MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu lại bật tăng 9%

18-03-2022 - 07:24 AM | Thị trường

Giá dầu lại bật tăng 9%

Giá dầu tăng gần 9% trong phiên 17/3, kéo dài chuỗi những ngày dài biến động mạnh. Thị trường dầu đảo chiều hồi phục sau nhiều ngày giảm giá với trọng tâm chú ý mới là tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu trong những tuần tới do các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Giá dầu mỏ trong những tuần gần đây đã trải qua giai đoạn bất ổn nhất kể từ giữa năm 2020. Sau khi giá giảm, người mua ồ ạt đổ tiền vào các hợp đồng khiến giá lại bước vào một đợt tăng mới với nhận định rằng tình trạng thiếu hụt sẽ sớm bóp chết thị trường năng lượng.

Kết thúc phiên 17/3, giá dầu thô Brent tăng 8,62 USD, tương đương 8,79%, lên 106,64 USD/thùng, mức tăng tính theo tỷ lệ phần trăm lớn nhất kể từ giữa năm 2020. Giá dầu Tây Texas Mỹ (WTI) cũng tăng 7,94 USD, tương đương 8,35% lên 102,98 USD/thùng, sau khi có lúc tăng hơn 9% lên trên 104 USD/thùng, kết thúc 3 phiên giảm liên tiếp trước đó.

Mặc dù vậy, giá dầu vẫn đang hướng tới tuần giảm thứ 2 liên tiếp, hiện thấp hơn khoảng 20% ​​so với mức cao kỷ lục, là 130,5 USD đạt được vào ngày 7/3, trong bối cảnh tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng vọt, một số dấu hiệu tiến triển trong đàm phán hòa bình Nga-Ukraine và lo ngại về việc nhu cầu ở Trung Quốc chậm lại do chính sách phong tỏa chống Covid-19.

Giá dầu lại bật tăng 9%  - Ảnh 1.

Giá dầu Mỹ trong 1 tuần qua.

Trong 8 phiên giao dịch gần đây, biên độ dao động giá dầu cực lớn, với mức giá giao dịch cao nhất là 139 USD và thấp nhất là 98 USD - chênh lệch hơn 40 USD. Điều đó đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư thoát ra khỏi hợp đồng, tạo điều kiện cho sự biến động giá mạnh hơn trong những tuần tới, theo nhận định của các nhà giao dịch, chủ ngân hàng và các nhà phân tích.

Nhiều quốc gia đã cấm mua dầu của Nga sau khi nước này thực hiện chiến dịch đặc biệt ở Ukraine gần ba tuần trước. Nga là nước xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm nhiên liệu lớn nhất thế giới. Dự báo các nhà lọc dầu và người tiêu dùng trong những tuần tới sẽ phải gánh chịu những tác động từ sự những động thái cấm nhập khẩu dầu Nga này.

John Kilduff, người đồng sáng lập của Again Capital LLC, cho biết: "Thị trường đang xuất hiện những lo lắng mới về việc chúng ta có thể mất thêm một số dầu của Nga".

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết 3 triệu thùng/ngày (bpd) dầu và các sản phẩm của Nga có thể bị mất đi từ tháng tới do các công ty dầu mỏ lớn, các nhà kinh doanh và các công ty vận tải biển rời xa Nga. Theo IEA, mức giảm đó lớn hơn nhiều so với mức giảm nhu cầu – dự kiến là 1 triệu thùng/ngày (do giá nhiên liệu tăng).

Trong báo cáo tháng được công bố ngày 16/3, IEA nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới đang có nguy cơ đối mặt với cuộc khủng khoảng nguồn cung lớn nhất trong nhiều thập kỷ, các thị trường năng lượng toàn cầu đang bước vào giai đoạn quan trọng. Tuy nhiên, IEA cũng cho biết hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá diễn biến của loạt sự kiện hiện nay, song cuộc khủng hoảng này có thể dẫn đến những sự thay đổi dài hạn đối với các thị trường năng lượng.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nguồn cung năng lượng từ Nga sẽ vẫn ổn định bất chấp những gì ông mô tả là tình hình địa chính trị căng thẳng, hãng thông tấn Interfax đưa tin.

Giá dầu phiên vừa qua tăng mạnh còn bởi một phát ngôn viên của Điện Kremlin bác bỏ các báo cáo về việc có những tiến bộ lớn trong các cuộc đàm phán về Ukraine.

Morgan Stanley đã nâng dự báo giá dầu Brent thêm 20 USD trong quý 3 lên 120 USD/thùng, dự đoán sản lượng của Nga giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 4. Ngân hàng này lưu ý rằng việc bốc xếp hàng vẫn tiếp tục diễn ra tại các cảng của Nga, nhưng tỷ trọng về "điểm đến không xác định" đang tăng lên, đồng thời cho biết nguồn cung bị thắt chặt sẽ bù đắp cho sự điều chỉnh giảm nhu cầu toàn cầu khoảng 600.000 thùng/ngày.

Đà tăng giá dầu bị hạn chế bởi lo lắng về nhu cầu sau khi số ca nhiễm virus Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc. Các nhà chức trách Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược Covid Zero để hạn chế sự bùng phát trở lại của dịch bệnh, với việc hạn chế các hoạt động di chuyển được áp dụng ở ngày càng nhiều nơi, từ Thượng Hải, Thâm Quyến đến Cát Lâm và Lang Phường….

Theo ông Kilduff: "Đó là một cú đấm có một không hai ... phía cầu đang ngày càng trở thành một dấu hỏi".

Thực vậy, dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của nước này tăng 4,3 triệu thùng trong tuần trước, trái với dự đoán của các nhà phân tích là sẽ giảm 1,4 triệu thùng.

Thị trường dầu mỏ nhìn chung không bị tác động bởi việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất 1/4 điểm phần trăm hôm thứ Tư (16/3). Tâm lý nhà đầu tư cũng trở nên lạc quan hơn sau khi Trung Quốc cam kết các chính sách thúc đẩy thị trường tài chính và tăng trưởng kinh tế, và kỳ vọng những biện pháp phong tỏa chống Covid-19 sẽ nhanh chóng được dỡ bỏ và các nhà máy sẽ tiếp tục sản xuất.

Tham khảo: Reuters

https://cafef.vn/gia-dau-lai-bat-tang-9-20220318071101767.chn

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên