Giá BĐS liên tục tăng “nóng”, liệu có bất thường?
Giá nhiều phân khúc BĐS liên tục bị xô đổ trong những năm gần đây, nhiều người dấy lên lo ngại về sự bất thường của thị trường BĐS.
Đặt ở bối cảnh thị trường BĐS ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng giá BĐS vẫn tăng, thậm chí sốt cục bộ diễn ra ở nhiều địa phương, giá tăng diện rộng, nhất là ở phân khúc đất nền… càng khiến những lo lắng về sự bất thường có cơ sở.
Trong một toạ đàm diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam từng chia sẻ, thị trường bất động sản một số khu vực bị đẩy giá bất động sản bất bình thường.
Ông lấy dẫn chứng, chỉ trong một năm trở lại đây, theo ghi nhận từ các đơn vị nghiên cứu, nhiều vùng tại Hòa Bình tăng giá đất tới 3 lần như Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc… Đồng thời, giá đất đai các vùng lân cận cũng tăng đáng kể so với trước đó. Không chỉ Hoà Bình mà nhiều khu vực như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, hay vùng ven Hà Nội… giá tăng gấp 3 là diễn biến dễ gặp trên thị trường. Thậm chí, có một số khu vực, gia tăng gấp 3 chỉ trong vòng nửa năm, đơn cử như đối với đất vườn rộng làm trang trại tại Thạch Thất hay Chương Mỹ.
Chia sẻ tại VRES 2021, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết giá bất động sản tại các thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM đã liên tục tăng trong những năm gần đây. Cụ thể, từ mức trung bình 32 triệu đồng/m2 năm 2019 lên mức 34 triệu đồng/m2 năm 2021. Giá bán chung cư Tp.HCM cũng tăng từ mức trung bình 32 triệu đồng/m2 năm 2019 lên mức 36 triệu đồng/m2 năm 2021. Giá bán nhà riêng Hà Nội cũng tăng từ 89 triệu đồng/m2 năm 2019 lên mức 103 triệu đồng/m2 năm 2021. Giá bán nhà riêng Tp.HCM cũng tăng từ 97 triệu đồng/m2 năm 2019 lên 103 triệu đồng/m2 năm 2021.
Thị trường sơ cấp cũng liên tục thiết lập giá mới. Theo báo cáo của CBRE Vietnam, tính từ năm 2019 đến nay, căn hộ sơ cấp tại Tp.HCM tăng giá 1.896 USD/m2 lên 2.271 USD/m2 (9,4%), trong khi đó nhà phố/biệt thự tăng 3.863 lên 4.682 USD/m2 (10,1%). Tại Hà Nội, căn hộ sơ cấp 1.371 USD/m2 tăng lên 1.542 USD/m2 (6,1%), nhà phố/biệt thự tăng từ 5.099 USD/m2 lên 5.412 USD/m2 (3%)...
Trước đó Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng đưa ra con số ghi nhận về mức giá tăng của bất động sản. Cụ thể, từ năm 2014 tới năm, mức tăng bình quân hàng năm của bất động sản là trên 10%/năm. Một số dự án đạt mức tăng trên 20%/năm. Riêng năm 2019 và đặc biệt là năm 2020, giá bất động sản có hiện tượng tăng mạnh và nhanh, nhất là phân khúc căn hộ.
Tác động của dịch bệnh khiến cho nền kinh tế gặp nhiều khó khăn trong khi mức thu nhập của phần lớn người dân suy giảm. Trái với kịch bản đó là sự tăng giá nóng của thị trường bất động sản. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư liên tưởng tới kịch bản sốt đất năm 2009 - 2010 trước khi rơi vào giai đoạn đóng băng 2011 - 2013. Đó là giai đoạn, giá đất cũng rơi vào tình trạng tăng đột biến.
Tuy nhiên, chia sẻ mới đây, ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Vietnam cho rằng, không có gì bất thường từ việc tăng giá BĐS. Bởi, hiện mọi chi phí đầu vào liên quan đến BĐS đều tăng giá, chưa kể, các thủ tục pháp lý kéo dài cũng khiến dòng vốn của CĐT chôn lại, đẩy chi phí lên cao. Thậm chí một dự án BĐS phải mất 10 năm để hoàn thành thủ tục đầu tư, ngần ấy thời gian các chi phí bị đẩy lên cao.
Theo vị chuyên gia này, chưa có điều gì bất thường từ việc giá đất tăng, có chăng hệ luỵ là người có nhu cầu mua ở thực ngày càng khó tiếp cận chốn an cư; giá tăng cao cũng thách thức đến bộ phận nhà đầu tư tham gia thị trường. Tuy vậy, mỗi phân khúc sẽ có một đối tượng khách hàng riêng, khác nhau. Những NĐT có tài chính tốt sẽ chọn BĐS cao cấp, hạng sang; những NĐT có dòng vốn vừa tầm sẽ tìm BĐS phù hợp, có giá trị thấp hơn.
Cũng khẳng định, thị trường đã có dấu hiệu bong bóng ở một số khu vực, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, bong bóng này sẽ không vỡ. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp họ sẽ không tham gia sâu vào những nơi có giá BĐS tăng bất thường. Hệ luỵ của điều này chỉ đến với các đầu nậu, những nhà đầu tư tay ngang.
Cùng quan điểm, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, thị trường BĐS bong bóng đang to dần nhưng sẽ không vỡ. Từ ngày đổi mới đến nay, giá đất chỉ tăng, có thể đứng lại rồi tăng tiếp, chưa bao giờ thị trường chứng kiến giá BĐS tỏ ra giảm mạnh.
"Với bối cảnh này, dự báo bong bóng không bao giờ vỡ, mà giá sẽ nở tiếp, giá lại cao tiếp, cao nữa, rất khó xuống”, ông Võ nhấn mạnh.
Chuyên gia này cũng cho hay, với một nền kinh tế chi phí đất đai quá lớn là nền kinh tế không bền vững. Chi phí cho đất đai phải phù hợp với sức của nền kinh tế.
Tại buổi họp mới đây, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra, giá nhà giao dịch trên thị trường năm 2021 tăng so với 2 năm trước ở một số trường hợp như: căn hộ cao cấp tăng 0,5%, căn hộ trung cấp tăng 2 - 3%, đất nền tăng 3 - 5%, cá biệt một số nơi tăng trên 10% như Tp.HCM hay một số địa phương có xu hướng sáp nhập các đơn vị hành chính hoặc phát triển hạ tầng, trong đó giá thuê đất ở khu công nghiệp tăng từ 10 - 20%.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, đây là xu hướng chung vì trong năm 2019 - 2020, nguồn cung của thị trường hạn chế do Covid-19, nhiều dự án bất động sản chưa hoàn thành sản phẩm nên chưa bán hàng. Trong khi nhu cầu, trong đấy có nhu cầu thật, có một phần nhu cầu của đầu tư vẫn phát triển, vẫn có. Vì vậy, nguồn cung chưa đáp ứng đầy đủ, mà nguồn cầu lại tăng, giá vì thế cũng tăng theo.