MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cà phê thế giới tiêu cực, giá cà phê trong nước giảm xuống mức thấp nhất 30 tháng

16-09-2018 - 08:14 AM | Thị trường

Người ta đang lo ngại giá cà phê sẽ tiếp tục giảm sâu hơn nữa bởi áp lực đến từ mọi phía.

Kết thúc phiên giao biến cuối tuần 37 của năm 2018 (tuần đến ngày 14/9), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 11 giảm thêm 11 USD, tức giảm 0,73% xuống ở mức 1.489 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 1/2019 cũng giảm thêm 11 USD, tức giảm 0,73%, xuống còn 1.497 USD và kỳ hạn giao tháng 3/2019 giảm thêm 10 USD, tức giảm 66%, xuống còn 1.516 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì khá thấp dưới mức trung bình. Giá kỳ hạn London về đứng ở mức thấp 30 tháng.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 giảm thêm 0,95 cent, tức giảm 0,94% xuống ở mức 99,7 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2019 giảm thêm 0,9 cent, tức giảm 0,86%, xuống ở mức 103,15 cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng lên khá cao trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm thêm 200 đồng, xuống dao động trong khung 32.200 – 32.600 đồng/kg, cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2016.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, xuống ở mức 1.417 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 70 – 80 USD theo giá kỳ hạn tháng 1/2019 tại London .

USD vẫn vững chắc trong rổ tiền tệ mạnh, trong khi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất USD thêm lần nữa trong phiên họp chính sách sắp tới vào cuối tháng, đã đẩy tỷ giá đồng tiền của các thị trường mới nổi giảm sâu hơn nữa, nhất là đồng tiền của các nước sản xuất cà phê chính như đồng Reais của Brasil, Rupiah của Indonesia, Rupee Ấn Độ… đã gây bất lợi cho giá cà phê thế giới nói chung.

Theo các nhà quan sát thị trường cà phê các nước Mỹ La-tinh, yếu tố tiền tệ kết hợp với vụ mùa năm nay vượt mức kỳ vọng đã thúc đẩy đầu cơ và quỹ trên các thị trường cà phê kỳ hạn không ngừng gia tăng bán ròng cho dù khối lượng bán ròng hiện tại đã vượt mức kỷ lục. Do đó, có khả năng đưa giá cà phê kỳ hạn trên sàn New York về mức 2 con số, thậm chí không loại trừ khả năng xuống dưới mức 90 cent/lb nếu tỷ giá tiếp tục đà giảm theo xu hướng hiện nay.

Áp lực giá giảm đã thúc đẩy các tổ chức cà phê ở các nước sản xuất chính phối hợp cùng nhau để tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ nông dân cà phê nước mình vượt qua khó khăn của giá cả suy yếu hiện hành.

Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) mới nhất từ sàn New York cho thấy, tính đến ngày 04/9, đầu cơ phi thương mại đã tăng lượng bán ròng ngắn hạn thêm 3,4% lên đăng ký bán ròng ở 105.336 lô, tương đương 29.862.289 bao và có khả năng chỉ thay đổi chút ít sau những ngày thương mại có phần tích cực vừa qua.

Báo cáo CFTC mới nhất từ sàn London cho thấy, tính đến cùng kỳ, đầu cơ phi thương mại đã tăng lượng bán ròng ngắn hạn thêm 6,55% lên đăng ký bán ròng ở 36.340 lô, tương đương 6.056.667 bao và có khả năng tăng thêm một chút sau những ngày thương mại có phần tiêu cực vừa qua.

Thị trường cà phê kỳ hạn tiếp tục xu hướng tiêu cực không ngoài áp lực nguồn cung dồi dào từ các nước sản xuất chính.

Hiệp hội Xuất khẩu Cà phê (Cecafé) Brasil báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 8 tăng mạnh so với tháng trước, đạt tổng cộng 3.067.000 bao cà phê các loại, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm trước, trở thành tháng xuất khẩu cà phê đạt con số cao nhất trong vòng hai năm qua.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, con số xuất khẩu tháng này tăng cao chủ yếu là do nhà xuất khẩu Brasil thực hiện các hợp đồng giao sau và bù đắp những tháng gối vụ xuất khẩu giảm theo truyền thống vì bận rộn mùa thu hoạch.

Theo Báo cáo Thương mại tháng Tám của Tổ chức Cà phê Quốc tế (International Coffee Organization – ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 7/2018 đạt tổng cộng 10,11 triệu bao, tăng 4,66% so với tháng 7/2017. Nguyên nhân tăng là do các nước sản xuất chính đều xuất khẩu tăng. Được biết, số liệu của ICO là tổng hợp dữ liệu báo cáo của các quốc gia thành viên và thường phải bổ sung, điều chỉnh vài lần mới ổn định.

Báo cáo dữ liệu sơ bộ tháng 8/2018 của Tổng cục Hải Quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu cà phê trong tháng đạt 153.300 tấn (tương đương 2.550.000 bao, bao 60kg) cà phê các loại, tăng 15,46% so với xuất khẩu tháng trước nhưng lại tăng tới 59,48% so với cùng kỳ năm trước, dẫn tới xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2018 đạt tổng cộng 22,11 triệu bao, tăng 16,53% so với 8 tháng đầu năm 2017.

Tính chung 11 tháng đầu niên vụ cà phê 2017/2018, Việt Nam đã xuất khẩu đạt tổng cộng 1.674.423 tấn (tương đương 27,91 triệu bao, bao 60kg), tăng 17,52% so với cùng kỳ niên vụ cà phê 2016/2017. Hứa hẹn khả năng khối lượng xuất khẩu cà phê toàn niên vụ 2017/2018 hiện tại của Việt Nam sẽ lập mốc kỷ lục xuất khẩu mới.

Báo cáo tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính đến thứ Hai ngày 10/9 đã tăng thêm 1.950 tấn, tức tăng 2,61% so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký ở mức 76.540 tấn (tương đương 1.275.667 bao, bao 60 kg).

Báo cáo tồn kho cà phê Arabica được sở hàng hóa New York cấp chứng nhận đã tăng thêm 11.390 bao hôm thứ Năm 13/9, lên đăng ký ở 2.298.706 bao (tương đương 137.992 tấn), và có 142.308 bao đăng ký chờ được phân loại để cấp phát.

Vụ mùa cà phê Robusta mới năm nay ở Việt Nam sẽ bắt đầu thu hoạch trong khoảng 5 – 6 tuần nữa.

Theo Anh Văn

Giacaphe

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên