MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cà phê robusta sẽ còn cao trong vài tháng tới do tồn trữ thấp

21-07-2016 - 14:34 PM | Thị trường

Giá cà phê robusta kỳ hạn giao sau được các chuyên gia dự báo sẽ duy trì ở mức cao kỷ lục 16 tháng thêm vài tháng nữa do tồn trữ còn rất ít, trong khi nhiều khả năng hiện tượng thời tiết bất thường La Nina sẽ khiến nguồn cung càng thêm khan hiếm.

Cung robusta ở mức thấp đúng lúc tồn trữ cà phê toàn cầu bị thắt chặt đã đẩy giá robusta trên sàn ICE (London) tăng lên 1.866 USD/tấn trong phiên giao dịch 15/7/2016, cao nhất trong vòng 16 tháng, và cao hơn khoảng 22% so với hồi đầu năm.

Xuất khẩu tăng mạnh từ Việt Nam – nước sản xuất robusta hàng đầu thế giới – đã bù đắp cho nguồn cung suy giảm ở Indonesia – nơi thu hoạch cà phê năm nay muộn hơn nhiều so với những năm trước do khô hạn, và Brazil – nơi sản lượng rất thấp do khô hạn kéo dài. Trong 5 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu cà phê Indonesia đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Do tồn trữ trong nước còn rất ít nên các nhà rang xay Indonesia tăng 5-10% giá chào bán cho khách hàng quốc tế.

Brazil và Indonesia là những nước sản xuất robusta lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới, sau Việt Nam.

Sản lượng robusta ở Ấn Độ niên vụ 2016/17 dự báo cũng sẽ thấp do thời tiết bất thường.

Abah Ofon, nhà phân tích cấp cao của Global Coffee Monitor (thuộc Agrimoney) nhận định giá robusta có nhiều khả năng sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong quý III trước khi giảm trở lại – khi tồn trữ trên toàn cầu hồi phục.

“Chúng ta cần thấy nguồn cung cải thiện để giá giảm trở lại. Nhưng đáng tiếc nếu nguồn cung arabica cũng sụt giảm thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới robusta”, ông Ofon cho biết, và dự báo “Có khả năng các nhà rang xay và các nhà đầu cơ sữ săn mua robusta chất lượng cao khi thấy tồn trữ cà phê xuống thấp”.

Trong phiên giao dịch 20/7, giá Robusta kỳ hạn giao tháng 9 đã giảm nhẹ xuống 1.804 USD/tấn khi các nhà đầu cơ bán chốt lời sau đợt giá tăng mạnh. Chênh lệch giá giữa cà phê Việt Nam loại 2 giao và hợp đồng giao tháng 9 đã giảm xuống -30 USD.

Mặc dù giá đã giảm khỏi mức cao kỷ lục 16 tháng, song ông Ofon cho rằng “tình trạng thiếu hụt sẽ ngày càng rõ nét”, và dự báo niên vụ 2016/17 thế giới sẽ thiếu hụt robusta.

Agrimoney nhận định, mặc dù có thể thời tiết sẽ tốt dần lên vào cuối niên vụ 2016/17, và không phải toàn bộ các khu vực trồng robusta ở châu Á có nguy cơ bị mưa quá nhiều, song La Nina vẫn có thể ảnh hưởng tới năng suất ở Việt Nam, khiến nguồn cung chậm hồi phục.

Nhiều chuyên gia dự báo “Có thể sẽ mưa quá nhiều ở Việt Nam sau khi hạn hán trong niên vụ trước”.

BMI Research ngày 20/7 dự báo La Nina – khiến nước vùng biển đông Thái Bình Dương ấm lên sau giai đoạn El Nino – sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng ngô, lúa mì, đậu tương, đường, bông và cà phê.

Khu vực trồng cà phê ở miền Trung – Tây nguyên hồi đầu năm bị hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 30 năm, nhưng dự báo đến khoảng tháng 10-11 sẽ có mưa nhiều hơn khoảng 5-15% so với mức trung bình. Mà vụ thu hoạch cà phê rơi vào tháng 10, rộ vào tháng 11. Mưa nhiều sẽ làm cho việc thu hoạch bị chậm lại, và ảnh hưởng tới việc phơi sấy, khiến chất lượng hạt giảm sút. Đồng thời mưa nhiều cũng khiến trái cà phê nhanh rụng, làm tăng tỷ lệ hạt đen, giảm hạt nâu.

Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam mới đây cho biết sản lượng niên vụ 2016/17 của Việt Nam có thể sẽ giảm 20-25% do khô hạn. Con số này đã được điều chỉnh giảm so với mức giảm 30% trong dự báo trước đây, sau khi mùa mưa đến sớm hơn dự kiến – vào giữa tháng 5.

Các tổ chức quốc tế đều có chung nhận định bi quan về nguồn cung robusta thế giới.

Trong báo cáo tháng 6, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo hạn hán sẽ làm giảm 8,4% sản lượng cà phê của Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ, xuống còn tổng cộng 42,45 triệu bao (1 bao = 60 kg), mức thấp nhất trong vòng 5 năm. Ba nước châu Á này chiếm khoảng 30% tổng sản lượng cà phê toàn cầu, còn nếu tính riêng robusta thì chiếm khoảng 60% sản lượng toàn cầu.

USDA dự báo sản lượng robusta thế giới sẽ giảm gần 5,4 triệu bao xuống mức thấp nhất 5 năm là 61,6 triệu bao, do sản lượng sụt giảm ở ba nước trên cộng thêm Brazil và Uganda.

USDA dự báo sản lượng của Việt Nam sẽ giảm 2 triệu bao xuống 27,3 triệu bao; của Brazil sẽ giảm 1,2 triệu bao xuống mức thấp nhất 7 năm là 12,1 triệu bao; của Indonesia sẽ giảm 1,8 triệu bao xuống 10 triệu bao; của Ấn Độ sẽ giảm 8% xuống 5,33 triệu bao.

Theo USDA, tồn trữ cà phê thế giới sẽ giảm năm thứ 2 liên tiếp và xuống mức thấp nhất kể từ niên vụ 2011/12.

Rabobank tháng 6 cũng đã nâng dự báo về thiếu hụt cà phê toàn cầu trong niên vụ tới do yếu tố thời tiết, theo đó thị trường sẽ thiếu 4,6 triệu bao (tăng so với mức 1,3 triệu bao dự báo trước khi hạn hán). Theo Rabobank, hạn không chỉ ảnh hưởng tới mùa màng của các những nước trên, mà cả ở Thái Lan và Lào.

Vân Chi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên