MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gia Cát Lượng qua đời, cả Thục Hán để tang, chỉ một người reo hò ăn mừng: Lưu Thiện lập tức xử tử, đó là ai?

17-05-2023 - 07:13 AM | Sống

Gia Cát Lượng qua đời khiến Thục Hán chịu tổn thất lớn. Hậu chủ Lưu Thiện và bá quan văn võ cùng người dân vô cùng đau lòng. Vì sao lại có một người đàn ông vui vẻ ăn mừng? Người này rốt cục là ai?

Gia Cát Lượng là thừa tướng, công thần khai quốc của nhà Thục Hán. Ông đã giúp Lưu Bị gây dựng nên nhà Thục Hán, đồng thời hình thành nên thế chân vạc thời Tam Quốc, và liên minh Thục – Ngô để chống Ngụy. Lúc sinh thời, Gia Cát Lượng được đánh giá là một trong những nhân tài, chiến lược gia xuất sắc nhất thời Tam Quốc.

Không những được đánh giá có tài năng "xuất quỷ nhập thần", Gia Cát Lượng còn nổi tiếng trong thiên hạ với tấm lòng tận trung báo quốc, đúng như câu nói "cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi".

Gia Cát Lượng qua đời, cả Thục Hán để tang, chỉ một người reo hò ăn mừng: Lưu Thiện lập tức xử tử, đó là ai? - Ảnh 1.

Gia Cát Lượng cả đời hết lòng vì Lưu Bị và nhà Thục Hán.

Vào tháng 8 năm 234, sau 5 chiến dịch Bắc phạt của nhà Thục Hán, Gia Cát Lượng bị bệnh nặng và qua đời tại gò Ngũ Trượng, thọ 54 tuổi. Khi nghe tin thừa tướng Gia Cát Lượng đã mất ở nơi tiền tuyến, Hậu chủ Lưu Thiên vô cùng đau lòng, khóc lóc không thôi. Lưu Thiện xuống chiếu truy tặng ấn thụ Vũ Hương hầu và đặt tên thụy cho Gia Cát Lượng là Trung Vũ hầu. Gia Cát Lượng được chôn tại núi Định Quân (ở vùng Hán Trung) theo đúng với di nguyện. Mộ phần chỉ đủ chứa quan tài, liệm bằng quần áo bình thường và đặc biệt là không chôn theo bất cứ tài sản gì.

Gia Cát Lượng vừa qua đời, cả Thục Hán chìm trong không khí tang thương, ai cũng thương tiếc vị thừa tướng tài hoa, hết lòng vì đất nước. Tuy nhiên, trong triều đình Thục Hán lại có người vui mừng trước sự ra đi của Gia Cát Lượng. Người này là Lý Mạc, thủ hạ cũ dưới trướng của Ích Châu mục Lưu Chương, đồng thời là một viên quan của nhà Thục Hán từng được Gia Cát Lượng cứu giúp.

Gia Cát Lượng qua đời, cả Thục Hán để tang, chỉ một người reo hò ăn mừng: Lưu Thiện lập tức xử tử, đó là ai? - Ảnh 2.

Lý Mạc là người duy nhất ở Thục Hán vui mừng sau khi Gia Cát Lượng qua đời.

Lý Mạc là người huyện Thê, quận Quảng Hán (thuộc Ích Châu). Lý Mạc là anh em của Lý Triều và Lý Thiệu, hai vị quan nổi tiếng tài hoa của nhà Thục Hán. Tuy nhiên, Lý Mạc lại nổi tiếng là kẻ nói năng ngông cuồng trong triều.

Trong khi Hậu chủ Lưu Thiện quyết định mặc áo trắng để tang ba ngày sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Lý Mạc lại dâng sớ lên cho Lưu Thiện và cho rằng việc Gia Cát Lượng nắm đại quyền trong tay giống như "hổ dữ sói rình". Do đó, nay Gia Cát Lượng đã chết thì mọi người ở Thục Hán phải mừng chứ không nên lo buồn. 

Bài sớ này chẳng khác nào phủ nhận những đóng góp to lớn của Gia Cát Lượng đối với nhà Thục Hán. Sau khi nghe xong, Lưu Thiện nổi giận, khép vào tội làm nhục thừa tướng và quyết định hạ ngục Lý Mạc. Chẳng bao lâu sau, vị quan này cũng bị giết chết. Chức An Hán tướng quân của Lý Mạc sau đó đã được giao lại cho Vương Bình.

Lý Mạc luôn cho rằng việc Gia Cát Lượng phát động Bắc phạt khiến Thục Hán tiêu tốn nguồn lực. Tuy nhiên, chiến dịch này đã được sự cho phép và ủng hộ từ phía Hậu chủ Lưu Thiện. Mặc dù chiến dịch Bắc phạt do Gia Cát Lượng phát động chưa đem lại được các thành tựu như mong muốn cho Thục Hán, nhưng thể hiện sự nhìn xa trông rộng của vị thừa tướng tài ba này. Vì vậy, những lời lẽ trên của Lý Mạc chẳng khác nào là vu khống, gây chia rẽ nội bộ.

Gia Cát Lượng qua đời, cả Thục Hán để tang, chỉ một người reo hò ăn mừng: Lưu Thiện lập tức xử tử, đó là ai? - Ảnh 3.

Gia Cát Lượng từng xin tha mạng cho Lý Mạc.

Lúc sinh thời, Lý Mạc từng cả gan chỉ trích gay gắt Lưu Bị về việc đọa Ích Châu từ tay Lưu Chương vào năm 214. Lúc bấy giờ, quan chấp pháp muốn giết Lý Mạc, nhưng nhờ Gia Cát Lượng xin giúp nên vị quan này được tha.

Tuy nhiên, sau 20 năm, may mắn đã không lặp lại. Lý Mạc có lẽ cũng không ngờ mất mạng vì những lời mỉa mai một người vừa qua đời, đó là Gia Cát Lượng, vị thừa tướng được cả Thục Hán yêu mến và kính trọng.

Vậy, câu hỏi đặt ra rằng tại sao Lý Mạc lại tỏ ra vui mừng và dâng sớ nói xấu Gia Cát Lượng?

Hóa ra việc làm kỳ lạ này xuất phát từ 3 nguyên nhân.

Vì sao có kẻ cả gan nói xấu Gia Cát Lượng khi ông vừa qua đời?

Thứ nhất, do tính cách. Lý Mạc tuy cũng có tài nhưng là người tính tình bộc trực, thẳng thắn. Nhược điểm lớn nhất của Lý Mạc chính là khoác lác, nói năng ngông cuồng, không biết lựa thời, gây chia rẽ nội bộ. Việc nói năng dẫn tới họa sát thân không phải là lần đầu đối với viên quan họ Lý này. 

Trước đó, năm 214, sau khi Lưu Bị chiếm lĩnh Ích Châu, Lý Mạc đã chỉ trích gay gắt vị quân chủ này. Khi Lưu Bị hỏi lại: "Biết không hợp lý, vì sao ngài không giúp đỡ ông ấy (Lưu Chương)?". Tuy nhiên, Lý Mạc lại đáp rằng: "Chẳng phải không dám, vì lực chẳng đủ đấy thôi". Lúc bấy giờ, nếu như không có Gia Cát Lượng xin giúp thì Lý Mạc chắc chắn sẽ mất mạng.

Gia Cát Lượng qua đời, cả Thục Hán để tang, chỉ một người reo hò ăn mừng: Lưu Thiện lập tức xử tử, đó là ai? - Ảnh 4.

Gia Cát Lượng buộc phải xử tử Mã Tắc sau khi Nhai Đình bị thất thủ.

Thứ hai, Lý Mạc có oán hận với Gia Cát Lượng.

Vào năm 228, trong cuộc Bắc phạt lần thứ nhất do Gia Cát Lượng phát động, vì sai lầm của Mắc Tắc khiến quân Thục Hán bại trận ở Nhai Đình. Sai lầm này cũng khiến chiến dịch này thất bại. Khi Gia Cát Lượng muốn xử tử Mã Tắc, Lý Mạc lúc đó lấy chuyện Bách Lý thị nước Tần, Thành Đắc Thần nước Sở, để khuyên can thừa tướng không nên giết nhân tài. Tuy nhiên, Gia Cát Lượng không nghe theo và nhất quyết xử tử Mã Tắc.

Sở dĩ Gia Cát Lượng đành "nuốt nước mắt" phải xử Mã Tắc nhằm ổn định sĩ khí, giữ nghiêm quân pháp, ổn định cục diện trong triều và xoa dịu lòng dân. Trong khi đó, Lý Mạc lại không thể nhìn rõ tình hình, ra sức ngăn cản và nảy sinh lòng oán hận với Gia Cát Lượng.

Gia Cát Lượng qua đời, cả Thục Hán để tang, chỉ một người reo hò ăn mừng: Lưu Thiện lập tức xử tử, đó là ai? - Ảnh 5.

Sau khi Lưu Bị qua đời, Gia Cát Lượng hết lòng phò tá Lưu Thiện và nhà Thục Hán.

Thứ ba, tranh chấp bè phái trong triều. Kể từ khi Lưu Bị chiếm giữu Ích Châu (năm 214)  đã xảy ra tranh chấp giữa ba phe, bao gồm phía quan chức, thế lực địa phương ở Kinh Châu, Ích Châu và Thành Đô của Thục Hán.

Trên thực tế, các thế lực quan lại, địa chủ ở Ích Châu luôn phản đối chiến dịch Bắc phạt của Gia Cát Lượng. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến Lý Mạc, người từng là thuộc hạ của Lưu Chương, luôn tỏ ra phản đối và bất mãn với Gia Cát Lượng.

Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Baidu

Theo Minh Hằng

Thể thao & văn hóa

Trở lên trên