MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cà phê đạt đỉnh: Chỉ biết tiếc!

20-09-2023 - 09:53 AM | Thị trường

Giá cà phê đạt đỉnh trong khoảng 10 năm qua nhưng cả nông dân và doanh nghiệp không mấy hào hứng vì không còn hàng để bán.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, ngày 19-9, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tăng mạnh lên trên 68.000 đồng/kg, mức giá cao nhất trong hơn 10 năm qua. Riêng ở Đắk Lắk, giá cà phê tăng 300 đồng/kg so với hôm trước, lên mức 68.200 đồng/kg.

Nông dân hết hàng bán

Ông Nguyễn Văn Thạch (ngụ huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết gia đình có 1 ha cà phê với sản lượng khoảng 3,5 tấn cà phê nhân. Vào tháng 3 vừa qua, khi giá cà phê lên 45.000 đồng/kg gia đình đã bán hết để trả nợ mua phân bón, thuốc trừ sâu. "Những hộ khác hầu như cũng đã bán hết từ lúc giá cà phê đạt 40.000 - 50.000 đồng/kg. Đến nay, giá cà phê đã tăng gần gấp đôi so với trung bình giá năm ngoái nhưng thực tế nông dân không được hưởng lợi" - ông Thạch nói.

Giá cà phê đạt đỉnh: Chỉ biết tiếc! - Ảnh 1.

Dù giá cà phê tăng cao nhưng nông dân vẫn không hưởng lợi do đã hết hàng.Ảnh: CAO NGUYÊN

Theo một doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê tại Đắk Lắk, hiện cà phê đang ở cuối vụ nên DN có muốn thu mua cũng không có hàng để lấy. Trước tình hình giá cả tăng cao đột biến, các đối tác nước ngoài cũng lấy hàng nhỏ giọt, chờ giá giảm hoặc khi vụ mùa mới chuẩn bị bắt đầu.

Lãnh đạo Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột lý giải việc giá cà phê đạt kỷ lục là do niên vụ vừa qua cây trồng này mất mùa, sản lượng giảm. Bên cạnh đó, từ đầu vụ, giá cà phê Robusta tăng cao, tiêu thụ nhanh nên đến tháng 6-2023 nguồn hàng đã bắt đầu cạn. "Cà phê đang ở mức giá cao nhưng hầu như không có giao dịch vì DN, nông dân đều không còn hàng cung ứng" - đại diện hiệp hội này thông tin.

Còn theo một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, Brazil đang hạn chế bán cà phê ra thế giới cũng góp phần đẩy giá nông sản lên mức cao so với nhiều năm. Tuy nhiên, cần phải thận trọng khi nhìn nhận về giá. Bởi giá cà phê sẽ rất khó duy trì như hiện nay khi mùa vụ mới bắt đầu. Nông dân, DN phải hết sức tỉnh táo vì các nhà dự trữ khi đến đợt cao điểm thu hoạch, phân phối có thể tung hàng ra bán, dẫn đến cung vượt cầu và khi đó giá sẽ giảm. 

"Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không ồ ạt mở rộng diện tích ở những vùng không phù hợp với cà phê. Khi tái canh cần chọn giống mới ưu việt, cho năng suất để phát triển cà phê bền vững" - lãnh đạo này khuyến cáo.

Giá cao chưa hẳn tốt

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,2 triệu tấn, trị giá 2,96 tỉ USD, giảm 5,4% về lượng nhưng tăng 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong thời gian này, giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt mức 2.463 USD/tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, tính riêng tháng 8, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt mức thấp, chỉ 84.650 tấn, trị giá 258,47 triệu USD, giảm 22,3% về lượng so với tháng 7 và giảm tới 25,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 8-2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11-2020 (xuất khẩu cà phê Việt Nam thường tăng cao sau thời gian thu hoạch rộ vào tháng 12 và tháng 1, 2, 3 hằng năm - PV). Dù vậy, trong tháng 8, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục 3.054 USD/tấn, tăng 8% so với tháng 7 và tăng 29,7% so với tháng 8-2022.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), cho biết trong gần 30 năm của ngành cà phê xuất khẩu, chưa bao giờ giá cao như năm nay khi giá nội địa từng ghi nhận mốc 71.000 đồng/kg (năm 2011 - thời hoàng kim của cà phê, giá chỉ 50.000 đồng/kg). 

Cũng chưa bao giờ trong tháng 8 mà lượng cà phê của Việt Nam đã cạn. "Dân trong nghề cũng bất ngờ vì sản lượng cà phê thực tế của Việt Nam năm nay ít hơn hẳn so với dự báo. Điều này khiến cho lượng cà phê xuất khẩu cuối vụ thiếu hụt so với mọi năm" - Chủ tịch VICOFA nói.

Cũng theo chủ tịch VICOFA, giá cà phê tăng cao chưa hẳn DN có lợi khi nhiều DN đã bán trước vào đầu vụ khi giá còn thấp, chưa kể có DN ký hợp đồng bán trước với giá thấp, khi thu mua hàng thì thị trường tăng giá dẫn đến thua lỗ. Cà phê tăng giá cũng khiến các DN phải bỏ vốn nhiều hơn trong khi vốn là điểm yếu của DN Việt, nhất là khi so sánh với các tập đoàn nước ngoài.

Tuy vậy, ông Trần Đức Nhật, Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, cho rằng giá cà phê tăng cao sẽ tạo cú hích tinh thần cho người nông dân, lẫn DN trên địa bàn. Cà phê vẫn là mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. 

"UBND TP Buôn Ma Thuột đang xây dựng "Thành phố Cà phê của thế giới" nên đề nghị các DN, nông dân phải bảo đảm chất lượng cà phê trên thị trường" - ông Nhật nhấn mạnh. 

Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 212.000 ha cà phê, sản lượng hơn 550.000 tấn, chiếm 1/3 tổng sản lượng cà phê cả nước. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất cà phê ở Đắk Lắk còn rời rạc, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất ngày càng xuống cấp, thiếu đồng bộ. Cà phê có chỉ dẫn địa lý còn ít, hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức. Cùng với đó, khó khăn trong vay vốn ngân hàng, biến động giá vật tư đầu vào, phí vận chuyển tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của người sản xuất cà phê.

Theo Cao Nguyên - Ngọc Ánh

Người lao động

Trở lên trên