MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá đất hiếm lao dốc

14-07-2023 - 12:02 PM | Thị trường

Giá đất hiếm trong tuần này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020 do nhu cầu của các công ty năng lượng xanh và lĩnh vực ô tô chậm lại kết hợp với nguồn cung tăng từ nhà sản xuất hàng đầu thế giới - Trung Quốc.

Giá đất hiếm lao dốc - Ảnh 1.

Thị trường gần đây đã dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể hạn chế hơn nữa việc xuất khẩu các khoáng sản chiến lược sau khi nước này hạn chế xuất khẩu gecmani và gali vào cuối tháng trước.

Tuy nhiên, giá đất hiếm trên thực tế đang giảm mạnh, phản ánh nhu cầu yếu và nguồn cung dồi dào, trong bối cảnh Trung Quốc hành động để củng cố vị thế thống trị của mình trên thị trường.

Nhà phân tích Dan Morgan của công ty Barrenjoey (ở Sydney) cho biết: “Nhu cầu không quá mạnh và điểm yếu chính là việc lắp đặt tuabin gió.

Ông nói thêm: “Nếu bạn có 90% thị phần về công suất xử lý nam châm (thị phần đất hiếm), thì bạn sẽ có một mức giá vàng để kiếm được tiền lãi khổng lồ, nhưng giá cao lại không khuyến khích bất kỳ ai ở phần còn lại của thế giới gia tăng sử dụng”.

Đất hiếm là một nhóm kim loại có đặc tính từ tính mạnh khiến chúng trở nên quan trọng đối với các lĩnh vực bao gồm xe điện và quốc phòng vì hiệu quả năng lượng mà chúng đem lại.

Giá hợp kim Praseodymium Neodymium tại Trung Quốc đã giảm xuống còn 73,50 USD/kg trong tuần này, mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2020 và giảm hơn 2/3 kể từ tháng 1 năm ngoái, khi giá đạt mức cao nhất trong thập kỷ là 220 USD.

Giá đất hiếm lao dốc - Ảnh 2.

Giá praseodymium Neodymium đang thấp nhất 3 năm.

Theo ông Barrenjoey, khoảng 1/4 nhu cầu đấ hiếm là dành cho xe điện, xe động cơ đốt trong truyền thống, lắp đặt trang trại gió và phần còn lại dành cho một loạt mục đích sử dụng công nghiệp như thang máy hoặc quốc phòng.

Trong khi thị trường xe điện tăng trưởng ổn định, thị trường động cơ đốt trong truyền thống đang phải hứng chịu những trở ngại từ thực trạng kinh tế vĩ mô toàn cầu.

Các nhà phân tích trong ngành cho biết doanh số bán ô tô trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch. Doanh số bán ô tô tại nước tiêu thụ ô tô hàng đầu thế giới - Trung Quốc - đã giảm trong tháng Sáu.

Tương tự, công suất điện gió mới trên toàn cầu vào năm 2022 là 77,6 gigawatt (GW), giảm từ 93,6 GW vào năm 2021, dữ liệu trong các báo cáo hàng năm của Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu cho thấy.

Giá đất hiếm lao dốc - Ảnh 3.

Công suất điện gió mới giảm trong năm 2022.

Nhà phân tích Ross Embleton của Wood Mackenzie (ở London) cho biết một phần lý do khiến Trung Quốc có thể duy trì vị trí thống trị của mình trên thị trường đất hiếm là do nước này đưa ra mức chiết khấu 13% cho các nhà sản xuất nam châm khi xuất khẩu.

"Điều này chỉ có nghĩa là Trung Quốc tự động có lợi thế về chi phí so với các nhà sản xuất khác trên thế giới, vì khi đó, họ khiến mọi người thực sự khó cạnh tranh", ông nói, và thêm rằng: "Trung Quốc có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu đối với việc định giá và điều đó chắc chắn làm giảm khả năng phát triển tiêu thụ khoáng chất này của thế giới bởi vì không phải ai cũng có kinh tế để chịu đựng mức giá 60 - 70 USD/kg."

Ông nói thêm, giá đã tăng kể từ năm 2020 do các đợt phong tỏa của Trung Quốc liên quan đến dịch COVID và đặc biệt là việc đóng cửa biên giới với Myanmar, quốc gia cung cấp phần lớn nguồn dự trữ đất hiếm nặng cho Trung Quốc.

Giá đất hiếm lao dốc - Ảnh 4.

Diễn biến giá đất hiếm trong hơn 2 thập kỷ qua.

Kể từ đó, Trung Quốc đã nỗ lực bình thường hóa chuỗi cung ứng và mở cửa thị trường cho tự do lưu thông nam châm đất hiếm, cải thiện nguồn cung.

Trung Quốc vào tháng 3/2023 đã đặt hạn ngạch cho đợt khai thác đất hiếm đầu tiên vào năm 2023 là 120.000 tấn, tăng khoảng 20% so với năm ngoái trong khi xuất khẩu đất hiếm của nước này trong tháng 6 tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 năm, dữ liệu chính thức cho thấy.

Theo đó, xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc trong tháng 6 đạt 5.009 tấn, tăng 17% so với một năm trước đó, cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020, khi họ xuất khẩu 5.551 tấn.

Dữ liệu của Hải quan Trung Quốc cũng cho thấy xuất khẩu của nhóm 17 loại khoáng sản trong 6 tháng đầu năm 2023 bằng với năm ngoái, ở mức 26.236 tấn.

Giá đất hiếm lao dốc - Ảnh 5.

Sản lượng khai thácc đất hiếm của Trung Quốc.

Đầu năm 2021, Bắc Kinh bắt đầu hạn chế xuất khẩu đất hiếm - nhóm gồm 17 nguyên tố hóa học mà Trung Quốc đang nắm giữ hơn 50% nguồn cung toàn cầu. Mới đây, h ôm 3/7, Bắc Kinh tuyên bố hạn chế xuất khẩu gallium và germanium (gallium thường được sử dụng để sản xuất các hợp chất là vật liệu chính trong chất bán dẫn và điốt phát quang, còn germanium được dùng trong sản xuất sợi quang để truyền ánh sáng và dữ liệu điện tử).

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định bất kỳ hạn chế nào đối với xuất khẩu đất hiếm đều khó xảy ra do việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm đang thúc đẩy những người sử dụng lớn nhất – Mỹ và châu Âu – gia tăng tốc độ khai thác đất hiếm ở những nơi khác bên ngoài Trung Quốc mà Trung Quốc không muốn phá vỡ hoạt động kinh doanh "cực kỳ béo bở" của mình.

Tham khảo: Reuters


Theo Vân Chi

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên