Giá dầu lấy lại đà tăng
Giá dầu thế giới sáng nay (3/1) đã phục hồi trở lại sau khi lao dốc gần 2% trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2024.
- 02-01-2024Chuyên gia: Giá dầu thế giới năm 2024 khó vượt 80 USD/thùng vì lý do này
- 30-12-2023Ngành hóa dầu - thời điểm vàng để chuyển đổi xanh, hướng đến sự bền vững
- 30-12-2023Không phải Nga hay Trung Đông, đây sẽ là ông hoàng của thị trường dầu mỏ năm 2024, sản lượng liên tục bỏ xa cả thế giới
Theo dữ liệu từ Oilprice, thời điểm 10h01 ngày 3/1 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao dịch ở mức 75,89 USD/thùng, không đổi so với phiên trước. Còn giá dầu WTI ở mức 70,42 USD/thùng, tăng 0,04 USD, tương đương 0,06% so với phiên trước đó.
Trong khi đó, chốt phiên đêm qua (2/1), phiên giao dịch đầu tiên của năm 2024, giá dầu Brent giảm gần 1,5% xuống ngưỡng 75,89 USD/thùng, dầu WTI cũng giảm mạnh gần 1,8% xuống 70,38 USD/thùng.
Diễn biến giá dầu giảm phiên đầu năm được xem là do những lo ngại của giới đầu tư trước căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ. Hôm qua, hãng vận tải Maersk đã lại tạm hoãn việc đưa tàu qua tuyến vận tải quan trọng này, sau thông tin một tàu hàng của hãng bị tấn công.
Một cuộc xung đột rộng lớn hơn có thể buộc các tuyến đường thủy quan trọng để vận chuyển dầu phải đóng cửa, theo Reuters.
Ngoài ra, giá dầu giảm khi các nhà đầu tư hạ thấp kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất trong năm nay. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí vay tiêu dùng, theo đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.
Sự lao dốc của giá dầu cũng chịu tác động bởi sự mạnh lên của đồng USD, trong khi giá cổ phiếu trượt dốc. Đồng USD mạnh hơn khiến dầu trở nên đắt hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Andrew Lipow, Chủ tịch Hiệp hội dầu Lipow, nhận định thị trường đang tự điều chỉnh vì cho đến nay nguồn cung vẫn chưa bị gián đoạn do những căng thẳng tại Trung Đông.
Theo khảo sát mới đây của Reuters, các nhà kinh tế và nhà phân tích dự đoán giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 82,56 USD/thùng trong năm 2024, tăng nhẹ so với mức trung bình năm 2023 là 82,17 USD, với tốc độ tăng trưởng toàn cầu yếu sẽ hạn chế nhu cầu. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị có thể hỗ trợ giá.
Tại Trung Quốc, những dự đoán về các biện pháp kích thích kinh tế tăng lên sau khi hoạt động chế tạo của nước này suy giảm tháng thứ 3 trong tháng 12. Các biện pháp này có thể thúc đẩy nhu cầu dầu và hỗ trợ giá "vàng đen".
Các nguồn thạo tin cho biết, Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng (JMMC) của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) dự định sẽ nhóm họp vào đầu tháng 2 dù vẫn chưa quyết định ngày cụ thể.
VTV