MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long "đảo chiều"

12-04-2019 - 09:18 AM | Thị trường

Từ đầu năm đến nay, giá cá tra đảo chiều, liên tục giảm đụng sàn, có nguy cơ "sập sàn"...

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2018, ngành hàng cá tra đã đột phá lớn, thắng lợi trọn vẹn từ nuôi, thu mua, chế biến xuất khẩu, nâng cao chất lượng, giá cả tăng vọt, thị trường mở rộng. Nhưng từ đầu năm đến nay, giá cá tra đảo chiều, liên tục giảm đụng sàn, có nguy cơ "sập sàn".

Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2018 thả nuôi cá tra trên diện tích 5.400 ha (tăng 3,25% so năm 2017), sản lượng đạt 1,42 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 2,26 tỷ USD.

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất khẩu thủy sản Nam Việt, ông Doãn Tới cho biết, việc Mỹ công nhận Việt Nam đủ điều kiện tương đương xuất khẩu cá da trơn vào thị trường này đã tác động lớn đến ngành hàng cá tra Việt Nam.

Năm 2018, Mỹ vượt qua Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu nhập khẩu cá tra Việt Nam, đạt giá trị 549,45 triệu USD (tăng 59,5% so 2917); thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đứng thứ 2 với kim ngạch 528,6 triệu USD (tăng 28,7% so 2017); thị trường EU đứng thứ 3 với kim ngạch 243,95 triệu USD (tăng 20,2% so 2017); thị trường ASEAN đứng thứ 4 với kim ngạch 194 triệu USD (tăng 43,1% so 2017).

Giá cá tra nguyên liệu năm 2018 tăng lên đến đỉnh 36.000 đồng/kg, người nuôi cá lãi đậm, bình quân 10 000 đồng/kg. Cơn sốt nuôi cá tra rầm rộ quay trở lại. Lợi nhuận từ nuôi cá tra không chỉ cuốn hút nông dân mà còn các thành phần xã hội khác từ công chức các ban ngành, cán bộ ngân hàng đến đại lý vật tư nông nghiệp, thuốc thú y - thủy sản, chủ tiệm vàng...

Diện tích nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh nhất ở các tỉnh Long An, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng. Trong đó tại Long An có dự án  hàng ngàn ha nuôi cá tra thịt, cá tra giống. Ước tính, toàn vùng có hơn 20% diện tích nuôi cá tra tự phát.

Diện tích nuôi cá tra tăng mạnh, nguồn cung cá giống thiếu hụt đã kéo giá cá giống tăng nhanh, bình quân 65.000 đồng/kg (loại 30 con/kg), có lúc người nuôi phải mua với giá 72.000 đồng/kg.

Tại Long An, nhà nhà đổ xô đào ao nuôi cá giống. Diện tích nuôi cá giống của tỉnh này tăng lên trên 1.000 ha, trong khi nhu cầu con giống trong tỉnh chỉ 600 ha. Giá tăng cao nhưng chất lượng con giống lại kém, tỷ lệ hao hụt cao, bình quân chỉ 10-20% cá giống sống sót lớn thành cá tra thương phẩm. Các chi phí khác trong nuôi cá cũng tăng.

Trước khí thế thắng lợi toàn diện của năm 2018, tại Hội nghị Triển khai kế hoạch sản xuất và xuất khẩu cá tra năm 2019 tổ chức tại An Giang vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và ngành thủy sản đề ra mục tiêu cho năm 2019 sản lượng cá tra đạt 1,5 triệu tấn (tăng 6,6% so năm 2018), kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD (tăng 12% so 2018).

Hai tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 284 triệu USD, tăng 8% so cùng kỳ 2018. Ước tính sản lượng cá tra quí 1/2019 sẽ đạt 240.000 tấn, tăng 4,3% so cùng kỳ 2018.

Thế nhưng từ đầu năm đến nay, giá cá tra đảo chiều, liên tục giảm đụng sàn, có nguy cơ "sập sàn". Hiện nông dân nuôi cá chỉ bán được với giá 23.000 - 24.000 đồng/kg, giảm trên 10.000 đồng/kg so cuối năm 2018. Với giá này người nuôi hòa vốn, đứng trước nguy cơ thua lỗ nếu giá cá tiếp tục giảm.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá cá tra giảm do nguồn cung tăng trong khi đơn hàng xuất khẩu ở mức thấp. Doanh nghiệp giảm mua cá nguyên liệu, tập trung giao đơn hàng còn tồn đọng trước Tết Nguyên đán. Giá cá rớt đụng sàn, nông dân mất bình tỉnh bán tháo cá nguyên liệu khiến cho tình hình càng thêm phức tạp, nhất là đối với 20% số hộ nuôi tự phát.

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), năm 2019, xuất khẩu cá tra đối mặt nhiều thách thức. Giá cá tra thương phẩm giảm trong khi giá thành sản xuất tăng.

Tại một số thị trường, cá tra bị truyền thông bôi nhọ gây khó cho xuất khẩu. Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính, chuyển dịch từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, việc kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt hơn gây khó cho doanh nghiệp.

Dự báo sau 3-4 năm nữa, sản lượng cá tra sẽ còn tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thị trường biến động. Hiện Trung Quốc đã tổ chức nuôi cá tra đáp ứng phần nào nhu cầu trong nước. VINAPA kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại mở rộng thị trường trong, ngoài nước. Tập trung phát triển các thị trường sẵn có, đặc biệt là 4 thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN với thị phần chiếm 50-60%.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, ngành hàng cá tra tăng trưỏng liên tục 3 năm trở lại đây, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao, trong khi chất lượng con giống kém.

Trong bối cảnh đó, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần đánh giá thực trạng liên kết chuỗi ở địa phương, có giải pháp vận động người nuôi tham gia chuỗi. Kiểm soát qui hoạch, không để tình trạng ươm nuôi vượt tầm kiểm soát. Có giải pháp nâng cao chất lượng con giống theo hướng nhà nước và nhân dân cùng làm...

Theo Hoàng Tuấn

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên