Giá dầu Brent có nguy cơ chỉ còn 65 USD
Giá dầu thô tiếp tục giảm phiên thứ 6 liên tiếp xuống mức thấp nhất 3 tháng. Chỉ trong vòng hơn 10 ngày, giá dầu đã mất 1/10, và đà giảm có thể vẫn chưa dừng lại.
- 19-08-2021Thị trường ngày 19/8: Giá dầu giảm giá phiên thứ 5 liên tiếp, quặng sắt chạm đáy 5 tháng, bông đạt đỉnh 7 năm
- 18-08-2021Vì đâu giá dầu không ngừng lao dốc?
Thị trường dầu mỏ đã chịu áp lực giảm từ vài tuần nay khi số ca nhiễm Covid-19 do virus biến thể Delta gia tăng nhanh trên toàn thế giới. Một số quốc gia đã áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế di chuyển và giao thông đường không đã giảm nhanh chóng trong những tuần gần đây.
Biên bản cuộc họp chính sách 2 ngày (27-28/7) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các quan chức Fed lo ngại sự lan rộng của virus biến thể Delta có thể khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới phải tạm thời trì hoãn việc mở cửa hoàn toàn trở lại và kìm hãm thị trường việc làm của nước này.
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) lúc sáng nay 19/8 theo giờ Việt Nam giảm tiếp 93 US cent (1,4%) xuống 64,53 USD/thùng, trong khi dầu Brent giảm 1,3% xuống 67,38 USD/thùng. Đây là phiên giảm thứ 6 liên tiếp trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và virus biến thể Delta gây xáo trộn toàn cầu.
Cả 2 loại dầu này đều đã mất hơn 5% trong 6 phiên giao dịch gần đây.
Lúc đóng cửa phiên liền trước (18/8), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,13 USD hay 1,7% xuống 65,46 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 21/5. Giá các sản phẩm dầu cũng giảm mạnh, theo đó giá xăng kỳ hạn tháng 9 giảm 0,8% xuống 2,15 USD/gallon; dầu sưởi giao tháng 9 giảm 0,7% xuống 2,02 USD/gallon. Giá dầu thô Brent kết thúc phiên này giảm 80 US cent, tương đương 1,2% xuống 68,23 USD/thùng, cũng là mức thấp nhất kể từ 21/5.
Tính từ cuối tháng 7 đến nay, sau 14 phiên giao dịch, giá dầu đã mất tổng cộng hơn 12%.
Diễn biến giá các loại dầu thô trên thị trường thế giới (Nguồn: Refinitiv)
Cán cân cung - cầu đảo ngược
Trái với lo ngại thiếu cung gần đây, thị trường dầu mỏ đang có dấu hiệu dư thừa nguồn cung khi nhu cầu chậm lại vì virus biến thể Delta, trong khi nguồn cung gia tăng.
"Các nhà đầu tư đã từng lo lắng rằng giá dầu tăng quá cao trong giai đoạn kinh tế hồi phục với niềm lạc quan rằng nhu cầu sẽ tăng vọt về lại mức bình thường. Nhưng giờ đây, các nhà đầu tư buộc phải đánh giá lại những quan điểm lạc quan đó và nhận ra rằng nhu cầu thực sự không cao như vậy ", Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường của ThinkMarkets, cho biết. Ông lưu ý rằng tồn kho dầu mấy tuần gần đây đã không thấp như dự đoán, và đợt tồn kho dầu giảm mạnh đã kết thúc.
Dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm 3,2 triệu thùng xuống 435,5 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm 2020, theo số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ. Tuy nhiên, các kho dự trữ xăng lại tăng nhẹ, thêm 696.000 thùng lên 228,2 triệu thùng, trái ngược so với mức dự đoán của các nhà phân tích là giảm 1,7 triệu thùng, và lượng cung cấp xăng cho thị trường - thước đo nhu cầu - là 9,5 triệu thùng/ngày, chỉ thấp hơn 1% so với mức của năm 2019. Sự gia tăng bất ngờ tồn kho xăng của Mỹ làm dấy lên lo ngại về nhu cầu chậm lại.
Nhu cầu nhiên liệu ở nước tiêu thụ hàng đầu thế giới này đã tăng đều đặn từ đầu năm tới nay, với mức trung bình của 4 tuần qua là 20,8 triệu thùng/ngày, tương đương mức trước khi khủng hoảng Covid-19, năm 2019.
Mặc dù số liệu sản xuất hàng tuần có nhiều biến động, các nhà phân tích lưu ý rằng sản lượng dầu thô của Mỹ tiếp tục tăng ổn định, đạt 11,4 triệu thùng/ngày vào tuần trước.
Điều này diễn ra đúng lúc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, cùng với các đồng minh như Nga, đồng ý tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong vài tháng tới, trả lại một số nguồn cung mà nhóm đã giữ lại kể từ đầu năm 2020.
Al Salazar, Phó chủ tịch phụ trách tình báo của Enverus ở Calgary, cho biết: "Cùng với triển vọng nhu cầu yếu hơn và kết hợp với việc OPEC nói rằng họ sẽ bổ sung, nguồn cung của Mỹ đang bắt đầu tăng lên".
Cơ quan Năng lượng Quốc tế tuần trước cho biết nhu cầu dầu thô thế giới dự kiến sẽ tăng với tốc độ chậm lại trong thời gian còn lại của năm 2021 do virus biến thể Delta khiến số ca nhiễm Covid-19 gia tăng.
Một yếu tố nữa góp phần gây thêm áp lực giảm giá dầu dài hạn, đó là việc cơ quan quản lý khai thác dầu ngoài khơi của Mỹ hôm 18/8 cho biết họ đang nỗ lực để nối lại chương trình cho thuê mỏ dầu khí liên bang, dự kiến sẽ có kết quả sớm sau khi có quyết định kết thúc việc đình chỉ của tòa án.
Triển vọng giá dầu sẽ còn giảm nữa
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA Europe, cho biết: "Giá dầu thô có vẻ sẽ tiếp tục bị tổn thương, giá dầu dự báo sẽ không bứt phá khỏi ngưỡng hỗ trợ từ từ giữa đến cuối mùa Hè này – khoảng 65 USD/thùng đối với dầu WTI và 67 USD đối với dầu Brent".
Theo ông Craig Erlam, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại do nước này áp đặt thêm các hạn chế để đối phó với tình trạng số ca nhiễm Covid-19 gia tăng và một số dữ liệu của Mỹ công bố tuần qua không như kỳ vọng. Những yếu tố này đã và sẽ còn tiếp tục gây áp lực lên thị trường dầu.
Ông Craig Erlam cho rằng: "Nếu không giữ được mốc 65 USD thì giá dầu WTI có thể giảm tiếp xuống 57 - 65 USD như khoảng giá của quý II. Đây sẽ là một mức giảm khá nhiều so với mức chúng tôi đã thấy trong vài tháng qua và chắc chắn phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về sự lan rộng của virus biến thể Delta và những tác động đối với tăng trưởng trong quý IV".
Biểu đồ phân tích kỹ thuật cho thấy giá dầu Brent có thể lùi về 65,98 USD.
Biểu đồ phân tích kỹ thuật giá dầu Brent (Nguồn: Refinitiv)
Tham khảo: Refinitiv, Marketwatch