Giá cả ở 5 địa phương đắt đỏ nhất cả nước thay đổi ra sao trong 8 tháng đầu năm 2022?
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 8 tháng đầu năm 2022 của cả nước tăng 2,58% so với cùng kỳ năm 2021 chủ yếu do giá nhiên liệu biến động mạnh, giá các mặt hàng thực phẩm và giá nguyên vật liệu tăng. Vậy giá cả ở các tỉnh, thành, đặc biệt là những nơi đắt đỏ nhất biến động ra sao trong 8 tháng đầu năm?
- 08-09-2022Để rút BHXH một lần, người lao động cần chuẩn bị các giấy tờ và thủ tục dưới đây
- 08-09-2022Chuyên gia quốc tế chỉ ra yếu tố sẽ giúp thu nhập thực tế từ thương mại của Việt Nam tăng thêm 5% vào 2035
- 08-09-2022IMF giải mã việc nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam lên 7%, cao nhất nhóm ASEAN-6
Hà Nội
Theo báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) 2021, Hà Nội tiếp tục giữ vị trí “quán quân” với mốc điểm 100% về mức giá đắt đỏ nhất cả nước.
CPI tháng 8 của thành phố giảm nhẹ 0,1% so với tháng trước. CPI bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 3,37% so với bình quân 8 tháng năm 2021.
Trong đó, một số nhóm hàng tăng cao như nhóm giao thông tăng 15,06%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,49%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,86%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,84%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,19%.
Các nhóm có chỉ số CPI tăng nhẹ là may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,92%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,74%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,44%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,91%. Chỉ có 2 nhóm hàng CPI bình quân 8 tháng giảm so với bình quân cùng kỳ là bưu chính viễn thông giảm 0,36% và giáo dục giảm 1,64%.
Quảng Ninh
Đứng thứ hai về mức độ đắt đỏ là Quảng Ninh, với SCOLI bằng 99,5% so với Hà Nội. Quảng Ninh vượt lên có mức giá đắt đỏ xếp thứ hai vì là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Trong những năm qua, Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các ngành kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Kinh tế Quảng Ninh phát triển sôi động dẫn đến mức giá một số nhóm hàng dịch vụ cao hơn so với các địa phương khác.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, CPI của Quảng Ninh tăng 2,88% so với cùng kỳ năm ngoái.
TP. HCM
Đứng thứ ba trong cả nước là TP. HCM với chỉ số SCOLI bằng 98,98%. Một số nhóm hàng của TP. HCM có mức giá bình quân thấp hơn Hà Nội: May mặc, mũ nón và giày dép bằng 86,73%; văn hóa, giải trí và du lịch bằng 91,15%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 94,14%.
Tuy nhiên, một số nhóm hàng vẫn có mức giá cao hơn so với Hà Nội như đồ uống và thuốc lá bằng 111,38%; bưu chính viễn thông 112,63%; hàng hóa và dịch vụ khác 110,61%; giáo dục 113,27%.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, CPI tháng 8 TP.HCM giảm 0,31% so với tháng trước và là tháng đầu tiên kể từ đầu năm đến nay CPI giảm. Nguyên nhân chính nhóm hàng giao thông giảm 5,72%, chủ yếu do nhóm nhiên liệu giảm 12,66% sau các lần điều chỉnh giá xăng dầu trong tháng.
Tính trung bình 8 tháng đầu năm, CPI của thành phố tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn: Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê các địa phương
Đà Nẵng
Đứng ở vị trí kế tiếp là Đà Nẵng có chỉ số SCOLI là 96,4%. Mức giá của Đà Nẵng đứng ở vị trí cao trong cả nước do Đà Nẵng là một trong 5 thành phố lớn của Việt Nam, là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung.
Cục Thống kê Thành phố Đà Nẵng cho biết, CPI của thành phố bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ năm trước, bằng với mức tăng bình quân cùng kỳ năm 2021. Có 5/11 nhóm hàng tăng cao hơn so với mức tăng chung là giao thông, đồ uống và thuốc lá, thiết bị và đồ dùng gia đình, may mặc, mũ nón và giày dép, hàng ăn và dịch vụ ăn uống.
Hải Phòng
Hải Phòng xếp thứ 5 với chỉ số SCOLI bằng 95,58%, giảm mức đắt đỏ 2 bậc so với năm 2020. Hải Phòng tập trung nhiều ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, đặc biệt là cảng trung chuyển hàng hóa chiến lược quan trọng. Do đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao dẫn đến mức giá một số nhóm hàng hóa và dịch vụ tại Hải Phòng cao hơn so với các địa phương khác.
Theo Cục Thống kê Thành phố Hải Phòng, nhu cầu sử dụng điện, nước tăng do thời tiết nắng nóng; giá lương thực, thực phẩm và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 8/2022 tăng 0,6% so với tháng trước; tăng 4,15% so với tháng 12/2021 và tăng 4,58% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 3,09% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 0,93% của 8 tháng đầu năm 2021.
So với tháng trước, CPI thành phố Hải Phòng tháng 8/2022 tăng 0,6% (khu vực thành thị tăng 0,49%; khu vực nông thôn tăng 0,73%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 10 nhóm có chỉ số giá tiêu dùng tăng, 01 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước.
Tổ quốc