Giá cà phê vượt mốc 37 triệu đồng/tấn, nông dân Tây Nguyên phấn khởi chuẩn bị bước vào thu hoạch vụ mới
Giá cà phê đã bất ngờ tăng vọt suốt từ đầu tháng 10 tới nay
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai 15/10, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục đà hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 11 tăng thêm 25 USD, tức tăng 1,46% lên mức 1.738 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 1/2019 tăng thêm 27 USD, tức tăng 1,57% lên mức 1.652 USD và kỳ hạn giao tháng 3/2019 tăng thêm 26 USD, tức tăng 1,49% lên mức 1.767 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng cùng xu hướng hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 tăng thêm 2,8 cent, tức tăng 2,4% lên mức 119,35 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2019 tăng thêm 2,85 cent, tức tăng 2,37% lên mức 122,95 cent/lb. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay 16/10 tăng thêm 400 – 500 đồng/kg, lên dao động trong khung 36,6 – 37,3 triệu đồng/tấn.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.667 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi dãn ra 90 – 100 USD theo giá kỳ hạn tháng 3/2019 tại London .
Cả hai thị trường cà phê kỳ hạn quốc tế tăng tốc ngay từ đầu phiên, tiếp nối đà tăng giá của hai tuần trước trong bối cảnh thị trường chứng khoán quốc tế vừa có một tuần suy giảm tồi tệ sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới bớt 0,2 điểm %.
Sau kỳ nghỉ Lễ Mừng Đức Mẹ Aparecida, bổn mạng của quốc gia Công giáo lớn nhất thế giới, thị trường cà phê Brasil cũng tăng tốc ngay từ đầu phiên tuy rằng họ bán ra hết sức nhỏ giọt với kỳ vọng giá cà phê sẽ hồi phục thêm nữa.
Đồng Reais tiếp tục đà hồi phục, tỷ giá tăng thêm 1,25% lên mức 1 USD đổi 3,7353 Reais. Trong khi USD yếu trở lại đã thúc đẩy nhà đầu tư tăng mua, giúp giá vàng, giá cà phê tăng mạnh trong bối cảnh các quỹ đầu tư ngắn hạn đã bị chìm trong sắc đỏ suốt cả tuần qua và dự kiến sẽ còn kéo dài trong tuần này.
Liên đoàn Cà phê Quốc gia (FNC) Colombia báo cáo sản lượng cà phê tháng 9, chủ yếu là cà phê Arabica chế biến ướt, chỉ đạt 1,05 triệu bao, giảm 14,49% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, sản lượng toàn niên vụ cà phê 2017/2018 chỉ đạt tổng cộng 13,99 triệu bao, giảm 4,40% so với niên vụ cà phê 2016/2017 trước đó.
FNC cũng báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 9 đạt 1,104 triệu bao, giảm 2,81% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, xuất khẩu toàn niên vụ cà phê 2017/2018 đạt tổng cộng 12,956 triệu bao, giảm 3,91% so với xuất khẩu của niên vụ cà phê trước đó.
Hiệp hội các nhà Xuất khẩu Cà phê Brasil, thường gọi tắt là Cecafé, đã lưu ý xuất khẩu cà phê tháng 9 tuy tăng 27% so với cùng kỳ năm trước lên đạt 2,73 triệu bao nhưng có thể xuất khẩu nhiều hơn nữa nếu không xảy ra tình trạng thiếu container vận chuyển và điều này khiến cho hàng cà phê giao theo hợp đồng tháng 9 bị trì trễ.
Trong khi đó, Hiệp hội Xuất khẩu Cà phê Ấn Độ cho rằng họ không thể duy trì thị phần của mình do xuất khẩu niên vụ cà phê 2018/2019 có khả năng thiếu hụt tới 30%, sau những trận mưa lũ tàn phá các bang trồng cà phê chính ở phía tây nam Ấn Độ hồi giữa tháng 8.
Báo cáo thương mại tháng 9 của Indonesia cho thấy xuất khẩu tháng này chỉ đạt 167.641 bao, giảm tới 50,96% so với cùng kỳ, dẫn tới xuất khẩu cà phê toàn niên vụ 2017/2018 chỉ đạt tổng cộng 1.602.292 bao, giảm mạnh tới 65,24% so với niên vụ cà phê trước đó. Trong khi Indonesia vừa thu hoạch vụ mùa đạt sản lượng cao, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vào khoảng 11,1 triệu bao, thì đây là kết quả rất bất ngờ. Theo các nhà quan sát, cho dù đồng Rupiah "mất giá trầm trọng" nhưng các nhà xuất khẩu Indonesia vẫn bán hàng nhỏ giọt khi giá tham chiếu tại sàn London xuống quá thấp và họ yêu cầu khách mua cà phê Lampung loại 4 phải trả thêm có lúc lên tới hơn 100 USD/tấn so với giá kỳ hạn.
Trái lại, báo cáo dữ liệu sơ bộ tháng 9 của Hải Quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu cà phê trong tháng này đạt 2,01 triệu bao, giảm tới 21,29% so với tháng trước nhưng vẫn cao hơn 50,93% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, xuất khẩu toàn niên vụ cà phê 2017/2018 đạt tổng cộng 29,92 triệu bao, ước tính là con số xuất khẩu kỷ lục. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng rất có khả năng Việt Nam xuất khẩu kỷ lục sẽ dẫn tới tồn kho gối vụ cạn kiệt, trong khi hàng vụ mới phải tới tháng 12 mới được đưa ra thị trường. Việt Nam hết hàng, Indonesia bán chậm, Brasil có khoảng 4 – 5 triệu bao Conilon Robusta dành cho xuất khẩu sẽ chiếm lĩnh thị trường… Nên nhớ, thương nhân Brasil rất có kinh nghiệm bán hàng và cà phê Conilon của họ có giá rất cạnh tranh, trong khi họ vẫn kỳ vọng vào sự khôi phục kinh tế sau bầu cử tổng thống mới và đồng Reais mạnh trở lại.
Tất nhiên còn có nhiều yếu tố khác nữa, nhưng giá cà phê bất ngờ tăng vọt kể từ đầu tháng 10 hứa hẹn sẽ còn nhiều điều bất ngờ, trong khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc hầu như không có tín hiệu cho thấy giảm bớt. Tổng thống Mỹ D.Trump cũng vừa than phiền việc Fed tăng lãi suất USD quá nhanh.
Nông dân cà phê Tây Nguyên đã sẵn sàng bắt tay vào thu hoạch vụ mùa Robusta mới, trong khi một số diện tích trồng cà phê Arabica ở phía Bắc đã thu hoạch trước đó.