MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu gần chạm 84 USD, cao nhất 2 tháng

12-01-2022 - 07:23 AM | Thị trường

Giá dầu gần chạm 84 USD, cao nhất 2 tháng

Giá dầu tăng mạnh, gần 4%, trong phiên vừa qua do nguồn cung thắt chặt và kỳ vọng rằng số ca nhiễm virus Covid-19 gia tăng và sự lây lan của biến thể Omicron sẽ không làm chệch hướng hồi phục kinh tế toàn cầu.

Đồng USD yếu đi trong phiên này và tình trạng nguồn cung thiếu hụt cũng góp phần đẩy giá tăng mạnh.

Theo đó, giá dầu Brent trên sàn London tăng 2,85 USD, tương đương 3,5%, lên 83,72 USD/thùng, mức cao nhất kể từ đầu tháng 11. Trong phiên liền trước, giá dầu này đã giảm 2%.

Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kết thúc phiên cũng tăng 2,99 đô la, tương đương 3,8%, chốt ở 81,22 đô la, cũng là mức giá cao nhất kể từ giữa tháng 11. Phiên liền trước, loại dầu này giảm 0,8%.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, cho biết ông hy vọng tác động của Omicron đối với kinh tế sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, đồng thời thêm rằng các quý tiếp theo nền kinh tế có thể sẽ diễn biến rất tích cực sau khi số ca nhiễm biến thể này giảm xuống.

Jeffrey Halley, nhà phân tích thuộc công ty môi giới OANDA cho biết: "Omicron vẫn chưa gây tổn hại giống như sự tàn phá của biến thể Delta và có thể sẽ không bao giờ làm như vậy, nên sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu vẫn đi đúng hướng".

Giá dầu Bent đã tăng 50% trong năm 2021 và tiếp tục tăng trong năm 2022 khi nhu cầu hồi phục về gần mức trước khi đại dịch, giữa bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh của tổ chức này, được gọi chung là OPEC +, năm 2020 đã kiềm chế một lượng lớn sản lượng.

Mặc dù hiện tại OPEC+ đang trong lộ trình khôi phục dần sản lượng, song tình trạng thiếu công suất ở một số nước OPEC đã khiến lượng dầu bổ sung ra thị trường hàng tháng luôn ở dưới mức 400.000 thùng/ngày mà nhóm đã thống nhất vào năm ngoái.

Tình trạng mất điện gần đây ở Libya cũng làm tăng giá, và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya cho biết họ đang tạm ngừng xuất khẩu từ cảng Es Sider.

Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của Price Futures Group cho biết: "Sự kết hợp của các dữ kiện – cho thấy nhu cầu sẽ mạnh hơn dự đoán và nguồn cung của OPEC có thể không tăng nhanh như nhu cầu - là lý do tại sao giá đang tăng lên".

Thông tin từ Viện Dầu mỏ Mỹ cho thấy tồn trữ dầu thô của nước này tuần vừa qua đã giảm gần 1,1 triệu thùng, mặc dù thấp hơn mức dự đoán của giới kinh doanh là giảm 2 triệu thùng, nhưng cho thấy xu hướng giảm còn tiếp diễn. Được biết, trong tuần trước nữa, tồn trữ dầu thô Mỹ đã giảm 6,432 triệu thùng, gấp nhiều lần mức dự đoán của thị trường là giảm 61,950 triệu thùng. Đây là tuần thứ 7 liên tiếp tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm. Dữ liệu chính thức về lượng dầu thô của Mỹ trong tuần qua sẽ được công bố vào ngày 12/1.

Tại Châu Âu, dữ liệu của Euroilstock cho thấy tồn trữ dầu thô và các sản phẩm dầu của các nhà máy lọc dầu khu vực trong tháng 12 đã giảm hơn 11% so với một năm trước đó. Đồng thời, tỷ suất lợi nhuận lọc dầu máy bay của châu Âu đã trở lại mức trước đại dịch do hoạt động hàng không trên toàn cầu phục hồi bất chấp sự lây lan của Omicron.

Dữ liệu của Refinitiv cho thấy lợi nhuận từ việc chuyển đổi dầu thô thành nhiên liệu máy bay tuần này đạt mức cao nhất trong vòng hai năm trở lại đây. Nhu cầu nhiên liệu hàng không trên toàn cầu tiếp tục phục hồi trong tháng 12, ngay cả sau khi sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron khiến nhiều chuyến bay bị hủy.

Dữ liệu từ trang web theo dõi chuyến bay Flightradar24 cho biết, số chuyến bay khởi hành trung bình trong bảy ngày trên toàn cầu (tính đến 31 tháng 12) đã tăng 12% so với cùng tuần một năm trước đó, mawcjduf vẫn thấp hơn 13,2% so với mức trước đại dịch 2019.

Giá dầu gần chạm 84 USD, cao nhất 2 tháng - Ảnh 1.

Lợi nhuận lọc nhiên liệu bay ở Châu Âu gần bằng mức trước đại dịch.

Trong khi đó, lượng dầu nhiên liệu bay nhập khẩu vào Châu Âu bị thắt chặt do nhu cầu loại nhiên liệu này đang mạnh mẽ ở khắp nơi trên thế giới, từ Châu Á đến Mỹ.

Theo dữ liệu của Refinitiv, khoảng 653.000 tấn nhiên liệu máy bay nhập khẩu từ Châu Á và Trung Đông dự kiến ​​sẽ đến Tây Bắc Âu trong tháng 1/2022, giảm so với hơn 1 triệu tấn vào tháng 12. Do đó, dự trữ nhiên liệu bay tại trung tâm lưu trữ Amsterdam-Rotterdam-Antwerp (ARA) đang ở mức thấp.

Các nhà máy lọc dầu ở châu Âu đã và đang ưu tiên sản xuất dầu diesel hơn là sản xuất nhiên liệu máy bay. Các nguồn tin trong ngành cho biết một số nhà máy hiện đang bắt đầu thực hiện việc chuyển đổi sang tăng sản xuất nhiên liệu bay trong bối cảnh nhu cầu hồi phục mạnh.

Trong khi đó, Chính phủ Mỹ hạ ước tính về mức tăng trưởng sản lượng dầu, đồng thời nâng dự báo nhu cầu dầu. Theo Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu thô của nước này năm 2022 dự báo tăng 640.000 thùng/ngày, thấp hơn mức 670.000 thùng/ngày dự báo tháng trước. Tổng nhu cầu dầu năm nay dự báo tăng 840.000 thùng/ngày, cao hơn mức 700.000 thùng dự báo vào tháng trước.

Về năm 2023, EIA vừa đưa ra những con số dự báo đầu tiên, theo đó sản lượng dầu thô của nước này dự báo sẽ tăng 610.000 thùng/ngày lên 12,41 triệu thùng/ngày trong năm 2023; nhu cầu xăng của Mỹ dự báo sẽ tăng 90.000 thùng/ngày lên 9,15 triệu thùng/ngày trong năm 2023, đưa tổng nhu cầu dầu của Mỹ tăng 330.000 thùng/ngày lên 20,92 triệu thùng/ngày trong năm đó.

Tham khảo: Refinitiv

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên