bởi việc rao bán tài sản chỉ đang diễn ra ở các NĐT áp lực dòng vốn còn các NĐT khác họ vẫn chịu đựng được và giữ tài sản chờ thị trường phục hồi.
Chia sẻ trước đó, ông Võ Hồng Thắng, Trưởng phòng bộ phận R&D DKRA Vietnam cho rằng, hiện nay có 2 thái cực trái ngược nhau diễn ra trên thị trường nhà đất. Dịch Covid-19 lần 2, giá sơ cấp không những giảm mà còn tăng trong khi giá thứ cấp trong tháng 8 (dương lịch) có sự sụt giảm nhiều so với các tháng trước đó. Nếu tháng 6, tháng 7 giá trên thị trường thứ cấp chỉ giảm cục bộ tùy vào khách hàng, sản phẩm, khu vực, dự án thì đến tháng 8 mức độ giảm giá thứ cấp ở quy mô lớn hơn, ở hầu hết các phân khúc trên thị trường.
Tuy vậy, hầu hết các chuyên gia tin rằng việc giảm giá thứ cấp chỉ diễn ra cục bộ, không đại diện cho toàn thị trường. Mức giảm cũng dao động ở mức độ vừa phải, không quá lớn. Có một số phân khúc thì NĐT chấp nhận cắt lãi kì vọng để ra được hàng nhanh hơn, bí lắm NĐT chấp nhận cắt lỗ tiền chục triệu để có khách hàng trong trường hợp cần tiền gấp. Thế nhưng, cũng có một thực tế không phải trường hợp nào giảm giá cũng ra được hàng nhanh, do sức cầu trong mùa dịch cũng hạn hẹp hơn trước đó khi mà tâm lý của đa số còn e dè, thận trọng.
Ghi nhận cho thấy, việc giảm giá thứ cấp trên thị trường BĐS chủ yếu rơi vào phân khúc như đất nền, căn hộ, một số tài sản là nhà phố, mặt bằng cho thuê. Nhiều người mua ở thực cũng tranh thủ cơ hội này để tìm chốn an cư. Theo các chuyên gia, lúc thị trường thứ cấp giảm giá chính là cơ hội tốt cho người mua nhà ở thực.
Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, những dự án mà nhiều NĐT khác đang bị ngợp tài chính, không tiếp tục đóng được tiền nữa thì đây sẽ là cơ hội cho các NĐT có tài chính mạnh "nhảy vào".
Hay, một số NĐT mua nhà phố ở góc ngã tư để làm văn phòng, vừa đầu tư BĐS. Nếu trước đây, góc ngã tư thường giá đất cao, cho thuê giá cao thì do hiện ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên nhiều người thuê trả mặt bằng. Có thể giá một căn nhà phố khoảng 15-20 tỉ đồng, nhưng NĐT có 7-8 tỉ, đi vay thêm và lấy tiền thuê đắp vào nhưng hiện tại có nhiều trường hợp mất khả năng trả luôn vì không có khách thuê. Đây cũng chính là cơ hội "xuống tiền" cho những NĐT có dòng tài chính sẵn mạnh. Họ có thể thương lượng được giá cả trong lúc này.