MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu có thể giảm 47%

22-02-2017 - 14:23 PM | Thị trường

Ngân hàng ABN Amro Bank NV cho rằng giá dầu thô có thể rơi xuống mức 30 USD/thùng, tức giảm hơn 40% so với mức 55-57 USD/thùng hiện nay.

Viễn cảnh này có thể xảy ra nếu Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) không kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng đạt được hồi tháng 11-12/2016.

Ngày 30/11/2016, 14 thành viên OPEC đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng đi 1,2 triệu thùng/ngày. Sau đó 1 tuần, các quốc gia khác, dẫn đầu bởi Nga, đồng ý hợp tác bằng việc cắt giảm gần 600.000 thùng/ngày. Thỏa thuận kéo dài 6 tháng và có hiệu lực từ ngày 1/1.

Nếu tuân thủ 100%, thỏa thuận này sẽ giúp nguồn cung toàn cầu giảm khoảng 2%, giúp cải thiện tiền trạng dư cung trầm trọng diễn ra từ giữa năm 2014 tới nay. Tuy nhiên, thị trường đang tỏ ra quan ngại vào triển vọng tháng 7 – khi thỏa thuận kết thúc.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg ngày 21/2, nhà kinh tế cao cấp Hans van Cleef của ABN Amro dự báo giá dầu có thể rơi xuống đáy 2 năm (khoảng 30 USD/thùng) nếu xu hướng hiện nay không tiếp tục và nguồn cung không được hạn chế.

Ngay sau khi thỏa thuận OPEC công bố cuối năm trước, giá dầu tăng đột biến nhưng hiện nay đang chững lại và dao động trong biên độ nhỏ bởi những lo ngại về sự hồi sinh các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ.

Chính sự bùng nổ của dầu đá phiến Mỹ cách đây 3 năm đã khiến giá dầu thô từ đỉnh 110 USD/thùng rơi xuống còn 26 USD/thùng chỉ trong vòng 20 tháng (từ tháng 7/2014 tới tháng 2/2016). Do đó, nếu người Mỹ quay lại cuộc chơi dầu mỏ, những nỗ lực của OPEC trong thời gian qua có thể biến thành công cốc.

Diễn biến sản lượng của các nước OPEC tham gia thỏa thuận (màu trắng), sản lượng của Mỹ (màu xanh) và tổng sản lượng của Nigeria, Libya (màu tím)
Diễn biến sản lượng của các nước OPEC tham gia thỏa thuận (màu trắng), sản lượng của Mỹ (màu xanh) và tổng sản lượng của Nigeria, Libya (màu tím)

Theo số liệu của Bloomberg, giá dầu WTI giao sau đang có biên độ dao động nhỏ nhất trong giai đoạn 2004-2017 và chỉ số bất ổn của giá dầu Brent đang ở mức thấp nhất trong vòng hơn 2 năm qua.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng tại Mỹ tăng thêm 500.000 thùng/ngày kể từ tháng 10/2016 – tháng cơ sở cho thỏa thuận OPEC. Cũng trong khoảng thời gian này, 11 trong số 14 thành viên OPEC cắt giảm tổng cộng 1,14 triệu thùng/ngày.

Libya và Nigeria mặc dù là thành viên của OPEC nhưng do gián đoạn sản xuất trước đó nên không phải cắt giảm sản lượng. Sản lượng của 2 quốc gia này tăng 220.000 thùng/ngày trong 3 tháng qua.

Với những dấu hiệu cho thấy giá dầu không còn chịu tác động từ thỏa thuận OPEC, ông van Cleef cho rằng những rủi ro đang lớn hơn trước rất nhiều. Tỷ lệ tuân thủ đang đạt khoảng 90% - mức cao nhất lịch sử nên những tác động tích cực từ thỏa thuận này không còn được như trước. Theo nhà kinh tế của ABN Amro, rủi ro đang tới từ sản lượng tăng tại Mỹ và dự trữ ngày càng nhiều.

Theo Thạch Thảo

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên