Xuất khẩu gạo cao nhất từ trước tới nay
Xuất khẩu gạo Việt Nam quý I năm nay đạt gần 2,2 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay. Riêng tháng 3 đã lập kỷ lục mới về xuất khẩu trong 1 tháng của Việt Nam khi đạt tới hơn 1,1 triệu tấn.
- 22-04-2024Giá gạo Ấn Độ chạm đáy của gần 3 tháng
- 21-04-2024Gạo thơm ST24 và ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU
- 20-04-2024Việt Nam trở thành đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất tại Singapore
Ngày 26/4, Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I/2024.
Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - cho biết, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 8,1 triệu tấn gạo với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng hơn 14% về lượng và tăng hơn 35% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn, tăng hơn 18% so với mức bình quân năm 2022.
Quý I năm nay, xuất khẩu gạo đạt gần 2,2 triệu tấn, kim ngạch hơn 1,4 tỷ USD, giá trung bình gần 654 USD/tấn, tăng 17,6% về lượng, 45,5% về kim ngạch và tăng 23,6% về giá so với quý I/2023.
Hiện trong nước đang vào cuối vụ Đông Xuân, vụ mùa lớn nhất tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ( ĐBSCL), sản lượng dồi dào, phục vụ tốt cho hoạt động xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường trên thế giới vẫn được dự báo ở mức cao hơn tổng cung toàn cầu nên giá gạo xuất khẩu vẫn được kỳ vọng tăng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức. Cục Xuất nhập khẩu đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các thương nhân xuất khẩu đảm bảo việc thu mua lúa gạo cho nông dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024.
VFA và các thương nhân tiếp tục nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động tiêu thụ gạo trong và ngoài nước, đặc biệt đối với việc đảm bảo đầy đủ các chứng từ, hồ sơ truy xuất nguồn gốc đầy đủ trong quá trình từ thu mua đến chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu, đảm bảo không gian lận thương mại, giữ gìn hình ảnh thương hiệu, uy tín gạo Việt Nam…
Theo ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch VFA, năm 2023 ghi nhận kết quả xuất khẩu gạo cao nhất từ trước đến nay, giá lúa gạo trong nước và xuất khẩu luôn duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, hiệu quả xuất khẩu lại khá hạn chế do hầu hết các thương nhân đều gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn lưu động, gây ảnh hưởng đến tiến độ thu mua của doanh nghiệp (DN).
Xuất khẩu gạo Việt Nam quý I vừa qua đạt gần 2,2 triệu tấn, là quý I có lượng gạo xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay. Nhu cầu thị trường thế giới tăng đã đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên mức bình quân hơn 529 USD/tấn, tăng gần 9% (gần 43 USD/tấn) so với cùng kỳ. Đặc biệt, kết quả riêng tháng 3 đã lập kỷ lục mới về khả năng xuất khẩu trong 1 tháng của Việt Nam khi đạt tới hơn 1,1 triệu tấn.
Tuy nhiên, theo ông Nam, khó khăn hiện nay là hiện tượng thời tiết, rủi ro kinh tế, chính trị, chính sách xuất nhập khẩu lương thực và tâm lý thận trọng trên thị trường trong nước và quốc tế kéo tiếp tục kéo dài, buộc các thương lái, kho vệ tinh lẫn DN đều phải giao dịch rất thận trọng khi chỉ tiến hành cung ứng/ký kết các đơn hàng giao ngắn ngày. Trong khi tín dụng vẫn là vấn đề được cộng đồng thương nhân xuất khẩu gạo vùng ĐBSCL quan tâm nhiều nhất.
Cần sự chia sẻ
Về vấn đề xây dựng thương hiệu, theo các DN đó là tình trạng mạnh ai nấy làm, ít chia sẻ với nhau, tính liên kết mong manh, dễ vỡ, chuyện lúa mua bán tại ruộng thì dễ bị ép giá cũng là điều dễ hiểu. Ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông - nói rằng, những hội nghị này tổ chức nhiều nhưng thiếu hẳn khoảng 10 DN xuất khẩu lớn của cả nước.
“Các DN đó họ rất kín tiếng, họ đi các nước rồi lặng lẽ làm và rất kín tiếng, đó là một khiếm khuyết của ngành lương thực lâu nay. Trong hàng trăm DN có giấy phép xuất khẩu, chỉ có khoảng 50 DN tham gia sâu vào thị phần, vì thị trường cũng rất khốc liệt. Do vậy, rất cần những DN này chia sẻ ý kiến để đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành hàng” – ông Anh nói.
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch VFA - cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tổ chức các hội nghị đối thoại song phương với các DN trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo để thông tin được chia sẻ và tiếp nhận đúng với trọng tâm và phù hợp với thực tiễn của ngành lúa gạo Việt Nam.
Ông Nam cũng đề xuất đánh giá lại đặc thù thổ nhưỡng của từng vùng canh tác ở ĐBSCL cũng như vai trò của từng mắt xích trong chuỗi cung ứng lúa gạo toàn vùng, tránh tình trạng đánh giá cục bộ theo từng địa phương.
“Cần nhìn nhận lại và chấp nhận vai trò của thành phần hàng xáo và có cơ chế quản lý đối với lực lượng này. Đồng thời, quản lý chặt đầu vào, nhất là thuốc bảo vệ thực vật đề đảm bảo chất lượng lúa gạo…” - Chủ tịch VFA kiến nghị.
Bà Huỳnh Thị Bích Huyền - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát - cho biết, để đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, thực tế DN cần đầu tư rất nhiều máy móc, thiết bị, công nghệ cao theo chuỗi dây chuyền khép kín, đồng thời bao tiêu lúa cho nông dân theo vụ mùa với số lượng lớn. Với hạn mức tín dụng như 2 năm trước đây thì DN ổn định, nhưng hiện nay chi phí tăng rất cao, vừa qua giá lúa gạo cũng tăng quá cao nên DN gặp khó khi vốn vơi dần.
“Để đảm bảo thu mua cân đối cho nông dân, ổn định giá thành tồn kho trước khi đi ký hợp đồng xuất khẩu, góp phần an ninh lương thực quốc gia và DN, chúng tôi cần mở rộng hạn mức ngân hàng, giảm lãi suất để DN luân chuyển được hàng hóa theo vụ mùa, linh hoạt trong giải ngân, tránh tình trạng bán đổ bán tháo để được hợp đồng, có hợp đồng trước mới được giải ngân, cái này rất nguy hiểm cho DN” - bà Huyền kiến nghị.
Tiền Phong