Giá cà phê giảm mạnh khi các nhà xuất khẩu đưa Nga vào danh sách thị trường rủi ro cao buộc phải thanh toán trước khi giao hàng
Các nhà kinh doanh các phê đang tìm cách để các hợp đồng mới bán cho khách hàng Nga được thanh toán tiền trước khi ký kết, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên hệ thống tài chính của nhà nhập khẩu cà phê lớn thứ 6 trên thế giới.
- 04-03-2022Thị trường ngày 4/3: Giá dầu giảm hơn 2%, kim loại cơ bản, lúa mì, ngô neo ở mức cao mới trong nhiều năm
- 03-03-2022Thị trường ngày 3/03: Giá dầu vượt ngưỡng 110 USD/thùng trong khi vàng thoái lui
- 03-03-2022Diễn biến mới trên thị trường dầu: Mỹ để ngỏ khả năng trừng phạt năng lượng Nga, OPEC+ giữ nguyên kế hoạch sản lượng
Các thương nhân ở Brazil, nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp cà phê số 1 cho Nga, cho biết họ đã thêm nước này vào danh sách các điểm đến rủi ro và buộc phải thanh toán trước khi giao hàng. Danh sách này trước đây bao gồm Syria, Lebanon và Iran.
Ba nhà kinh doanh cà phê của một trung tâm thương mại hàng hóa lớn có trụ sở tại châu Âu thông tin với hãng Reuters rằng họ sẽ không nhận bất kỳ đơn đặt hàng cung cấp mới nào với các nhà rang xay của Nga, cho biết thêm hoạt động kinh doanh trong bất kỳ trường hợp nào cũng bị chậm lại do đồng rúp của Nga lao dốc.
Nhà môi giới cà phê Thomas Raad - sở hữu một công ty kinh doanh thường xuyên vận chuyển hàng hóa đến các điểm đến rủi ro - cho biết: "Hiện có quá nhiều bất ổn về khả năng thanh toán của họ, vì vậy các giao dịch mới chỉ có thể thực hiện với 100% trả trước".
Jose Marcos Magalhaes, người phụ trách Liên minh cà phê quốc tế Minasul, cho biết việc thanh toán trước sẽ được yêu cầu đối với bất kỳ đơn hàng mới nào đối với Nga, mặc dù Nga là một khách hàng thường xuyên. Ông cho biết, Liên minh của ông cũng sẽ cần có các bảo hiểm liên quan đến vận chuyển, vì các đường dây vận chuyển container đang hạn chế việc giao hàng tới Nga kể từ khi Nga thực hiện "Chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine.
Nhà môi giới Thomas Raad cho biết ông đang đàm phán với một người mua Nga, đã gửi mẫu cà phê để phê duyệt, nhưng vẫn chưa thảo luận về việc thanh toán.
SWIFT, hệ thống nhắn tin ngân hàng quốc tế được sử dụng để chuyển tiền, hôm 1/3 cho biết họ đang chờ hướng dẫn về việc ngân hàng Nga nào nên bị ngắt kết nối khỏi hệ thống theo lệnh trừng phạt.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu Brazil Cecafe cho biết những thay đổi đối với SWIFT chắc chắn có thể ảnh hưởng đến các giao dịch, nhưng tình hình vẫn chưa rõ ràng. Theo Cecafe, Nga đã mua 1,2 triệu bao cà phê của Brazil trong năm 2021, trị giá 177 triệu USD.
Ông Thomas Raad cho rằng tiền điện tử có thể là một lựa chọn để thanh toán. "Tôi sẽ sử dụng tiền điện tử vì tôi đã quen thuộc với nó, nhưng nhiều nhà xuất khẩu thì không", ông Raad cho biết.
Theo ông Raad, để điều đó hoạt động, nhà nhập khẩu Nga sẽ cần quyền truy cập vào một nhà môi giới tiền điện tử để có thể hoàn thành một cách dễ dàng hơn cả hai giai đoạn thanh toán bằng cách sử dụng USD Coin, một loại tiền kỹ thuật số được gắn với đồng đô la Mỹ.
Xuất khẩu cà phê nhân của Brazil tháng 2/2022 đạt 208.511 tấn, cao hơn mức 191.099 tấn cùng kỳ năm trước.
Nga cũng là một thị trường xuất khẩu cà phê lớn của Việt Nam bởi loại cà phê mà người tiêu dùng Nga ưa thích là cà phê hòa tan. Hiện nay, trong phân khúc cà phê hòa tan, Nga đứng thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Anh về tiêu dùng bình quân đầu người. Phân khúc cà phê hòa tan gần như đạt đến điểm bão hòa. Trong vài năm trở lại đây, tỷ lệ tiêu dùng cà phê hòa tan và cà phê rang (bột và hạt) đang dần thay đổi theo chiều hướng gia tăng tiêu thụ cà phê rang xay. Cà phê không được trồng ở Nga nên thị trường trong nước phụ thuộc vào xu thế phát triển của thị trường thế giới: như giá tăng, nguồn cung giảm do điều kiện khí hậu và các yếu tố khác.
Năm 2021, trong khi xuất khẩu cà phê của cả nước giảm nhẹ 0,2% về khối lượng thì xuất khẩu sang Nga vẫn tăng.
Theo đó, xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Nga năm vừa qua đạt 81.818 tấn, kim ngạch 173,2 triệu USD, tăng mạnh 18,27% về khối lượng và tăng 25,32% về kim ngạch so với năm trước đó, chiếm tỷ trọng hơn 5% trong tổng xuất khẩu cà phê, đưa Nga trở thành thị trường xuất khẩu mặt hàng này lớn thứ 6 của nước ta.
Đáng chú ý, trong tháng 1/2022, tỷ trọng của Nga trong tổng xuất khẩu cà phê của Việt Nam tiếp tục tăng lên hơn 6%, đạt 10.575 tấn, kim ngạch 24.5 triệu USDUSD, tăng lần lượt 26,12% và 14,69% so với tháng liền trước, và tăng mạnh 45,32% và 79,88% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam sang các thị tường trong tháng 2 ước đạt 130.000 tấn, trị giá 304 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 4,8 triệu bao (1 bao = 60 kg), với kim ngạch ước đạt 674 triệu USD, tăng 35,6% so với cung kỳ.
Đối với Nga, nhập khẩu cà phê có xu hướng tăng trong những năm qua, và Việt Nam là một trong những nhà cung cấp lớn nhất của Nga, hiện chiếm khoảng 35% tổng cà phê nhập khẩu vào thị trường này.
Với tình trạng xuất khẩu sang Nga gặp khó khăn cả về việc thanh toán cũng như chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá cà phê thế giới đang có xu hướng giảm nhanh.
Giá arabica trên sàn ICE phiên 4/3 chạm mức thấp nhất 3,5 tháng, là 2,2165 USD/lb, trong khi robusta phiên 3/3 chạm mức thấp nhất 6 tháng, là 2.013 USD/tấn, tính chung cả tuần giảm hơn 7%.
Giá cà phê robusta thấp nhất trong vòng 3,5 tháng.
Các nhà kinh doanh mặt hàng này đều đang lo ngại rằng bất kỳ sự suy thoái kinh tế toàn cầu nào liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine đều có thể hạn chế nhu cầu, bên cạnh nỗi lo việc bán hàng cho các khách hàng Nga có thể chậm lại do lệnh trừng phạt.
Xu hướng giá thế giới giảm bắt đầu tác động lên giá trong nước. Cà phê nhân xô tại Tây Nguyên tuần này được bán ở mức giá 38.900-41.000 đồng (1,70-1,80 USD) / kg, giảm so với mức 40.600-41.800 đồng của tuần trước. Trong khi đó, cà phê robusta loại 2 (5% đen & vỡ) giấ trừ lùi 325 USD/tấn so với kỳ hạn tháng 7 trên sàn London, so với mức trừ lùi 330 - 340 USD của tuần trước.
Các doanh nghiệp cà phê trong nước cũng đang băn khoăn không rõ có vận chuyển cà phê sang Nga được không? Làm cách nào để giao hàng và thanh toán hàng? Trong khi đó, cước phí vận chuyển đang tăng trở lại.
Tham khảo: Reuters, Barchart