Giá cước dự báo còn tăng, loạt cổ phiếu vận tải biển lại đồng loạt tăng trần ngày 9/3
Ngày 9/3/2022, thị trường chứng khoán gần như đi ngang, chỉ số VN-INDEX tăng 0,03 điểm. Tuy nhiên, nhóm ngành vận tải biển vẫn bứt tốc mạnh mẽ với nhiều mã tăng trần.
- 04-03-2022Lỗ nghìn tỷ suốt cả chục năm, loạt công ty vận tải biển hồi sinh theo xu hướng thế giới, cổ phiếu tăng gấp 4-5 lần trong 1 năm và chưa có dấu hiệu dừng lại
- 03-03-2022Tiếp bước dầu khí, than... đến lượt cổ phiếu vận tải biển, logistics nổi sóng sau khi 3 hãng tàu lớn nhất thế giới dừng vận chuyển đến Nga
- 07-01-2022Nhiều tiền để làm gì: Giá cước vận tải biển tăng cao, Hoà Phát mua 3 tàu rời cỡ lớn tự vận hành
Giá cước vận tải biển đã có xu hướng hồi phục sau đà giảm mạnh từ đầu tháng 2 và căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang dự báo cước vận tải biển sẽ tiếp tục tăng trong tháng 3/2022.
Trong ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga còn phía chính phủ Anh thông báo nước này sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay. Tập đoàn Shell của Anh thông báo rút khỏi các dự án ở Nga và sẽ không mua dầu mỏ và khí đốt của nước này.
Tuy liên minh châu Âu (EU) không làm theo nhưng họ đã công bố kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trong vòng 1 năm.
Với sản lượng 10 triệu thùng dầu thô/ngày, Nga hiện đang đáp ứng khoảng 10% nhu cầu toàn cầu và là nhà cung cấp khí tự nhiên lớn nhất của Châu Âu với việc cung cấp gần 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu. Việc các lệnh trừng phạt được áp đặt lên Nga khiến cho lo ngại nguồn cung dầu thô và khí từ Nga bị thu hẹp, khiến cho giá dầu và khí liên tục leo thang.
Hiện tại, dầu Brent đã tăng lên 131 USD/thùng khi Mỹ ban hành lệnh cấm. Dầu WTI cũng tăng lên 127 USD.
Giá dầu leo thang làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp ngành vận tải biển nên giá cước vận tải biển cũng phải điều chỉnh tăng theo.
Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt và trả đũa làm trầm trọng hơn việc gián đoạn chuỗi cung ứng. Gần đây, ba hãng tàu biển lớn nhất thế giới MSC, Maersk, CMA CGM thông báo tạm ngừng vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Nga có thể đẩy giá cước vận tải biển lên cao hơn. Ngày 8/3, giá cước BDI tăng 117 điểm, tương ứng 5,23% lên 2.352.
Bên canh đó, tăng trưởng về xuất nhập khẩu do phục hồi kinh tế và mở cửa giao thương trở lại của các quốc gia trên thế giới tạo ra động lực cho các doanh nghiệp cảng, vận tải biển.
Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Everest, trong 2 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 108.52 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 53.79 tỷ USD, tăng 10.2% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54.73 tỷ USD, tăng 15.9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kết, Cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 937 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1.6 tỷ USD).
Giá cước tăng cao đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Ước tính trong vòng 1 tháng, từ phiên ngày 7/2 đến hết phiên 7/3, giá cổ phiếu VNA của Công ty cổ phần Vận tải Biển Vinaship tăng 87%, tăng cao nhất ngành cảng và vận tải biển. Theo phía sau là VOS của Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam tăng 54%, HAH của Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An tăng 48%. Một số khác cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng là GMD của Công ty cổ phần Gemadept tăng 28% và VSC của CTCP Container Việt Nam tăng 21%. Đặc biệt trong phiên 9/3, hàng loạt mã cổ phiếu nhóm ngành này tăng trần như GMD, VSC, VOS, HAH.