Giá dầu thế giới đạt đỉnh của gần hai tháng
Giá dầu trong tuần này đã tiếp nối đà tăng của tuần trước, đạt mức cao nhất trong gần hai tháng trong phiên 26/1, nhờ một loạt thông tin khả quan từ Mỹ và Trung Quốc.
- 26-01-2024Elon Musk: 'Nếu không có rào cản này, xe điện Trung Quốc sẽ đánh bại toàn bộ đối thủ trên thế giới'
- 26-01-2024Chốt sổ 2023, cây ‘châu báu’ này mang về cho Việt Nam 3 tỷ USD: Sản lượng top 3 thế giới, Trung Quốc giá nào cũng mua
- 24-01-2024Mặt hàng này từ Nga liên tục đổ bộ Việt Nam với giá rẻ cực hấp dẫn, Việt Nam chớp cơ hội 'vàng' chi hàng trăm triệu USD gom hàng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/1, giá dầu Brent tăng 1,12 USD, tương đương 1,4%, đạt 83,55 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 65 xu Mỹ, tương đương 0,8%, lên 78,01 USD/thùng. Cả hai loại dầu này đều đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần với mức giá cao nhất kể từ tháng 11/2023.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 25/1, giá dầu quay đầu giảm nhẹ, do xuất hiện những dấu hiệu cho thấy tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu tại Biển Đỏ có thể đã dịu xuống. Tuy nhiên, các số liệu tăng trưởng kinh tế tích cực của Mỹ, đi kèm với dấu hiệu kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc, đã thúc đẩy kỳ vọng về nhu cầu dầu thế giới trong phiên 26/1.
Khi tính theo tuần, cả hai loại dầu trên đều đạt mức tăng hơn 6%, đánh dấu mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 13/10/2023.
Nhà phân tích thị trường dầu, Tim Evans, nhận định các nhân tố như: dấu hiệu về các biện pháp kích thích kinh tế từ Trung Quốc; tăng trưởng GDP quý IV/2023 mạnh hơn dự kiến ở Mỹ; lạm phát của Mỹ hạ nhiệt; rủi ro địa chính trị tiếp diễn và kho dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ giảm 9,2 triệu thùng trong tuần, đã kết hợp lại với nhau, đẩy giá dầu lên cao hơn.
Các nhà phân tích cho biết mối lo ngại về nguồn cung đã được thể hiện rõ. Các nhà đầu tư đang nghiêng về xu hướng nguồn cung sẽ nhanh chóng thắt chặt hơn.
Ngoài ra, nguy cơ gián đoạn nguồn cung nhiên liệu còn được củng cố bởi xung đột gia tăng tại Ukraine. Ngày 25/1, cơ quan báo chí của Chính phủ Ukraine cho biết nước này không có kế hoạch gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt tự nhiên với Nga sau năm 2024. Năm ngoái, lượng khí đốt của Nga trung chuyển qua Ukraine đã giảm 28,4%, xuống còn 14,646 triệu m3.
Các nhà giao dịch đang đánh cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 5/2024, thay vì tháng 3/2024. Nhân tố này đã gây áp lực lên giá dầu thô thuộc các hợp đồng kỳ hạn.
Cũng góp phần hạn chế đà tăng của giá dầu là thông tin từ công ty Baker Hughes cho hay, các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này đã bổ sung thêm hai giàn khoan dầu, đẩy tổng số giàn khoan đang hoạt động tại nước này lên 499 giàn khoan.
Báo Tin tức