Giá dầu liên tục tăng giúp ông lớn dầu mỏ 'lên hương', Apple đành ngậm ngùi đánh mất vị thế vì thị trường hàng đầu châu Á này
Giá dầu tăng vọt, lạm phát và cổ phiếu công nghệ sụt giảm giúp Saudi Aramco "vượt mặt" Apple để trở thành công ty được định giá cao nhất thế giới.
- 11-05-2022Apple chính thức cho iPod "an nghỉ"
- 09-05-2022Mẫu iPhone giá rẻ nhất của Apple chính thức lên kệ tại Việt Nam
- 09-05-2022Apple Silicon dính lỗ hổng bảo mật, có nguy cơ khiến dữ liệu bị đánh cắp, ai đang dùng mẫu iPhone này nên lưu ý
Do giá dầu tăng vọt, công ty xăng dầu và khí đốt tự nhiên quốc gia Arab Saudi - Saudi Aramco, được coi là công ty sản xuất dầu lớn nhất thế giới, được định giá 2,42 nghìn tỷ USD dựa trên giá cổ phiếu của công ty này tại thời điểm đóng cửa thị trường. Trong khi đó, Apple được định giá 2,37 nghìn tỷ USD khi kết thúc giao dịch chính thức vào ngày 11/5.
Mặc dù giá trị của các công ty có thể sẽ sớm thay đổi do biến động của giá cổ phiếu, nhưng diễn biến hôm 11/5 cho thấy những xu hướng rộng hơn trong nền kinh tế toàn cầu.
Saudi Aramco truất ngôi giá trị nhất thế giới của Apple như thế nào?
Apple đã chứng kiến giá cổ phiếu của mình giảm trong tháng qua. Giá cổ phiếu chìm xuống bất chấp việc Apple báo cáo lợi nhuận tốt hơn mong đợi trong ba tháng đầu năm nay.
Trong khi đó, tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Saudi Aramco gần đây đã báo cáo lợi nhuận ròng tăng 124% trong năm ngoái. Khi nền kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi sau đại dịch COVID-19, "thu nhập ròng của Aramco tăng 124% lên 110,0 tỷ USD vào năm 2021, so với 49,0 tỷ USD vào năm 2020", công ty cho biết.
Saudi Aramco, một trong những nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, đã phải chịu áp lực tăng sản lượng khi Nga tấn công quân sự vào Ukraine và các lệnh trừng phạt tiếp theo nhằm vào Moscow đã làm chao đảo thị trường năng lượng toàn cầu.
Việc giá dầu mỏ tăng mạnh đã hỗ trợ rất nhiều cho giá trị vốn hóa thị trường của Saudi Aramco. Giá dầu thô đã tăng khoảng 60% kể từ năm ngoái nhờ nhu cầu cao hơn cũng như do thị trường lo ngại về nguy cơ thắt chặt nguồn cung giữa lúc công suất của các nhà sản xuất bị hạn chế. Một số ngân hàng đầu tư dự báo giá dầu có thể đạt trung bình 120-135 USD/thùng trong năm nay.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Aramco Amin Nasser cảnh báo rằng triển vọng của công ty vẫn không chắc chắn một phần do "các yếu tố địa chính trị".
Chủ tịch Nasser cho biết: "Chúng tôi tiếp tục đạt được bước tiến trong việc tăng công suất sản xuất dầu thô, thực hiện chương trình mở rộng khí đốt và tăng công suất từ chất lỏng lên công suất hóa chất".
Về kết quả, năm 2021, ông thừa nhận rằng "điều kiện kinh tế đã được cải thiện đáng kể". Sự phục hồi mạnh mẽ vào năm ngoái đã chứng kiến nhu cầu đối với dầu tăng và giá phục hồi từ mức thấp nhất năm 2020.
Apple mất ngôi vương là do Trung Quốc?
Theo hai nghiên cứu công bố mới đây cho thấy, Apple đã tụt xuống vị trí thứ ba sau các thương hiệu smartphone Trung Quốc.
Sự thay đổi trong thứ hạng thị trường diễn ra khi Trung Quốc đối mặt với tình trạng suy giảm kinh tế nghiêm trọng và do các hạn chế Covid đã hãm đà chi tiêu của người tiêu dùng.
Hãng Counterpoint Research cho biết, doanh số bán smartphone ở Trung Quốc giảm 14% trong quý đầu tiên và gần với mức hồi năm Q1/2020 do bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch.
Counterpoint Research cho biết thêm, doanh số bán hàng của Apple đã giảm 23% so với quý trước tính đến tháng 3/2022. Công ty đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng ở Trung Quốc vào năm ngoái, ngay sau khi ra mắt iPhone 13.
Thị phần của Apple tại Trung Quốc hiện là 17,9%, so với mức 21,7% trong quý trước đó.
Một thống kê khác của hãng nghiên cứu Canalys mới đây cũng cho thấy, Apple đã tụt lại từ vị trí dẫn đầu thị trường Trung Quốc xuống vị trí thứ ba. Trong đó, lượng xuất xưởng quý đầu tiên đã giảm 36% so với quý trước. Canalys theo dõi các chuyến hàng của nhà sản xuất gửi đến các điểm bán lẻ thay vì theo dõi doanh số bán hàng tới tay người tiêu dùng.
Apple không phải là nạn nhân duy nhất nhưng lại chịu ảnh hưởng nặng nhất
Ivan Lam, nhà phân tích cấp cao tại Counterpoint Research cho rằng sự suy giảm của Apple một phần là do kinh tế Trung Quốc đang suy thoái và điều này ảnh hưởng khá nhiều đến túi tiền của người tiêu dùng.
Các thương hiệu nội địa của Trung Quốc bao gồm Vivo, Honor và Oppo đang quay trở lại và vượt trội so với Apple sau khi bị iPhone 13 chèn ép hồi cuối năm ngoái. Nhìn chung, nhu cầu giảm theo mùa và bất ổn kinh tế lớn đã tác động đến thị trường Trung Quốc trong vài tháng qua.
Lam nhấn mạnh: "Tôi không nghĩ rằng dữ liệu quý 2 sẽ cải thiện nhiều vì các đợt phong tỏa liên tục sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng chi tiêu của người tiêu dùng.
Theo tính toán của CNN, có ít nhất 27 thành phố trên khắp Trung Quốc bị phong tỏa toàn bộ và điều này làm ảnh hưởng đến hơn 165 triệu người. Thượng Hải, trung tâm tài chính lớn của Trung Quốc đã bị đóng cửa trong hơn một tháng qua. Các hạn chế này đã buộc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và giáng một đòn mạnh vào triển vọng kinh tế của quốc gia tỷ dân.
Không chỉ nhu cầu yếu đang gây hại cho Apple tại Trung Quốc. Công ty cũng đang phải đối mặt với các thách thức về chuỗi cung ứng xuất phát từ việc Trung Quốc đóng cửa nhiều thành phố lớn.
Foxconn, nhà cung cấp chính cho Apple đã ngừng sản xuất tại nhà máy ở Thâm Quyến trong vài ngày hồi tháng trước khi thành phố áp đặt lệnh phong tỏa. Pegatron, một nhà lắp ráp iPhone cũng đã phải đình chỉ hoạt động các nhà máy ở Thượng Hải và Côn Sơn vào đầu tháng này.
CEO Tim Cook cho biết, các hạn chế ngày càng tăng vì dịch Covid-19 ở Trung Quốc cùng với tình trạng thiếu chip trong toàn ngành sẽ ảnh hưởng đến doanh số quý tới của công ty từ 4 đến 8 tỷ USD.
Dan Ives, nhà phân tích của Wedbush Securities cho biết: "Các vấn đề về chuỗi cung ứng tiếp tục là vấn đề lớn ở Trung Quốc và điều đó sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng quý tới".
Đầu tháng này, Canalys đã cảnh báo các nhà sản xuất smartphone trên thế giới sẽ phải đối mặt với sự không chắc chắn lớn do các phong tỏa ở Trung Quốc, chiến tranh Nga-Ukraine và mối đe dọa lạm phát.
Tham khảo: CNN, Firstpost