Gia chủ rao bán homestay 7 tỷ, 3 tháng sau tăng lên 9 tỷ, thấy khách thiện chí quyết tăng thêm 2 tỷ đồng
“Chắc tiền như lá đa nên gia chủ mới có thể tăng giá nhanh chóng và bất chấp như vậy”, đó là chia sẻ của một khách hàng sau trải nghiệm tìm mua homestay.
Chị N.N (Hà Nội) kể, cách đây hơn 1 tháng, gia đình chị lên kế hoạch tìm kiếm homestay nhỏ tại vùng ven Hà Nội. Sau những tháng ngày ảnh hưởng bởi dịch bệnh, gia đình chị đều yêu thích một không gian nghỉ dưỡng giữa núi rừng.
Để dễ dàng tìm kiếm những căn homestay đẹp và tiết kiệm thời gian, chị N. lựa chọn đi qua môi giới. Sau đó, chị N. được một bạn môi giới giới thiệu cho căn homestay với diện tích gần 2000m2 trong đó có 250m2 đất thổ. Diện tích còn lại là đất vườn. Mức giá mà môi giới thông báo là 9 tỷ đồng.
(Ảnh minh hoạ)
"Khi xem trực diện căn homestay, tôi thấy rất ưng vì thiết kế đẹp, chất lượng công trình còn mới. Vị trí giao thông dễ dàng kết nối với đường lớn. Thú thực gia đình tôi đều thích vì từ căn homestay có thể view ra không gian núi rừng. Mức tài chính dù cao hơn so với dự tính nhưng gia đình tôi xác định sẽ vay mượn thêm", chị N. chia sẻ.
Cứ tưởng có thiện chí mua thì người bán cũng sẽ nhanh chóng chuyển nhượng, chị N. nhanh chóng quyết mua và nhờ môi giới sắp xếp lịch hẹn trực tiếp với chủ nhà để kiểm tra sổ đỏ, thương lượng mức giá và đưa ra hình thức thanh toán.
Sau hơn 1 ngày thông tin đến môi giới, chị N. nhận được phản hồi: "Đã không còn mức giá 9 tỷ, chủ homestay tăng thành 11 tỷ đồng". Khi thắc mắc về mức giá sau lại tăng quá nhanh chỉ trong ít ngày, môi giới chỉ giải thích: "Có thể gia chủ đang muốn giữ lại nên họ tăng giá đột ngột".
Vừa ngạc nhiên vừa bất ngờ khi căn homestay được đẩy giá thêm 2 tỷ đồng chỉ trong vòng 5 ngày, kể từ lúc chị T. nắm được thông tin, đi xem và phản hồi lại với môi giới. "Giá đất vùng ven quả thực là tăng gấp nhiều lần trong những năm gần đây. Nếu tăng vài trăm triệu thì có thể xảy ra nếu sốt. Nhưng thời điểm dịch bệnh như hiện tại, giá mà gia chủ đưa ra tăng tới 2 tỷ đồng khiến tôi thấy khá phi lý.
Vì thích căn homestay, nên chị N. đã chủ động liên hệ để trao đổi lại về mức giá. "Khi tôi gặp chủ nhà, giá mà họ đưa ra là 11 tỷ đồng và không bớt bất kỳ mức nào. Lúc tôi hỏi tại sao lại tăng giá quá nhiều như vậy, gia chủ bảo: Họ suy nghĩ, khó tìm được căn homestay nào đẹp đến như vậy, nên mức giá 11 tỷ là quá rẻ. Chi phí họ đầu tư cho homestay rất nhiều".
"Sau khi tìm hiểu trên diễn đàn và trên website, tôi mới biết được căn homestay này 3 tháng trước rao 7 tỷ đồng. Tức là đến khi tôi mua, họ đã tăng giá homestay lên tới 22%. Và chỉ trong khoảng 1 tuần, họ tiếp tục tăng thêm hơn 20%. Chắc gia chủ nghĩ đất đang rất sốt còn tiền như lá đa nên họ mới có thể tăng giá nhanh chóng và bất chấp như vậy".
Theo chia sẻ của chị N, trong cái rủi cũng có cái may. Nhờ việc gia chủ tăng giá đột ngột, nên chị N. đã kiểm tra lại quy hoạch căn homestay.
"Ban đầu tôi khá sốt sắng, dự tính nếu chủ homestay "chốt" bán, tôi sẽ cọc tiền sớm. Tôi cũng không nghĩ tới việc kiểm tra lại quy hoạch. Đến sau khi chủ nhà từ chối, tôi mới nhờ bạn bè chuyên đầu tư khu vực này kiểm tra quy hoạch. Hóa ra, homestay này nằm vào khu vực mở rộng quy hoạch đường".
Bài học mà chị N. đưa ra từ trải nghiệm mua căn homestay đầy thú vị này, đó là: "Tốt nhất là dù thích thì vẫn phải bình tĩnh trong mua bán. Khi bình tĩnh thì chủ nhà mới không nghĩ "mình quá ưng" nên họ được thể tăng giá quá đà. Ngoài ra, bình tĩnh mới có thể kiểm tra quy hoạch cẩn thận, sổ đỏ chi tiết cũng như giá cả ban đầu mà gia chủ từng đưa ra. Nếu vội vàng thì nguy cơ tiền mất tiền mang là điều hoàn toàn dễ xảy ra".