MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cổ phiếu ngân hàng nào “bốc hơi” nhiều nhất?

Năm 2016 thông tin về ngân hàng có phần lặng sóng khiến cho giá cổ phiếu ngân hàng không có sức bật dù hoạt động kinh doanh của nhiều ngân hàng đã khởi sắc trở lại.

VCB vẫn là “quán quân tạo sóng”

Đầu năm 2016, BizLIVE đã có một bài viết về cổ phiếu ngân hàng năm 2016 và dự đoán cổ phiếu ngân hàng VCB có là quán quân tăng giá? Cho đến thời điểm tháng 11/2016 qua những phiên giao dịch của thị trường, VCB đã tạo được những con sóng bất ngờ cho nhà đầu tư và cổ đông khi giá cổ phiếu VCB có phiên lên tới 57.000 đồng/cổ phần vào những ngày cuối tháng 8/2016. Tuy nhiên, cổ đông của VCB cũng lại toát mồ hôi khi ngay sau khi lên đỉnh thì mã cổ phiếu này quay đầu giảm mạnh về mức 35.000 đồng/cổ phấn, giảm tới gần 40%.

Giá khởi điểm đầu năm 2016 khoảng 43.000 đồng/cổ phần, giá đáy của VCB là 35.000 đồng/cổ phần, cổ đông của ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank – mã VCB) năm 2016 có nhiều cơ hội kiếm lời khi cổ phiếu VCB đã tạo được nhiều con sóng bất ngờ như thời gian vừa qua.

Dù hiện nay VCB đang được điều chỉnh về mức giá 36.100 đồng/cổ phần thì đây vẫn là cổ phiếu đáng đầu tư nhất trong khối cổ phiếu ngân hàng khi xét từ năm 2014 đến năm 2015 thì giá của VCB đã có những phiên tăng dốc không ngừng nghỉ, đặc biệt là những phiên từ tháng 6/2016 đến tháng 8/2016.

So với đầu năm 2016, giá hiện nay của VCB đã giảm 16%, tuy nhiên năm nay VCB cũng đã lập được đỉnh giá mới so với năm 2015 và trở về mức giá rất cao của thời kỳ thị trường chứng khoán giai đoạn sôi động.

Thông tin về VCB nhận sáp nhập thêm ngân hàng cho đến nay vẫn còn chưa được phía VCB xác nhận.

BID và CTG, ACB – “thuyền to sóng nhỏ”

Cổ phiếu ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển ( BIDV – mã BID) đang được thị trường giao dịch ở mức 16.000 đồng/cổ phiếu, so với giá khởi đầu năm 2016 là 19.100 đồng/cổ phần thì BID đã giảm 15%.

Tuy nhiên, giá đáy của BID trong năm nay tụt về mức 14.800 đồng/cổ phần xuất hiện vào giữa tháng 4.

So với giá năm 2015 khi BID ở mức đỉnh là 26.000 đồng/cổ phần và có những con sóng lên xuống thì năm 2016 giá cổ phiếu BID lình xình, tuy nhiên vẫn cao hơn mức giá bình quân năm 2014 là 11.000 – 12.000 đồng/cổ phần và có lúc về gần bằng mệnh giá.

Cũng giống như BID, giá cổ phiếu ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank – mã CTG) năm 2016 cũng tụt khi dốc giá đỉnh được thiết lập cho đến nay là 18.700 đồng/cổ phần, so với năm 2015 khi mức giá đỉnh lên đến 23.000 đồng/cổ phiếu.

Ở mức giá hiện tại, giá cổ phiếu CTG đang trở về vạch xuất phát giá đầu năm khi đang được giao dịch quanh mức 16.750 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, giá đáy của CTG là 16.000 đồng/cổ phiếu được thiết lập vào tháng 4.

Thực sự sóng cổ phiếu của ngân hàng năm nay yếu và chậm và CTG cũng nằm trong xu thế đó.

Giá cổ phiếu ngân hàng TMCP Á Châu (mã ACB) đang giao dịch ở mức 19.300 đồng/cổ phần thì mức giá này đang trở về giá khởi điểm đầu năm 2016 khi đó đang ở mức 19.700 đồng/cổ phần.

Năm nay, giá cổ phiếu ACB cũng không có gì nổi trội, giữ giá quanh mức 18.000 – 19.000 đồng/cổ phần.

Giá đỉnh năm 2015 lên mức 23.800 đồng/cổ phần và cho đến cuối tháng 11 năm 2016 giá cổ phiếu ACB chưa chạm mốc 20.000 đồng/cổ phần.

MBB – chìm sau "sóng nới room"

MBB là mã cổ phiếu của ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) đã được các nhà đầu tư nước ngoài chú ý ngay từ đầu năm 2016 khi thông tin nới room từ 10% lên mức 20% vang sàn chứng khoán khiến giá cổ phiếu MBB tăng mạnh 20%

Hiện tại, giá của MBB là 13.450 đồng/cổ phiếu và đang quay về mốc giá khởi điểm đầu năm nay là 13.330 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, giá đáy năm nay là 12.900 đồng/cổ phần và giá đỉnh được thiết lập ở mức 14.800 đồng/cổ phần, cho thấy giá cổ phiếu MBB không có nhiều biến động cho đến thời điểm cuối tháng 11/2016.

Cũng như năm 2015, giá cổ phiếu của MBB đã có sóng trở lại nhưng cũng chỉ biến động trong vùng giá 12.000 – 15.000 đồng/cổ phần, đây cũng là mức giá duy trì trong 03 năm trở lại đây của MBB.

4 cổ phiếu ngân hàng dưới mệnh giá

Có lẽ sụt giảm mạnh nhất và lình xình nhất là cổ phiếu ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – mã STB) và Xuất Nhập Khẩu (Exixmbank - mã EIB). Hai ngân hàng chưa thể tổ chức đại hội đồng cổ đông năm 2016 thành công cho đến nay vì chưa giải quyết được vấn đề nội bộ của ngân hàng.

Giá cổ phiếu STB từ lúc sáp nhập PNB giảm thê thảm từ mức 15.000 đồng/cổ phần đầu năm 2015 và tụt dốc từ đó đến nay còn 8.270 đồng/cổ phần (dưới mệnh giá).

Giá chào sàn đầu năm 2016 của STB là 13.100 đồng/cổ phần, đến nay đã bốc hơi 30%.

Điều lạ lùng là dù EIB có nhiều mâu thuẫn giữa các cổ đông lớn, tổng tài sản sụt giảm, lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng nhưng so với mức giá năm 2015 thì mức giá năm 2016 cũng không giảm nhiều, giá lình xình quanh mệnh giá. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 11/2016, EIB đã không cưỡng lại được thị trường khi cổ phiếu đang đổ dốc về dưới mệnh giá, hiện đang giao dịch quanh mốc 9.680 đồng/cổ phần.

Giá mở cửa năm 2016 của EIB ở mức 10.900 đồng/cổ phần, hiện nay EIB đang tạo đáy.

So với mức giá đỉnh năm 2015 là 14.700 đồng/cổ phần thì năm 2016 giá đỉnh của EIB chỉ là 12.900 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, mức giá này cũng là thành công với EIB khi tình trạng ngân hàng này lộn xộn và đến nay vẫn chưa thể giải quyết xong. Cổ đông vẫn dài cổ chờ đợi một kỳ đại hội đồng cổ đông bất thường mà chưa thấy đâu?

Cổ phiếu của ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHBank – mã SHB) đang được nhà đầu tư định giá 5.300 đồng/cổ phần.

SHB đã giao dịch dưới mệnh giá từ năm 2010 đến nay. Giá của SHB lập lại đáy của năm 2012 khi giá rớt xuống 4.600 đồng/cổ phần so với giá đáy năm 2012 là 4.540 đồng/cổ phần. Đây 2012 là năm SHB nhận sáp nhập ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB).

Mặc dù hoạt động của SHB đã khởi sắc (9 tháng đầu năm 2016 lãi hơn 788 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ) nhưng thị trường vẫn chưa đánh giá cao cổ phiếu này khiến giá SHB từ đầu năm 2016 đến nay chỉ lình xình 5.000 – 6.000 đồng/cổ phần.

Giá mở cửa năm 2016 của cổ phiếu ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB – mã NVB) là 6.600 đồng/cổ phần. So với giá giao dịch tính đến nay là 6.000 đồng/cổ phần thì cổ phiếu NVB đã giảm 10%. Giá cổ phiếu NVB không mấy khả quan khi giá cổ phiếu này năm nay tạo đáy là 5.200 đồng/cổ phần, thấp nhất từ khi niêm yết năm 2010 tới nay.

Theo Lan Anh

BIzLIVE

Trở lên trên