Giá dầu có thể tăng lên 100 USD/thùng vào năm 2024
Các chiến lược gia của ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo dầu thô Brent có rất nhiều lý do để tăng giá cao hơn nữa vào năm 2024.
- 30-11-2023Tưởng 'cai' thành công, dầu Nga đi đường vòng vẫn chảy ầm ầm vào châu Âu, tất cả là nhờ quốc gia này
- 27-11-2023Giá dầu trượt xuống mức 80 USD/thùng
- 27-11-2023Từng đưa dầu Nga đi khắp muôn nơi, các cứu tinh bất ngờ từ chối ‘giải cứu’ dầu giá rẻ, Nga đứng trước cú sốc mới
Trong một báo cáo mới đây, Goldman Sachs dự đoán giá dầu sẽ giao dịch trong khoảng từ 70 - 100 USD/thùng vào năm tới.
Ngân hàng đưa ra dự báo cao tới 100 USD/thùng do một số rủi ro gián đoạn nguồn cung đang rình rập ở Trung Đông. Trong đó, chính sách và kế hoạch thắt chặt sản xuất của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể là yếu tố chính hỗ trợ giá “vàng đen” vào năm 2024.
Mức dự báo trên có thể tương đương khả năng giá dầu tăng tới 19% trong năm sau. Kết thúc phiên 30/11, giá dầu Brent giao dịch quanh mức 84 USD/thùng.
OPEC cùng các nhà sản xuất lớn ngoài khối (OPEC+) đã nhóm họp vào ngày 30/11 để thảo luận về hoạt động sản xuất dầu. Theo đó, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện ở mức hơn 2 triệu thùng/ngày trong quý I/2024.
Tuy nhiên, trong số trên cắt giảm trên có ít nhất 1,3 triệu thùng/ngày là phần cắt giảm bổ sung tự nguyện mà Saudi Arabia và Nga đã thực hiện.
Theo ông James Davis tại công ty môi giới đầu tư FGE, dựa theo thông báo, mức sản lượng thực tế được cắt giảm thêm chỉ khoảng 600 - 700.000 thùng/ngày so với kế hoạch trong quý IV/2023. Trước đó, các nước OPEC+ cho biết mức cắt giảm bổ sung mới đang được thảo luận lên tới 2 triệu thùng/ngày.
Dù vậy, Goldman Sachs cho biết việc cắt giảm nguồn cung của OPEC có thể tăng cao hơn nếu xung đột leo thang ở Trung Đông. Ví dụ, Iran có thể tham gia nhiều hơn vào xung đột giữa Israel và lực lượng Hồi giáo Hamas. Và nếu quốc gia này quyết định chặn tuyến đường vận chuyển dầu thô quan trọng, điều đó có thể ảnh hưởng đến khoảng 20% nguồn cung dầu của thế giới.
Mỹ cũng có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt chặt chẽ hơn đối với Iran và các nhà sản xuất dầu lớn khác, làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung.
Tác động của sự gián đoạn nguồn cung này có thể hạn chế. Trung Đông hiện chiếm thị phần nhỏ hơn trong nguồn cung dầu của thế giới so với những năm 1970 và 1980, khi những cú sốc về nguồn cung dầu đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng ở Mỹ. Khi đó, OPEC chiếm khoảng 55% nguồn cung dầu thô của thế giới. Ngày nay, khối này chỉ chiếm 35%.
Ngoài ra, xung đột Israel - Hamas tác động không đáng kể đến giá dầu trong năm nay. Giá dầu Brent thực tế đã giảm khoảng 3% trong tháng qua.
Các chiến lược gia cho biết giá dầu không ổn định và có thể tạm thời tăng chỉ vì những lo ngại về khả năng xảy ra gián đoạn. Điều này đã từng xảy ra khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022.
Song các nhà dự báo khác ở Phố Wall vẫn lạc quan về giá dầu trong dài hạn, do tình trạng nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng trong ngành. Goldman Sachs trước đây đã cảnh báo về một “siêu chu kỳ trên thị trường hàng hóa” có thể kéo dài một thập kỷ, với nguồn cung thiếu hụt có thể khiến giá hàng hóa tăng cao.
Báo Tin tức